Bắc Bình: Kết quả 05 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/HU của Huyện ủy (khóa X) về tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai

       Bắc Bình là một huyện miền núi, huyện lỵ đặt ở thị trấn Chợ Lầu cách thành phố Phan Thiết 68 km về phía Đông Bắc, có Quốc lộ 1A với chiều dài 37 km, đường sắt Bắc Nam với chiều dài 40 km, bờ biển dài 29km, có tuyến đường ven biển kết nối với thành phố Phan Thiết và huyện Tuy Phong; tuyến đường Lương Sơn - Đại Ninh nối liền với Lâm Đồng tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy, phát triển nền kinh tế đa dạng, phong phú, đặc biệt với an ninh quốc phòng, tổng diện tích tự nhiên của huyện là 186.882,08ha.

        Sau 05 năm thực hiện Nghị quyết 06-NQ/HU về tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể các cấp đã tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện đạt những nhiệm vụ trọng tâm đề ra. Nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng về công tác quản lý về đất đai, cũng như quyền, nghĩa vụ của công dân được nâng lên. Công tác giáo dục tuyên truyền, phổ biến pháp luật đất đai đã từng bước lan tỏa trong mọi tầng lớp nhân dân. Hiệu quả của việc tăng cường quản lý nhà nước về đất đai của các cấp chính quyền từng bước được ổn định và được nâng lên. Tính đến nay, công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2020 của huyện và 18 xã, thị trấn đã được cấp có thẩm quyền xét duyệt đồng thời thực hiện công bố, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt theo quy định; đã ban hành quyết định thu hồi đất với tổng diện tích 603,9 ha để phục vụ các dự án đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng; giao đất cho hộ gia đình, cá nhân để xây dựng nhà ở với tổng diện tích là 6,95 ha và giao đất, cho thuê đất để sản xuất nông nghiệp, thực hiện dự án nông lâm kết hợp là 860,05 ha; công tác cấp Giấy chứng nhận lần đầu hoàn thành vượt chỉ tiêu tỉnh giao, góp phần quản lý và khai thác tốt các nguồn thu về đất với tỷ lệ thu nộp ngân sách hàng năm chiếm tỷ trọng khoảng 25% trong tổng thu ngân sách nhà nước (bình quân thu khoảng 20 tỷ đồng/năm); Công tác giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận lần đầu, đăng ký biến động đất đai và thực hiện các quyền của người sử dụng đất luôn thực hiện theo Quy trình giải quyết hồ sơ theo cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông” và theo Tiêu chuẩn chất lượng ISO 9001: 2008 đã đăng ký và được chứng nhận. Thường xuyên rà soát, hủy bỏ các loại giấy tờ không cần thiết và thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo cơ chế “Một cửa” và “Một cửa liên thông”.

        Công tác thanh tra, kiểm tra giám sát trên lĩnh vực đất đai được tăng cường; qua kiểm tra, đã phát hiện và lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực đất đai đối với 89 trường hợp chủ yếu là lấn, chiếm, chuyển nhượng đất trái phép và sử dụng đất sai mục đích. Kiện toàn đội ngũ công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai của hai cấp từng bước được nâng lên về số lượng và chất lượng. Tính đến nay, tổng số công chức và người lao động của toàn ngành là 61 người, trong đó cấp xã 45 người từ trung cấp đến đại học; có 26 người là chuyên ngành quản lý đất đai bao gồm 14 người là đại học và cao đẳng. Trong 5 năm, thông qua việc tổ chức tiếp công dân đến khiếu nại, kiến nghị, phản ánh liên quan đến đất đai và tiếp nhận đơn thư khiếu nại, kiến nghị, tranh chấp, tố cáo về đất đai, trong đó: khiếu nại 77 đơn, kiến nghị 576 đơn, tranh chấp 52 đơn, tố cáo 11 đơn. Đã giải quyết: khiếu nại 77 đơn đạt 100%, kiến nghị 495 đơn đạt 85,94% và tranh chấp 46 đơn đạt 88,46%, tố cáo 11 đơn đạt 100%.

        Tuy nhiên, việc khai thác sử dụng nguồn lực đất đai chưa hiệu quả, công tác quản lý hồ sơ địa chính còn lỏng lẻo, cập nhật chỉnh lý biến động còn thiếu sót, chậm trong việc giải quyết các vướng mắc tồn đọng về đất ở qua các thời kỳ. Công tác lập Quy hoạch sử dụng đất chưa sát với đặc điểm từng vùng và nhu cầu sử dụng đất thực tế của địa phương do đó hiệu quả sử dụng đất còn thấp. Công tác quản lý đất đai, quản lý đất quy hoạch trồng lúa có nơi chưa chặt chẽ; tình trạng lấn, chiếm đất, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất chưa được phát hiện và xử lý kịp thời, còn buông lõng; việc giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo thiếu đất hoặc không có đất tuy có nhiều cố gắng nhưng còn chậm, còn để xảy ra tình trạng mua bán, sang nhượng đất trái phép. Hiệu lực chấp hành pháp luật đất đai của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, còn cố tình vi phạm. Hiệu quả xử lý vi phạm đất đai còn thấp, chưa đảm bảo tính răn đe, giáo dục.

        Để tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/HU của Huyện ủy  (khóa X) về tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn huyện Bắc Bình có hiệu quả hơn trong thời gian tới, các cấp ủy trực thuộc, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể huyện tiếp tục tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Nghị quyết số 06-NQ/HU và Kết luận số 52-KH/HU, ngày 04/12/2014, Kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 06-NQ/HU về tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, các văn bản pháp luật về đất đai gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; làm tốt công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và tăng cường công tác quản lý thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quản lý tốt quy hoạch đất trồng lúa, khắc phục tình trạng quy hoạch treo. Tăng cường thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu nhất là đất đủ điều kiện xét cấp, từng bước tháo gỡ vướng mắc đối với diện tích chưa đủ điều kiện; hoàn thiện hệ thống hồ sơ địa chính, đảm bảo nguyên tắc mọi thửa đất phải được đăng ký và đã cấp Giấy chứng nhận phải được thể hiện đầy đủ thống nhất các thông tin trong hồ sơ địa chính ở các cấp; thực hiện nghiêm quy trình cập nhật biến động về sử dụng đất theo quy định. Tập trung chỉ đạo thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế cơ chế “Một cửa” và “Một cửa liên thông” từ xã đến huyện trong quản lý đất đai; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên về đất đai, theo hướng đẩy mạnh cả hai hình thức kiểm tra thường xuyên của chuyên ngành và thanh tra, kiểm tra của UBND cấp trên đối với UBND cấp dưới. Xử lý cơ bản những vấn đề tồn đọng kéo dài trong quản lý, sử dụng đất đai, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất và lợi ích của Nhà nước, xã hội, thiết lập trật tự kỷ cương trong quản lý, sử dụng đất theo pháp luật. Nâng cao chất lượng công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại, kiến nghị và tố cáo, xử lý vi phạm về đất đai./.

          


Các tin khác