Trong những năm qua, Đề án đã trang bị cho huyện Bắc Bình 9.538 đầu sách và 76 đĩa CD-ROM phân phối cho 18 xã - thị trấn (mỗi xã - thị trấn 2 bộ), Thường trực Huyện ủy, Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện và Thư viện huyện chia làm 2-4 đợt/năm. Các loại sách trang bị có hình thức đẹp, gồm nhiều thể loại đa dạng như: sách phổ biến, giáo dục lý luận chính trị, pháp luật và kiến thức quản lý cấp cơ sở; sách giới thiệu các điển hình tiên tiến, tấm gương người tốt, việc tốt, đấu tranh phản bác thông tin, luận điệu sai trái, thù địch, đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, suy thoái về đạo đức, lối sống; sách phục vụ việc đẩy học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; sách phổ biến kỹ thuật nông nghiệp; sách về chăm sóc sức khỏe; sách dành cho thanh – thiếu niên và nhi đồng; sách giới thiệu về văn hóa và các dân tộc Việt Nam;… Đây là những tài liệu bổ ích, là công cụ, phương tiện giúp cho cán bộ đảng viên và nhân dân ở cơ sở tiếp cận, tìm hiểu, vận dụng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống; vận dụng vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và phổ biến cho nhiều đối tượng tại các xã, phường, thị trấn trong huyện.
Để thực hiện có hiệu quả Đề án, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo đôn đốc nhắc nhở các xã, thị trấn trong sử dụng và khai thác các loại sách; đồng thời, tổ chức kiểm tra tại một số xã như: Hồng Thái, Phan Hiệp; nhìn chung, các ấn phẩm được phân loại và sử dụng khá phù hợp, có tác dụng thiết thực đối với địa phương. Đối với cơ sở, sau khi nhận được các ấn phẩm từ Đề án, đảng ủy các xã, thị trấn đã giao trách nhiệm cho cán bộ phụ trách công tác Tuyên giáo phối hợp với các bộ phận chức năng, phân công cán bộ phụ trách, quản lý, phân loại và đưa vào khai thác, sử dụng theo quy định của Nhà nước về tài sản công. Một số xã, thị trấn có điều kiện sẽ trang bị tủ riêng để quản lý tại văn phòng Đảng ủy; một số địa phương chưa có điều kiện thì quản lý sách cùng với tủ sách pháp luật của địa phương; một số xã thuần đồng bào dân tộc theo đạo, địa phương sẽ chuyển một bộ cho chùa quản lý để bà con thuận tiện cho việc tìm hiểu, nghiên cứu. Qua kiểm tra việc quản lý và sử dụng các đầu sách, một số xã, thị trấn thực hiện tốt Đề án như: thị trấn Lương Sơn, xã Hải Ninh, xã Bình Tân, xã Phan Thanh. Đối với Thư viện huyện, khi nhận sách về sẽ phân loại và nhanh chóng đưa vào hệ thống sách để phục vụ nhu cần đọc của cán bộ và nhân dân. Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện sẽ phân loại và quản lý trong thư viện của Trung tâm để đáp ứng nhu cầu giảng dạy của giảng viên và nhu cầu học tập của học viên.
Đề án đã cung cấp nhiều tư liệu có giá trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; tuy nhiên, việc sử dụng sách ở cơ sở vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như: việc bảo quản, sử dựng sách tại một số xã, thị trấn còn có những lúng túng nhất định; việc sắp xếp, quy định cụ thể nơi trưng bày sách chưa thuận tiện cho các đối tượng cần khai thác. Đa phần, các sách trang bị về các xã, thị trấn người dân chưa tiếp cận được nhiều vì thiếu phòng đọc và việc đến nơi công sở đọc sách, nghiên cứu chưa trở thành ý thức của người dân.
Ngày nay, trong bối cảnh cuộc sống hiện đại với nhiều loại hình, phương tiện thông tin, giải trí và học tập; thiết nghĩ, đọc sách vẫn là nhu cầu rất cần thiết nhằm không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao hiểu biết. Chính vì vậy, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu sách đến với người đọc bằng nhiều hình thức phong phú hơn nữa như: tuyên truyền, giới thiệu qua hệ thống truyền thanh cơ sở; qua các cuộc họp chi bộ, đảng bộ, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể… để những tri thức ấy có thể đến gần hơn với cán bộ, đảng viên và nhân dân./.