Việc ban hành Quy chế dân chủ ở cơ sở là một chủ trương hết sức đúng đắn trong thực hiện cơ chế “Đảng lãnh đạo – Nhà nước quản lý – Nhân dân làm chủ”, hợp lòng dân của Đảng và Nhà nước ta; đáp ứng kịp thời tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề bức xúc của người dân, được Nhân dân hưởng ứng rất nhiệt tình và tích cực thực hiện. Vì vậy, sau hơn 18 năm thực hiện, Qui chế dân chủ ở cơ sở thực sự đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực tới nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, nâng cao tính chủ động, sáng tạo của mỗi người dân, thiết thực củng cố, tăng cường xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, thúc đẩy nhanh tiến trình đổi mới, phát triển đất nước, nhất là trong giai đoạn đẩy mạnh thực hiện xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Nhìn lại những kết quả đạt được 18 năm qua trong triển khai thực hiện quy chế dân chủ trên địa bàn huyện Bắc Bình – tỉnh Bình Thuận, càng nhận thức sâu sắc ý nghĩa về vai trò, tầm quan trọng của Quy chế dân chủ cơ sở. Thực tiễn cho thấy, Quy chế dân chủ cơ sở đã mang lại những kết quả căn bản, toàn diện cả về nhận thức cũng như phương thức tiến hành, đáp ứng đòi hỏi của tình hình mới.
Thứ nhất, Quy chế dân chủ được các cấp, các ngành quán triệt và nhận thức ngày càng sâu sắc, đầy đủ, toàn diện hơn, tác động tích cực trong quá trình lãnh, chỉ đạo của cấp ủy Đảng và phối hợp thực hiện của chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp. Từ đó, hệ thống chính trị các cấp đã triển khai, thực hiện khá toàn diện: Những chủ trương, nhiệm vụ và giải pháp về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được triển khai thực hiện ngày càng sâu rộng ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, đến được với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân; các ngành, các cấp đã cụ thể hóa thành những quy định phù hợp với từng địa phương, cơ quan, đơn vị; phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát, dân thụ hưởng ngày càng thiết thực, hiệu quả, gắn liền với nhiệm vụ chính trị phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sông văn hóa ở cơ sở và nguyện vọng, nhu cầu chính đáng, đời sống của Nhân dân.
Thứ hai, Chế độ dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện được phát huy; các nhiệm kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đã phát huy tốt trách nhiệm của Nhân dân trong việc chọn lựa ứng cử viên đại diện cho tiếng nói của dân thực thi quyền lực của mình; Nhân dân được bàn và quyết định những công việc quan trọng; hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân hai cấp ngày càng được nâng cao, cải cách thủ tục hành chính đạt nhiều kết quả tích cực. Mặt trận, các tổ chức đoàn thể đã thực sự là cầu nối đưa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với Nhân dân, phản ảnh những kiến nghị chính đáng, những vấn đề bức xúc của xã hội đến với Đảng, Nhà nước; giám sát và phản biện xã hội trong thực thi chính sách, pháp luật của chính quyền và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng sâu rộng hơn.
Thứ ba, Việc triển khai Quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở đã tạo ra động lực thi đua sâu rộng trong từng tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương và trong cộng đồng dân cư. Huy động sức mạnh tổng hợp trong thực hiện các phong trào, các cuộc vận động lớn, đặc biệt là phong trào chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiêu biểu trong thực hiện quy chế dân chủ; huy động các nguồn lực trong dân đầu tư kết cấu hạ tầng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.
