Bắc Bình: Qua 05 năm thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 5/12/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 05 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ

Kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, nhân dân càng quan tâm đến việc học tập của con em; đặc biệt là công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Huyện ủy và sự điều hành của Ủy ban nhân dân huyện Bắc Bình, qua 05 năm thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 5/12/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 05 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn” công tác giáo dục của huyện có nhiều đổi mới, chất lượng giáo dục đã từng bước ổn định; công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục cũng được quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. 

        Về công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 05 tuổi, các trường mẫu giáo, mầm non tích cực vận động phụ huynh đưa trẻ đến trường đảm bảo kế hoạch đề ra. Đến nay, toàn huyện có 191 nhóm, lớp với tổng số trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp là 2.382/2.432 trẻ, đạt tỷ lệ 97,9%. Nhằm tạo điều kiện học tập, nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ, Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện và Ủy ban nhân dân xã, thị trấn quy hoạch đất xây dựng trường lớp; quan tâm bố trí kinh phí xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất, tích cực tham mưu tỉnh đầu tư xây dựng đủ số lượng phòng học cho lớp mẫu giáo 05 tuổi với 191 phòng học theo hướng kiên cố, bán kiên cố đạt chuẩn quy định tại Điều lệ trường mầm non; chú trọng dinh dưỡng trong các bữa ăn tại trường, chỉ đạo 100% các trường mầm non, mẫu giáo trong, ngoài công lập và các nhóm lớp độc lập tư thục thực hiện chương trình giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; có 03 trường (Phan Tiến, Hướng Dương, Phan Sơn) được trang bị bộ thiết bị tin học cho trẻ tiếp cận, làm quen với tin học và ngoại ngữ. Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các đối tượng như học sinh dân tộc thiểu số, học sinh mồ côi cha mẹ, hộ nghèo,.... luôn được quan tâm. Theo sự chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, 100% lớp mẫu giáo có trẻ dân tộc thiểu số đều được tăng cường tiếng Việt, lồng ghép vào các hoạt động giáo dục hàng ngày cho tất cả các lớp, đặc biệt lớp 05 tuổi, tạo nền tảng để trẻ vào lớp 1. Bên cạnh đó, các chế độ cho công tác phổ cập và người làm công tác phổ cập cũng được thực hiện đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh đưa trẻ đến trường.

        Trong phổ cập giáo tiểu học và trung học cơ sở, 5 năm qua, việc phổ cập giáo dục tiểu học được duy trì bền vững, 100% các xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 1 và được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 năm 2015 (17/18 xã, thị trấn đạt mức độ 3, riêng xã Phan Thanh đạt mức độ 1). Tỷ lệ trẻ 06 tuổi vào lớp 1 là 2.386/2.386, đạt tỷ lệ 100%. Tỷ lệ trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học là 1.959/2.129, đạt tỷ lệ 92%, số còn lại đang học tiểu học. Tỷ lệ trẻ (từ 11-14 tuổi) tốt nghiệp tiểu học là 7.787/8.006, đạt tỉ lệ 97.26%. Duy trì 100% các xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp tiểu học vào học lớp 6 (2 hệ) là 2.100/2.152, đạt tỉ lệ 97.58%; tỷ lệ thanh thiếu niên (từ 15-18 tuổi) tốt nghiệp trung học cơ sở (2 hệ) là 6.332/7.418, đạt tỉ lệ 85.36%. Trong công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, theo đó, có 75% các em học sinh được tuyển vào lớp 10 ở 2 trường trung học phổ thông và 25% học sinh vào học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp huyện (5 năm tuyển sinh được 436 học sinh). Việc dạy nghề được thực hiện chủ yếu là các lớp dạy tin học, trong 5 năm đã dạy được cho 6.456 học sinh trung học phổ thông và 7.065 học sinh trung học cơ sở.

        Bên cạnh công tác phổ cập giáo dục, các địa phương còn đẩy mạnh công tác xóa mù chữ cho những người trong độ tuổi lao động, giảm tỉ lệ người tái mù chữ ở người lớn, lấy thôn làm đơn vị chủ yếu để chỉ đạo điều tra, mở lớp, duy trì nền nếp, đặc biệt phát huy vai trò, trách nhiệm của Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, tổ dân phố. Thực hiện giảng dạy xóa mù chữ sát thực tế, đáp ứng nhu cầu, phù hợp với công việc, tập quán, đặc trưng của đồng bào vùng cao, người dân tộc thiểu số sinh sống rải rác, kinh tế còn nhiều khó khăn. Đẩy mạnh phối hợp với các lực lượng xã hội như Bộ đội biên phòng, Hội liên hiệp Phụ nữ, Hội Khuyến học, Đoàn thanh niên để mở lớp, giảng dạy, khen thưởng, tặng quà, hỗ trợ học viên nghèo vượt khó, phối hợp đánh giá cộng đồng học tập cấp xã.

        Song song với đó, công tác xã hội hóa cũng được triển khai thực hiện có hiệu quả, huy động được sự tham gia của toàn xã hội, sự phối hợp liên ngành, phát huy kết quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị vào chăm sóc, giáo dục trẻ và hỗ trợ cải tạo điều kiện cơ sở vật chất tại các phòng học, cụ thể, Phòng giáo dục và Đào tạo huyện phối hợp Hội khuyến học huyện vận động gây quỹ khuyến học bằng tiền và hiện vật của các cá nhân, doanh nghiệp, xã, thị trấn và khối cơ quan như: Vận động tài trợ tiền mặt vào tài khoản là 2.365.631.463 đồng; vận động tài trợ tiền mặt có địa chỉ (không qua tài khoản) là 4.811.782.610 đồng; vận động hiện vật quy tiền (không qua tài khoản) là 3.070.733.200 đồng. Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hội Khuyến học, huyện Hội Chữ Thập đỏ, Hội Người Khuyết tật huyện, trường Tiểu học Sông Bình, tiếp nhận 139 suất học bổng và quà của các chương trình: Hiểu về trái tim thành phố Hồ Chí Minh, Vòng tay nhân ái, Ước mơ Việt Nam cùng các doanh nghiệp: công ty trách nhiệm hữu hạn một thanh viên Khai thác các công trình thủy lợi chi nhánh Bắc Bình, doanh nghiệp Tường Lan thị trấn Chợ Lầu trao học bổng cho học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn với số tiền là 210.000.000 đồng. Tiếp nhận và trao 3.500 phần quà tổng trị giá 289.000.000 đồng do tổ chức Giáo Hội Phật giáo Việt Nam huyện Bắc Bình vận động tài trợ. Hằng năm, trong các hội nghị tổng kết năm học, Ủy ban nhân dân huyện lồng ghép công tác tuyên truyền, tuyên dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Thông qua quỹ “Tiếp bước cho em đến trường” (2011-2015) huyện đã trao 489 suất (từ 2.000.000 đồng trở lên) với tổng số tiền 1.042.340.000 đồng.

        Với những kết quả đạt được, trong thời gian đến, cần tiếp tục thực hiện tốt các kế hoạch của Tỉnh ủy và Huyện ủy đề ra. Tăng cường sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, phối hợp tốt giữa các lực lượng, tổ chức xã hội nhằm huy động số lượng, giảm thiểu tối đa tỉ lệ học sinh bỏ học và lưu ban; nâng cao công tác duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 05 tuổi, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở, đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở./.


Các tin khác