Từ khi có Nghị quyết số 08-NQ/HU, việc thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp toàn diện gắn với xây dựng nông thôn mới luôn được coi trọng; nhờ vậy tiến độ thực hiện các chỉ tiêu của Nghị quyết trong toàn huyện đạt kết quả đáng kể. Trên cơ sở chỉ đạo rà soát, bổ sung và triển khai các quy hoạch ngành, nhờ dự án tưới Phan Rí - Phan Thiết nên cơ bản nối được mạng thủy lợi trong huyện; cùng với đó, dự án cấp nước Khu Lê và dự án nâng cao năng lực cạnh tranh nông nghiệp đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp. Việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp tạo ra nhiều mô hình mới được nhân rộng như: Sản xuất giống lúa chất lượng cao, trồng cây ăn quả; chăn nuôi bò sữa, bò thịt, gà thả vườn, con dông, con dê, bồ câu pháp, nuôi trồng thủy sản nước lợ; hỗ trợ bình phun thuốc cầm tay với tổng nguồn vốn là 1,952.5 triệu đồng, hỗ trợ cho 3 xã điểm (trong đó nhà nước hỗ trợ 1,750 triệu đồng và dân góp 202,5 triệu đồng) với hơn 300 hộ tham gia, các mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, việc phát triển cây thanh long - cây trồng chủ lực của huyện đã góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân. Sau khi triển khai thực hiện, các địa phương đã đúc kết và tiếp tục tuyên truyền, vận động triển khai nhân rộng các mô hình có hiệu quả; tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững và bảo đảm không để xảy ra ô nhiễm môi trường, nhất là trong các khu dân cư.
Việc tổ chức điều hành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở các xã, thôn của Ban Chỉ đạo, Ban Điều hành các cấp đi vào nề nếp. Công tác tuyên truyền, phát động phong trào thi đua được đẩy mạnh với nhiều cách làm và hình thức đa dạng hơn, phát động phong trào thi đua xây dựng, tổ chức các hội thi tìm hiểu về xây dựng nông thôn mới, tạo khí thế sôi nổi trong mọi tầng lớp nhân dân; qua từng năm, nội dung thi đua ngày càng đổi mới, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị. Được sự quan tâm của Trung ương và tỉnh, các công trình xây dựng nông thôn mới cơ bản đều đưa vào kế hoạch và phân kỳ đầu tư theo lộ trình. Thông qua phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới 5 năm (2011 – 2015), toàn huyện đã huy động được trên 320.365 triệu đồng, hầu hết các công trình phục vụ mục tiêu xây dựng nông thôn mới đều đảm bảo nguồn vốn, tiến độ triển khai và đưa vào quản lý sử dụng tốt. Tính đến nay, toàn huyện đạt 217 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, bình quân đạt 13,56 tiêu chí/xã; trong đó, 3 xã đạt xã nông thôn mới với 19/19 tiêu chí: Hồng Thái, Hải Ninh, Phan Rí Thành. Các xã điểm được chỉ đạo, hỗ trợ vốn từ ngân sách tỉnh, Trung ương đã tập trung đầu tư hạ tầng, nhất là về giao thông; hiện nay các tuyến đường liên xã đã thực hiện 151,1km/163.6km, đạt 92,4%; đường liên thôn 75,81km/129,18km, đạt 58,7%; đường ngõ xóm 72,48km/161,53km đạt 44,9%; đường nội đồng 115,6km/184,14km, đạt 62,8%. Song song với đó, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, mục tiêu, vận động doanh nghiệp và sự tham gia đóng góp của người dân góp phần phục vụ nhu cầu sản xuất, đời sống của nhân dân; tạo bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc hơn. Bên cạnh đó, công tác bồi dưỡng tập huấn cho cán bộ cũng được quan tâm, công tác đào tạo nghề thực hiện có hiệu quả. Hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là công tác cán bộ, trách nhiệm, năng lực của công chức ngày càng được nâng cao, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển nông thôn mới.
Qua 5 năm triển khai, mặc dù đạt được những kết quả quan trọng nhưng việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/HU vẫn còn một số hạn chế nhất định. Vì vậy, trong thời gian đến, cần huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hướng vào mục tiêu phát triển ngành. Quan tâm thu hút đầu tư đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao. Chuyển dịch các cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao để kết hợp tốt giữa trồng trọt với chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và dịch vụ phục vụ sản xuất. Làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế chính sách của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới theo tinh thần người dân phải là chủ, làm chủ; huy động nội lực là chính, làm tốt công tác xây dựng đề án, đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới cấp xã một cách xác hợp để triển khai thực hiện. Coi trọng công tác xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt ở các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở, phân công cụ thể để đánh giá kết quả tham gia của từng thành phần, từng ngành. Gắn phong trào “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới” với phong trào thi đua gắn với tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh phong trào thi đua ở thôn, khu phố theo Chỉ thị 34-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào, các cuộc vận động khác để phát huy có hiệu quả./.