Thứ tư, Quy chế dân chủ đã là cơ sở thực tiễn cho việc tổng kết, đồng thời bổ sung lý luận của Đảng trong thực hiện cơ chế “Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - Nhân dân làm chủ”; xác lập và từng bước hoàn thiện mối quan hệ về vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền địa phương và quyền làm chủ của nhân dân. Góp phần đạt được mục tiêu phát huy dân chủ xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện còn bộc lộ những hạn chế, khuyết điểm: Việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chỉ thị, pháp lệnh, nghị định của Bộ Chính trị, Ủy Ban thường vụ Quốc Hội và Chính phủ chưa được quan tâm đúng mức, nên chất lượng xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ vẫn còn có nơi chưa sâu, chưa cụ thể và chưa có nhiều mô hình, điển hình tiêu biểu về cách thức triển khai thực hiện; công tác kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở và chỉ đạo tổng kết đánh giá, nghiên cứu xây dựng điển hình chưa được chú trọng, thường xuyên; trách nhiệm của chính quyền, thủ trưởng ở một số cơ quan, đơn vị trong thực hiện quy chế dân chủ có việc thực hiện chưa đầy đủ, chưa tạo tính đồng bộ cao; dân chủ chưa thực sự đi đôi với giữ gìn trật tự, kỷ cương, quyền làm chủ của nhân dân còn bị vi phạm, còn tình trạng dân chủ quá trớn, bất chấp pháp luật; thực hiện Quy chế dân chủ chưa đồng đều ở các loại hình cơ sở; việc thực hiện cơ chế “Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - Nhân dân làm chủ” còn lúng túng nhất định, nhất là cơ chế Nhân dân làm chủ.
Để xây dựng và thực hiện tốt hơn Quy chế dân chủ cơ sở, xin đề xuất thực hiện toàn diện, đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp sau
1- Tăng cường quán triệt các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội và nghị định của Chính phủ; các văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện của tỉnh, huyện và cơ sở; tạo sự nhận thức sâu sắc và toàn diện, đồng bộ trong triển khai thực hiện của các cấp, các ngành về thực hiện Quy chế dân chủ. Quá trình thực hiện phải gắn chặt với thực hiện công tác xây dựng Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; nhưng đồng thời phải dựa vào dân để xây dựng Đảng, mà trước hết là thực hiện tốt nghị quyết Trung ương 7 (Khóa XI) “về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, để mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa Đảng và Nhân dân ngày càng bền chặt hơn, trở thành động lực thúc đẩy xã hội phát triển, gắn kết giữa “ý Đảng - lòng dân”.
2- Đẩy mạnh triển khai sâu rộng Quy chế dân chủ ở các lại hình cơ sở, phát huy trách nhiệm của chính quyền, thủ trưởng của các địa phương, cơ quan, đơn vị trong xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ, bảo đảm cụ thể, đầy đủ, đồng bộ và chặt chẽ. Phát huy trách nhiệm của các cơ quan dân cử trong thực thi các hình thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp; thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân, theo phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng trong mọi lĩnh vực: phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, củng cố quốc phòng, an ninh; giải quyết hài hòa, phù hợp với thực tế về nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của Nhân dân, xử lý và kịp thời tháo gỡ những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong Nhân dân.
3- Tập trung tuyên truyền để nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật, về quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, về dân chủ gắn với kỷ cương và trách nhiệm; bởi dân chủ là phương pháp cơ bản, là một trong những điều kiện cần để là động lực thi đua và là mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân mà Đảng ta hướng đến; đồng thời dân chủ phải gắn liền với trách nhiệm và kỷ cương, phải siết chặt tính kỷ luật, kỷ cương trong thực thi pháp luật, làm cơ sở cho ổn định trật tự của xã hội dân chủ.
4- Phát huy tốt vai trò của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc tăng cường đổi mới và mở rộng các hình thức tập hợp nhân dân, chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc và động viên Nhân dân tích cực thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn; nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định 217 và 218 của Bộ Chính trị (khóa XI); tạo cơ chế ngày càng cụ thể hơn để thực thi quyền làm chủ của dân.
5- Không ngừng chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ và tổng kết đánh giá nhằm rút kinh nghiệm, làm cơ sở bổ sung hoàn thiện cơ chế “Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - Nhân dân làm chủ” . /.