Bắc Bình: Kết quả qua 05 năm thực hiện phát triển toàn diện dân sinh kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá giai đoạn 2011 - 2015

Bắc Bình là huyện miền núi nằm phía đông bắc của tỉnh Bình Thuận; diện tích tự nhiên 186.882,08 ha. Toàn huyện có 16 xã và 02 thị trấn; trong đó: có 07 xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số, gồm: Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Tiến, Phan Điền, Phan Thanh, Phan Hiệp và Phan Hoà; 02 xã đông đồng bào dân tộc Nùng, Tày, Hoa là Hải Ninh và Sông Luỹ; có 05 thôn đông đồng bào dân tộc thiểu số (thôn Sông Bằng và Đá Trắng thuộc xã Sông Bình; thôn An Hoà và An Lạc thuộc xã Bình An; thôn Lương Bắc thuộc thị trấn Lương Sơn). Phần đông bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, một số ít làm kinh doanh, dịch vụ và buôn bán nhỏ.

        Qua 5 năm, tình hình sản xuất nông nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng ổn định có bước phát triển; tập quán sản xuất lạc hậu theo phương thức quản canh, tự cung, tự cấp, tự túc được loại bỏ và triển khai áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật thâm canh tăng vụ; chỉ đạo bố trí lịch thời vụ khoa học, hợp lý, hạn chế tối đa các loại dịch bệnh trên cây trồng. Tổng diện tích gieo trồng năm 2015 là: 26.725,3 ha, đạt 129,6%; đồng thời, diện tích và sản lượng các loại cây trồng như cây lúa, bắp lai, cây thanh long, cây mỳ, đậu các loại, dưa, rau các loại… hàng năm đều tăng; giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số với diện tích là 1.305ha/1.203 hộ, luỹ kế đến nay là 1.494 ha/1.479 hộ và diện tích đưa vào sử dụng đạt 93%; kết quả cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất nông nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2011 đến tháng 8/2016 là 5.743,07 ha. Công tác, quản lý, bảo vệ rừng thực hiện theo Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh uỷ và thực hiện theo Quyết định của UBND tỉnh đã thực hiện giao khoán được 27.275 ha rừng/686 hộ quản lý/05 xã, từ đó góp phần giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập bình quân 7,8 triệu đồng/hộ/năm, cải thiện đời sống, giảm bớt khó khăn của đồng bào. Tiểu thủ công nghiệp và một số ngành nghề truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục duy trì sản xuất, có bước phát triển, một số ngành nghề thủ công được phát huy tích cực, góp phần mang lại giá trị kinh tế cao.

        Giáo dục có bước phát triển mạnh và đều ở các cấp học; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, từng bước đáp ứng yêu cầu dạy và học; công tác chăm sóc sức khoẻ được chú trọng, chương trình quốc gia về y tế được triển khai sâu rộng, tính đến nay có 100% xã có trạm y tế, có 04/09 xã có bác sĩ, 09/09 xã có nữ hộ sinh, 09/09 xã có y sỹ đa khoa; có 06 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, (gồm: Phan Sơn, Phan Tiến, Phan Điền, Phan Thanh, Phan Hoà và Hải Ninh); có 31 bác sỹ là người dân tộc thiểu số; công tác vệ sinh phòng dịch được duy trì, bệnh sốt rét được kiểm soát có hiệu quả. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở” vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được đẩy mạnh, đến nay có 9.638 hộ/11.224 hộ đăng ký, đạt 85,87%; năm 2015 có 21/35 thôn được công nhận thôn văn hóa đạt 84%; có 34/35 thôn đã có nhà văn hoá hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng; công tác môi trường luôn được quan tâm triển khai thực hiện, tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt 92,8%; tỷ lệ hộ sử dụng hố xí hợp vệ sinh đạt 75%; tỷ lệ xã có nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch 2/9 xã; chính sách hỗ trợ hộ nghèo được quan tâm đúng mức, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đời sống nhân dân đi dần vào ổn định và từng bước vươn lên. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư đúng mức, nhiều công trình điện, đường, trường, trạm y tế, nhà văn hóa, hệ thống nước sinh hoạt tập trung được đầu tư mới và nâng câp, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển vùng đồng bào, từ năm 2011 đến tháng 6/2016 là 230.684 triệu đồng trên 477 công trình, trong đó dân đóng góp làm công trình đường giao thông nông thôn 8.803 triệu đồng. Hệ thống chính trị cơ sở, ngày càng được củng cố, đội ngũ cán bộ được đào tạo, bố trí theo hướng chuẩn hóa, trình độ các mặt của cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số ngày được nâng cao, đáp ứng tốt hơn cho yêu cầu nhiệm vụ mới. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, vùng đồng bào được giữ vững, nhận thức về chính trị của cán bộ và nhân dân ngày càng cao, lòng tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng, nhà nước tiếp tục được nâng lên.

        Tuy nhiên, Kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số chậm phát triển; việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa nhiều, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, trình độ sản xuất nhiều mặt còn lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp; Việc đầu tư phát triển các làng nghề chưa được quan tâm đúng mức, các ngành nghề truyền thống hoạt động nhỏ lẻ, sản phẩm chưa có đầu ra ổn định dẫn đến thu nhập người làm nghề bấp bênh; Công tác chăm sóc sức khỏe và giữ gìn vệ sinh môi trường ở một số vùng đồng bào chưa được quan tâm đúng mức, chậm khắc phục, chuyển đổi tập quán giữa chăn nuôi và sinh hoạt cộng đồng; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng và phụ nữ sinh con thứ 3 trở lên còn cao; Đầu tư kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số tuy có quan tâm nhưng bố trí nguồn vốn không đồng bộ dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện; Hệ thống chính trị ở cơ sở chất lượng hoạt động ở một số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế; trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ chưa đồng đều.

        Để tiếp tục thực hiện phát triển toàn diện dân sinh kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá giai đoạn 2011 -2015 trong thời gian đến, Huyện ủy xác định một số nhiệm vụ trọng tâm: Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện lợi thế từng địa bàn, từng vùng; Rà soát, tập trung phát triển các nghề truyền thống có lợi thế; phát triển doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm vừa và nhỏ; Tăng cường đầu tư phát triển giáo dục, y tế; tiếp tục thực hiện tốt các chính sách về giáo dục, hạn chế tình trạng bỏ học dỡ chừng; quan tâm công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và trung học cơ sở; thực hiện tốt việc phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em, vệ sinh phòng dịch, đặc biệt là vệ sinh môi trường nông thôn; Tiếp tục đẩy mạnh và đưa cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" đạt hiệu quả cao nhất; xây dựng nếp sống văn minh, xoá dần các tập tục lạc hậu, đi đôi với việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá của từng dân tộc; Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư; Củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở gắn với đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; chú trọng việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nguồn lực tại chổ và bố trí chức danh chủ chốt cho cán bộ địa phương./. 


Các tin khác