BẮC BÌNH THỰC HIỆN TỐT CÔNG TÁC CHĂM SÓC, GIÁO DỤC VÀ BẢO VỆ TRẺ EM

“Trẻ em hôm nay thế giới ngày mai” quan tâm chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là quan tâm xây dựng tương lai của đất nước. Trong 5 năm qua, thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”, Ban Thường vụ Huyện ủy đã quan tâm triển khai thực hiện đạt kết quả tích cực góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ em trong toàn huyện.

        Sau khi tiếp thu nội dung Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị số 38-CT/HU, ngày 18/3/2013 thực hiện Chỉ thị của Trung ương. Đồng thời chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện, các cơ quan có liên quan và các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.

        Việc chăm lo học tập, xây dựng đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho các em được chú trọng thường xuyên, các em được quan tâm chăm sóc tốt hơn về sức khỏe, học tập. Tỷ lệ trẻ thấp còi dưới 5 tuổi được cải thiện (năm 2012 tỷ lệ cân nặng chưa đạt chuẩn chiếm 14.84% và chiều cao chưa đạt chuẩn là 22.76%, đến năm 2016 tỷ lệ cân nặng chưa đạt chuẩn giảm xuống là 8.12% và chiều cao chưa đạt chuẩn giảm xuống còn 13.4%). Tỉ lệ tiêm chủng đủ 8 bệnh của trẻ em đạt từ trên 95% đến 98%. Hằng năm, Ủy ban nhân dân huyện tổ chức diễn đàn trẻ em cấp huyện. Qua diễn đàn, đại biểu trẻ em đã mạnh dạn đưa các thông điệp, tiếng nói của trẻ em gửi đến lãnh đạo huyện và tháo gỡ những vấn đề còn tồn tại trong việc phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Đồng thời, giúp trẻ em có những thông tin bổ ích, những tình huống thiết thực để tự trang bị kỹ năng phòng chống, bạo lực xâm hại đối với trẻ em.

        Công tác chăm lo trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm. Toàn huyện có: 893/39.128 trẻ em thuộc đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt chiếm 2,3%. Trong đó có 643/39.128 trẻ mồ côi chiếm 1,64%, có 250/39.128 trẻ khuyết tật chiếm 0,64%. Nhằm để đưa các em hòa nhập vào cộng đồng, trong những năm qua được sự quan tâm của tổ chức y tế các cấp đã thực hiện một số công việc như: Phẫu thuật cho các em dị tật về sứt môi, hở hàm ếch, mắt, tim bẩm sinh. Hội đồng Đội huyện vận động hơn 1.500 suất quà, 200 chiếc xe đạp trị giá hơn 375.000.000 đồng cho các học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.

        Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế:

        Trên lĩnh vực chăm lo đời sống tinh thần của trẻ em tuy được quan tâm nhưng cấp huyện và hầu hết các xã, thị trấn việc xây dựng điểm vui chơi chưa đáp ứng nhu cầu cơ bản của trẻ em trên địa bàn. Các loại hình văn hóa sách báo, phim ảnh phục vụ cho trẻ em còn quá ít, các hoạt động của nhà trường, đội thiếu niên chưa đáp ứng nhu cầu của các em. Trong khi đó phim ảnh, sách báo, internet không phù hợp với lứa tuổi đã tác động xấu đến sự phát triển tâm lý các em. Tình trạng trẻ em bỏ học giữa chừng lao động sớm vẫn phổ biến. Việc thu thập thông tin, số liệu về công tác trẻ em ở cơ sở chưa được nắm chắc và kịp thời. Tình trạng trẻ em bị tai nạn, thương tích, tử vong nhất là trẻ em đuối nước vẫn còn xảy ra nhiều.

        Để công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đi vào chiều sâu trong thời gian đến, Ban Thường vụ Huyện ủy đề ra các giải pháp thực hiện

        - Tiếp tục tuyên truyền và triển khai trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) và Chỉ thị số 38-CT/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới” nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong cộng đồng đối với việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em.

        - Nêu cao tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận - đoàn thể các cấp mà nhất là cơ sở trong việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Lập kế hoạch hằng năm về công tác trẻ em, lồng ghép và ưu tiên thực hiện các kế hoạch mục tiêu dành cho trẻ em vào trong kế hoạch và chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của địa phương.

        - Kiện toàn và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác trẻ em, đảm bảo mỗi xã, thị trấn đều có cán bộ phụ trách công tác trẻ em và các thôn đều có cộng tác viên về công tác trẻ em.


Các tin khác