Bắc Bình: LÀM TỐT CÔNG TÁC TRỢ CẤP ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VÀ CÁC CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI

Qua 05 năm triển khai thực hiện Chương trình hành động số 13-NQ/HU của Huyện ủy (khoá X) về thực hiện các kết luận, Nghị quyết của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020” và “Một số vấn đề tiền lương, Bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020” trên địa bàn huyện đã đạt được một số kết quả nhất định. Chính sách ưu đãi người có công được quan tâm thực hiện tốt. Công tác vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa hàng năm được các cơ quan, đơn vị, địa phương phát động sâu rộng và được hưởng ứng tích cực của toàn dân và cán bộ công chức. Các cấp ngày càng có nhiều quan tâm hơn trong việc thực hiện chính sách thương binh - liệt sĩ và các chính sách ưu đãi người có công, số lượng và giá trị suất quà thăm, hỏi động viên các gia đình chính sách tăng hơn các năm trước. Công tác giảm nghèo, chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động được quan tâm góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế huyện nhà. Tập trung nhiều nguồn đầu tư hỗ trợ để xây dựng các hạng mục công trình thiết yếu ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi.

        Toàn huyện hiện có 3.729 người hưởng chính sách xã hội, gồm: 606 người hưởng chế độ hưu trí; 183 người hưởng mất sức, tử tuất; 2.940 người hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; hỗ trợ cải thiện nhà ở cho 178 người có công với cách mạng, đảm bảo hầu hết hộ gia đình chính sách có công có mức sống trung bình hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn. Trên 95% đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội được hưởng chính sách trợ giúp, trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định tại Nghị định 136/2014/NĐ-CP. Đời sống vật chất và tinh thần của hầu hết gia đình chính sách, người nghèo, đồng bào dân tộc, người có hoàn cảnh khó khăn được cải thiện rõ rệt, bình quân hằng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo là 1,17%/năm, đầu năm 2017 hộ nghèo của huyện là 1.202 hộ, chiếm tỷ lệ 3,94% so với tổng số hộ toàn huyện phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 2 % vào năm 2020 (theo chuẩn hộ nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020).

        Hiện nay huyện đã hoàn thành các chỉ tiêu tiêm chủng mở rộng cho trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm xuống còn 8%, 13/18 trạm đạt chuẩn về y tế. Số người tham gia BHYT đạt tỷ lệ 72,94 % so với dân số toàn huyện. Về giáo dục, đến nay toàn huyện đã có 16/74 trường đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ học sinh vào lớp 1 đạt 100% (2455/2455 em). Tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch vệ sinh môi trường đạt 99,2%. Năm 2020, phấn đấu nâng tỷ lệ lên là 99,7%. Hiện nay18/18 xã, thị trấn đều có mạng internet để kết nối liên thông từ tỉnh đến huyện, xã, 100% xã, thị trấn được phủ sóng phát thanh, truyền hình và 100% xã, thị trấn có Đài truyền thanh sử dụng sóng FM (vô tuyến).

        Đã cấp 1.527 thẻ BHYT cho người có công, thân nhân người có công; nhóm đối tượng hưởng trợ cấp theo Quyết định 290, Quyết định 62, Quyết định 40 là  827 thẻ. Từ năm 2012 đến tháng 8/2017 đã cấp phát 27.067 thẻ BHYT cho đối tượng thuộc hộ  nghèo; 2.481 thẻ BHYT cho đối tượng thuộc hộ cận nghèo (được NSNN hỗ trợ 100%); 2.211 thẻ BHYT cho đối tượng thuộc hộ cận nghèo (được NSNN hỗ trợ 70%); 7.395 thẻ BHYT cho cho đối tượng đang sống vùng kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; 15.791 thẻ BHYT cho đối tượng dân tộc thiểu số vùng kinh tế xã hội khó khăn.

        Việc chi trả trợ cấp ưu đãi người có công được quản lý chặt chẽ, có sự giám sát của Ban thanh tra nhân dân xã, thị trấn nhằm chấn chỉnh kịp thời khi có sai sót xảy ra. Trong 5 năm qua, tổng kinh phí chi trả trợ cấp người có công của nguồn kinh phí Trung ương ủy quyền là: 132.435.331.500 đồng; chi từ nguồn địa phương là 18.000.418.250 đồng . Công tác quy tập mộ liệt sĩ được quan tâm duy trì thường xuyên đã phát hiện và cất bốc 17 mộ liệt sĩ đưa vào Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Giới thiệu cho 20 thân nhân gia đình liệt sĩ đi thăm viếng mộ liệt sỹ ở nơi khác. Việc tôn tạo, nâng cấp đài, bia ghi danh liệt sĩ, công tác bảo vệ, chăm sóc, trồng cây cảnh tại khu vực bia ghi danh được các xã, thị trấn quan tâm tạo được cảnh quan sạch, đẹp, khang trang. Hằng năm, huyện đã tổ chức đưa đón 840 lượt thân nhân gia đình liệt sĩ đi viếng nghĩa trang liệt sĩ tỉnh nhân dịp tết Nguyên đán.

        Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên địa bàn huyện đã được phát động sâu rộng với sự hưởng ứng tích cực của toàn dân, tiến độ vận động Quỹ ĐƠĐN hàng năm đều hoàn thành chỉ tiêu sớm so với kế hoạch. Trong 05 năm qua, toàn huyện vận động được: 3.495.070.443 đồng/2,9 tỷ đồng, đạt 120,52% so với kế hoạch giao; từ nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ theo Đề án 22 của Chính phủ, nguồn hỗ trợ từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa các cấp và các nhà tài trợ khác đã giúp đỡ đến các đối tượng được thụ hưởng. Đến nay, đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 749 căn nhà với kinh phí là 14.736 triệu đồng. Nhân các ngày 27/7, Lễ, Tết Nguyên đán, Tết Đầu lúa, và các ngày kỷ niệm hàng năm các đồng chí lãnh đạo huyện và các ban, ngành đoàn thể đã tổ chức thăm, chúc tết trao tặng 1200 suất quà cho các gia đình người có công nhằm thăm hỏi, động viên và nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người có công; đến nay, phần lớn đời sống hộ chính sách người có công đều ở mức trung bình khá so với cộng đồng dân cư nơi cư trú.

        Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, phù hợp với mọi lứa tuổi, đặc biệt là người có công, người nghèo, người dân tộc thiểu số… được quan tâm.  Từ năm 2012 đến 30/6/2017, đã đào tạo 3.824 lao động thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, được cấp chứng chỉ nghề và có trên 3.060 lao động được giới thiệu việc làm, tự tìm được việc làm có thu nhập, góp phần ổn định đời sống. Tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề được nâng lên đáng kể từ 25% năm 2012 đến cuối năm 2015 là 36,6%, phấn đấu đến cuối năm 2020 đạt trên 60%.

        Thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi hộ nghèo: Từ năm 2012 đến tháng 7/2017, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giải ngân 38.048 triệu đồng cho 2.719 lượt hộ nghèo vay, nâng tổng số dư nợ là 156.666,64 triệu đồng, từng bước phấn đấu đầu tư cho sản xuất, chăn nuôi đúng mục đích, đạt hiệu quả, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo; Ngoài ra, các tổ chức Hội, đoàn thể quần chúng như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân… cũng tranh thủ các nguồn vốn của đoàn thể cấp trên cùng với sự huy động vốn trong đoàn viên, hội viên để giảm nghèo, giúp đoàn viên, hội viên vay để tăng gia sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống và sớm vươn lên thoát nghèo bền vững.

        Qua 05 năm triển khai Chương trình 135/CP ở các xã đặc biệt khó khăn Phan Tiến, Phan Lâm, Phan Sơn, Sông Bình, Bình An, Phan Điền với tổng kinh phí 6.250 triệu đồng nhằm thực hiện các chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ nhiều mô hình cho 569 hộ tham gia, mang lại hiệu quả thiết thực cho các hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số. Chương trình phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu cho vùng định canh, định cư  với vốn đầu tư 55.885 triệu đồng, xây dựng cơ sở hạ tầng 4 khu tái định cư của dự án tưới Phan Rí - Phan Thiết với tổng vốn đầu tư 105.500 triệu đồng. Hỗ trợ vốn phát triển sản xuất (Chương trình 135) cho xã đặc biệt khó khăn với tổng vốn 1.100 triệu đồng.

        Công tác bảo trợ xã hội đã đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội. Toàn huyện có 3.394 đối tượng trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng với tổng kinh phí chi trả trợ cấp thường xuyên là 51.852.736.000 đồng. Thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đột xuất, từ năm 2012 đến 2016 đã cấp cho các địa phương hỗ trợ 21.998 hộ, tổng kinh phí 36.919.435.200 đồng để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; hỗ trợ sửa chữa 48 căn nhà bị hư hỏng nặng do thiên tai lũ lụt, lốc xoáy gây ra với kinh phí 520.000.000 đồng.

        Đạt được những kết quả nêu trên trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng đối tượng chính sách đã tăng về số lượng, mức trợ giúp được điều chỉnh cũng nâng lên phải đề cập đến vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền đối với hoạt động về các vấn đề chính sách ưu đãi người công với cách mạng, chính sách xã hội, chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội và sự phối hợp của Mặt trận các tổ chức Hội, đoàn thể  đi đôi với việc thường xuyên kiểm tra, giám sát, định kỳ, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ theo chỉ tiêu đề ra; từ đó rút ra những yếu kém, hạn chế, tồn tại trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách để chỉ đạo và xử lý kịp thời. Đồng thời đặc biệt coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp thực hiện làm công tác chính sách ưu đãi người công với cách mạng, chính sách xã hội, chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội đảm đảm bảo kịp thời, đầy đủ và đạt hiệu quả cao.

        Thời gian đến huyện Bắc Bình tiếp tục rà soát, thực hiện chính sách cho đối tượng thuộc diện thụ hưởng đảm bảo đầy đủ, không bỏ sót; kiên quyết rà soát không để người dân nào phải thiếu đói, đúng đối tượng nhưng chưa được thụ hưởng phải được hưởng các chính sách theo quy định./.


Các tin khác