Sau khi có Chỉ thị 54-CT/TW, ngày 30/11/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị 05-CT/TU, ngày 03/3/2006 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bình Thuận về “tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới”, Ban Thường vụ Huyện ủy Bắc Bình đã tổ chức triển khai quán triệt cho các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận - đoàn thể nội dung của các văn bản trên và đề ra nhiệm vụ, giải pháp tổ chức thực hiện; chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS của huyện và các xã - thị trấn. Ban Chỉ đạo đạo phòng, chống HIV/AIDS huyện hoạt động phối hợp chặt chẽ đồng bộ với các ngành, Mặt trận - đoàn thể, nhất là công an huyện để nắm danh sách và can thiệp vào đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao.
Dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Ban Thường vụ Huyện ủy và UBND huyện, Trung tâm Y tế huyện thường xuyên tổ chức các hoạt động cấp bao cao su cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao; đẩy mạnh việc triển khai điều trị và cung cấp thuốc ARV cho người nhiễm HIV/AIDS nếu bệnh nhân có nhu cầu; phối hợp khám và xét nghiệm sàng lọc HIV cho 100% bệnh nhân mắc lao. Hàng tháng, các cơ sở y tế, trạm y tế xã - thị trấn triển khai các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV ngay từ lần khám thai đầu cho các thai phụ; tăng cường hình thức xét nghiệm lưu động tại nơi có tình hình dịch cao và trong tháng triển khai chiến dịch hàng năm; đảm bảo đủ test để xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai, đặc biệt là đối tượng có nguy cơ cao. Tăng cường cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ sở khi phát hiện phụ nữ mang thai nhiễm HIV/AIDS, đảm bảo phụ nữ mang thai nhiễm HIV được chăm sóc thai nghén kết hợp điều trị thuốc ARV và dự phòng nhiễm HIV sang con. Công tác an toàn truyền máu được duy trì tốt, đảm bảo 100% đơn vị máu được sàng lọc tại phòng xét nghiệm. Thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở về công tác vô trùng ở từng khoa, phòng trực thuộc Trung tâm Y tế huyện, Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Bình Thuận; Trạm y tế xã - thị trấn và các cơ sở y tế tư nhân,…
Để nâng cao nhận thức tạo sự chuyển biến trong nhân dân, nhất là đối tượng thanh thiếu niên về HIV/AIDS, các hoạt động tuyên truyền được chú trọng triển khai liên tục, đổi mới với các hình thức đa dạng. Đối với các trường học, nhất là hai trường Trung học phổ thông Bắc Bình và trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai được sự phối hợp chỉ đạo của Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng chống HIV/AIDS huyện đã tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: hái hoa dân chủ, đố vui, tiểu phẩm, xem phim tài liệu, nói chuyện chuyên đề,... Đối với các xã - thị trấn, hằng năm đều có sự hỗ trợ từ phía cán bộ chuyên trách huyện cùng với các ban ngành, Mặt trận - đoàn thể của địa phương và kinh phí từ tỉnh để phục vụ cho công tác tuyên truyền kiến thức về HIV cho các đối tượng thanh thiếu niên và phụ nữ tại địa phương. Tổ chức lễ miting cổ động, tổ chức hội thảo, hội thi, tuyên truyền bằng xe loa lưu động, băng rôn, khẩu hiệu, cấp phát tờ rơi,… tại một số xã - thị trấn trọng điểm như: Phan Rí Thành, Hải Ninh, Bình Tân, Hoà Thắng,... Phối hợp với các ban, ngành, Mặt trận - đoàn thể tổ chức tuyên truyền nhóm hoặc lồng ghép với các câu lạc bộ dinh dưỡng, hội phụ nữ,... từng bước nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân, qua đó biết giữ gìn lối sống lành mạnh, biết cách tự bảo vệ bản thân trước đại dịch HIV. Ngoài công tác tuyên truyền, việc củng cố bộ máy, đào tạo cán bộ, chế độ chính sách cho đội ngũ làm công tác HIV/AIDS cũng được quan tâm và thực hiện định kỳ. Mạng lưới cán bộ chuyên trách và cộng tác viên phòng, chống AIDS xã, thị trấn được tổ chức tập huấn nâng cao kĩ năng tư vấn và kỹ thuật chuyên môn về HIV/AIDS. Thường xuyên giám sát, rà soát và tiếp cận các đối tượng nhiễm HIV; tư vấn giúp đỡ khi bệnh nhân cần, giúp bệnh nhân tiếp cận được với điều trị ARV và hoà nhập với cộng đồng. Ngoài ra cán bộ viên chức ngành y tế trong huyện được giáo dục thường xuyên về phòng, chống lây nhiễm HIV, phát hiện và thông báo kịp thời tình hình phơi nhiễm trong cán bộ, ngành y tế.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 54-CT/TW, ngày 30/11/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) và Chỉ thị 05-CT/TU, ngày 03/3/2006 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bình Thuận trên địa bàn huyện còn nhiều mặt hạn chế. Sự phối hợp giữa các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể có liên quan chưa chặt chẽ, chỉ tập trung thực hiện vào những đợt cao điểm; công tác tuyên truyền, giáo dục sức khoẻ trong cộng đồng còn chưa đồng bộ. Sự thay đổi chuyên trách ở tuyến huyện, xã và cộng tác viên thường xuyên; thái độ kì thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV còn nặng nề ngay cả các cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn gia tăng; các tụ điểm tiêm chích ma tuý, mại dâm hình thành, diễn biến phức tạp và khó quản lý cũng làm ảnh hưởng đến công tác triển khai thực hiện chương trình phòng, chống HIV/AIDS.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, các cấp uỷ, chính quyền, địa phương, các tổ chức Mặt trận - đoàn thể cần tập trung tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên, nhân dân, đặc biệt là thanh thiếu niên về sự lây nhiễm HIV/AIDS. Tuyên truyền vận động nhân dân tích cực xây dựng thôn, khu phố văn hoá, cơ quan văn minh, gia đình văn hoá. Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Ngành y tế phải đảm bảo an toàn vô trùng trong các dịch vụ y tế, đặc biệt là các dịch vụ có liên quan đến máu; từng bước nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, trang thiết bị cho Trung tâm Y tế huyện để thực hiện tốt việc khám, phát hiện kịp thời và phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS ra cộng đồng. Trung tâm Y tế phối hợp cùng các ngành chức năng của các xã, thị trấn quản lý chặt chẽ các đối tượng nhiễm HIV/AIDS, tiếp cận tư vấn giúp đỡ họ hoà nhập được với cộng đồng; phát hiện kịp thời và lập hồ sơ xử lí nghiêm minh theo pháp luật đối với những đối tượng có hành vi như: môi giới tổ chức mại dâm, buôn bán sử dụng ma tuý, chất gây nghiện, tiêm chích ma tuý,…