Trong những năm trước đây, số học sinh bỏ học giữ chừng trên địa bàn huyện tăng cao và tăng qua từng năm học, năm học 2013-2014 số học sinh bỏ học giữa chừng là 238 em, chiếm tỷ lệ 3.04%; năm học 2014-2015 số học sinh bỏ học giữa chừng là 279 em, chiếm tỷ lệ 3.6%. Trước tình hình trên, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị số 02-CT/HU ngày 20 tháng 10 năm 2015 về việc tăng cường sự lãnh đạo khắc phục tình trạng học sinh bỏ học.
Sau khi Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Chỉ thị, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn và các trường học trên địa bàn huyện tập trung quyết liệt bằng nhiều biện pháp để khắc phục tình trạng này. Ủy ban nhân dân huyện đã tổ chức hội thảo về chống học sinh bỏ học giữa chừng với sự tham gia của nhiều ban, ngành có liên quan, Ban giám hiệu các trường học để tìm ra những biện pháp hữu hiệu để chóng học sinh bỏ học giữa chừng. Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ động xây dựng kế hoạch chỉ đạo các đơn vị thống kê, phân loại đối tượng, hoàn cảnh học sinh có nguy cơ bỏ học cao; ngay từ đầu năm học, các trường tổ chức khảo sát, tiến hành phân loại học lực của học sinh, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của học sinh. Lựa chọn những giáo viên có năng lực chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm tốt, tiến hành phụ đạo, bồi dưỡng kiến thức cho những học sinh yếu kém. Thực hiện nghiêm việc đánh giá, xếp loại học sinh theo đúng quy chế, không để học sinh "ngồi nhầm lớp" nhằm giảm bớt khó khăn trong quá trình học tập của các em; phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường quản lý chặt chẽ các dịch vụ internet, nhất là game online. Đảng ủy và chính quyền các địa phương đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn tăng cường phối hợp giữa nhà trường và các ban chuyên môn của xã và các tổ chức đoàn thể, ban thôn thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân trong việc vận động, tạo điều kiện thuận lợi cho các em đến trường đầy đủ. Các trường học phối hợp với Hội Khuyến học các xã huy động nguồn lực từ các tổ chức xã hội, cá nhân trong và ngoài nhà trường, các đơn vị kết nghĩa để giúp các em có điều kiện tiếp tục học tập, đặc biệt quan tâm hỗ trợ cho học sinh thuộc diện gia đình nghèo, gia đình khó khăn và gia đình thuộc diện chính sách. Đặc biệt, 02 hai trường trung học phổ thông Bắc Bình và Nguyễn Thị Minh Khai, Ban giám hiệu đã đề ra các giải pháp cụ thể tích cực chống tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng như: phụ đạo học sinh yếu kém miễn phí; thăm 5 gia đình học sinh trong mỗi đợt thi đua (mỗi năm 4 đợt); giáo viên phối hợp cùng Đoàn trường tổ chức mô hình học tập: đôi bạn cùng tiến, nhóm bạn cùng học. Đẩy mạnh phong trào mỗi cán bộ, giáo viên giúp đỡ từ 1 đến 2 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Nhờ những biện pháp tích cực trên, đến nay tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng có chiều hướng giảm theo các năm học, cụ thể: Đối với tiểu học và trung học cơ sở năm học 2015-2016: 7274/7446 tỉ lệ 2.4%; năm học 2016-2017: 7404/7633 tỉ lệ 2.5%. Đối với trung học phổ thông: Năm học Năm học 2015-2016 tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng là 0.88% và năm học 2016-2017 là 0.68%.
Mặc dù tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng có giảm theo từng năm học, tuy nhiên kết quả vẫn chưa mang tính bền vững, nguy cơ bỏ học của các em vẫn còn cao vì các học sinh ở các trường thuộc các xã dân tộc thiểu số, vùng cao kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn nên phụ huynh thường cho các em nghĩ học phụ giúp gia đình; một bộ phận lớn học sinh có học lực yếu kém không có khả năng theo kịp chương trình, chây lười trong học tập, thiếu ý thức rèn luyện nên chán nản bỏ học.
Để hạn chế việc học sinh bỏ học giữa chừng trong thời gian đến, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các trường học tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện để giảm tỷ lệ học sinh yếu kém. Tăng cường công tác phối hợp có hiệu quả giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc triển khai thực hiện các giải pháp hạn chế học sinh bỏ học. Duy trì kết quả không có học sinh bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn; tuyệt đối không để bất cứ một học sinh nào bỏ học vì khó khăn về kinh tế.
Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Cụ thể, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa: Ban Giám hiệu - giáo viên chủ nhiệm lớp – phụ huynh học sinh - chính quyền, đoàn thể địa phương để tất cả những học sinh có biểu hiện sa sút về học tập hoặc vi phạm nội quy, có nguy cơ bỏ học phải được quản lý và có biện pháp ngăn ngừa, giáo dục ngay từ đầu.
Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của ngành, của địa phương một cách linh động, sáng tạo: “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn”./.