NHỮNG KINH NGHIỆM TRONG CHỈ ĐẠO VÀ HƯỚNG DẪN CHUYÊN MÔN CÔNG TÁC BIÊN SOẠN LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG ĐỊA PHƯƠNG Ở HUYỆN BẮC BÌNH

Để góp phần giáo dục truyền thống cách mạng của địa phương cho thế hệ trẻ, việc biên soạn lịch sử truyền thống các địa phương là việc làm hết sức cần thiết và bổ ích để giữ gìn và phát huy truyền thống quý báu của cha anh đi trước. Chính vì thế, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị số 36-CT/HU ngày 08/9/2008 về việc tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống các cấp. Trong những năm qua, huyện Bắc Bình đã thực hiện đạt được một số kết quả nhất định: Cấp huyện đã phát hành tập kỷ yếu “Chiến thắng Sông Mao trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, lịch sử truyền thống Đại đội 440-Hòa Đa 1961-1980. Cấp cơ sở,  03 địa phương là thị trấn Chợ Lầu, thị trấn Lương Sơn và xã Hồng Thái đã đã phát hành lịch sử truyền thống địa phương, giai đoạn 1975-2010. Xã Phan Thanh đang in lịch sử truyền thống, giai đoạn 1945-1975, xã Hòa Thắng đang làm thủ tục xuất bản lịch sử truyền thống, giai đoạn 1975-2015, xã Phan Hiệp đã hoàn thành xong bản thảo lịch sử truyền thống, giai đoạn 1975-2015.

        Qua kết quả thực hiện chủ trương trên, huyện Bắc Bình rút ra được một số bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo và hướng dẫn chuyên môn công tác biên soạn lịch sử truyền thống ở các địa phương như sau:

        1- Phát huy vai trò tham mưu của Ban Tuyên giáo Huyện ủy là bộ phận thường trực Ban Chỉ đạo cấp huyện về công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử truyền thống địa phương. Định kỳ hằng quý, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đều tham mưu Ban Chỉ đạo của huyện làm việc với các xã, thị trấn, các ngành cũng như làm việc với những người hợp đồng biên soạn lịch sử truyền thống các địa phương, đơn vị về tiến độ biên soạn lịch sử truyền thống. Từ đó, Ban Chỉ đạo nắm được tình hình, tiến độ và  có sự chỉ đạo thích hợp đối với cấp ủy cơ sở cũng như kịp thời chỉ đạo các ban, ngành chức năng liên quan của huyện giải quyết tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác biên soạn trong phạm vi của huyện như cung cấp tư liệu, cấp ứng kinh phí.

         2- Trong bước biên soạn, để dự thảo nội dung có chất lượng thì điều quan trọng là phải khai thác được tư liệu có chất lượng. Kinh nghiệm cho thấy hiện nay, việc khai thác tư liệu thành văn là cực kỳ khó khăn cho các địa phương vì công tác lưu trữ không tốt dẫn đến không còn tư liệu phuc vụ cho việc biên soạn. Để khắc phục được vấn đề này, các cơ sở phải thành lập một Tổ chuyên trách khai thác tư liệu mà chủ yếu hiện nay là khai thác tư liệu qua các nhân chứng và các sổ ghi chép của các đồng chí từng giữ các chức vụ chủ chốt tại địa phương. Đây là một phương pháp khai thác tư liệu cực kỳ quan trọng góp phần hệ thống các sự kiện đã diễn ra mà tài liệu chính thống chúng ta không còn trong các kho lưu trữ. Sau khi khai thác được nguồn tư liệu, Tổ khai thác phải tổng hợp rồi cung cấp cho người trực tiếp biên soạn chứ không nên khoáng trắng cho người biên soạn sẽ dẫn đến tình trạng chậm tiến độ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình biên soạn. Điển hình là thị trấn Lương Sơn, trước đây do lũ lụt các tư liệu lưu trữ tại thị trấn không còn nhưng bằng cách thành lập Tổ khai thác tư liệu đi đến từng nhân chứng khơi gợi để các đồng chí kể lại những mốc thời gian đã qua. Điều này đã có tác dụng rất lớn giúp Đảng ủy thị trấn xuất bản tập sách lịch sử truyền thống đảng bộ thị trấn Lương Sơn, giai đoạn 1975-2010 với chất lượng chuyên môn được tỉnh và huyện đánh giá rất cao.

        3- Để thúc đẩy nhanh tiến độ và tạo kết quả trong việc biên soạn thì phải hợp đồng được người biên soạn có năng lực và am hiểu công việc theo từng giai đoạn lịch sử cần viết. Để tháo gỡ khó khăn cho cơ sở ở khâu thiếu người biên soạn, Ban Tuyên giáo Huyện ủy gợi ý, định hướng cho các cấp ủy cơ sở cần vận động trong đội ngũ cán bộ hưu trí trong địa phương, các đồng chí cộng tác viên đã từng cộng tác viết các sách lịch sử của huyện hoặc những người nơi khác nhưng có khả năng và am hiểu được công việc và tình hình địa phương. Ở nơi nào vận động được, có người hợp đồng biên soạn thì nơi đó triển khai được công việc biên soạn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng, đội ngũ những người có thể hợp đồng biên soạn này cũng cần được tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn phù hợp. Có người chỉ kinh qua trong thời chiến tranh không có điều kiện hoạt động trong thời kỳ xây dựng đất nước thì viết sẽ không đúng yêu cầu lịch sử của thời kỳ mới và ngược lại. Cần phải huy động thêm đội ngũ cán bộ ở huyện, tỉnh nhất là cán bộ tuyên giáo đảm nhận việc biên soạn lịch sử ở địa phương cơ sở với chế độ thù lao phù hợp mới có thể đẩy nhanh tiến độ công việc biên soạn hiện nay.

        Công tác biên soạn lịch sử truyền thống địa phương là công việc dài hơi, đầy khó khăn, để thành công cần đòi hỏi phải có sự quyết tâm của cấp ủy địa phương. Bên cạnh đó phải có sự bám sát chỉ đạo của huyện và phương pháp biên soạn tốt là những yếu tố quan trọng góp phần đẩy nhanh tiến độ biên soạn lịch sử truyền thống các địa phương./.


Các tin khác