Huyện Bắc Bình chú trọng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

        Những năm qua, huyện Bắc Bình luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn; từ đó, chuyển dịch cơ cấu ngành nghề theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các cơ sở sản xuất đã và đang đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất, kinh doanh; cụm công nghiệp trên địa bàn huyện thu hút một số doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, phát triển; các làng nghề dần hình thành và phát triển;...

       Để công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn phát triển, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, huyện Bắc Bình đã quy hoạch, xây dựng các cụm công nghiệp. Đến nay, toàn huyện có 04 cụm công nghiệp với tổng diện tích là 122 ha. Cụ thể, cụm công nghiệp Hải Ninh có 04 nhà đầu tư với diện tích là 21,8/50ha, tỷ lệ lấp đầy 43,60%; cụm công nghiệp Bắc Bình 1 có 02 nhà đầu tư với diện tích là 5,02/22ha, tỷ lệ lấp đầy 22,81%; cụm công nghiệp Lương Sơn, diện tích 26 ha; cụm công nghiệp Sông Bình đang được triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng và xây dựng Nhà máy chế biến sữa trên toàn bộ diện tích 24 ha, hiện đang triển khai các hạng mục công trình (san lắp mặt bằng, xây dựng nhà ở công nhân, nhà kho,…).

       Đi đôi với phát triển các cụm công nghiệp; huyện chú trọng khai thác tiềm năng năng lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai thi công hoàn thành và đưa vào vận hành phát điện thương mại 09 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 782.83MW, tổng diện tích 595.72 ha, tổng vốn đầu tư 15.503 tỷ đồng. Đồng thời, các nhà đầu tư đang triển khai 06 dự án điện gió được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư với tổng công suất 302MW, tổng diện tích 126,22 ha, tổng vốn đầu tư 14.573 tỷ đồng; đến nay điện gió Thái Hòa và Thuận Nhiên Phong cơ bản hoàn thành lắp đặt trụ và đang hoàn thành phần thiết bị kỹ thuật để đưa vào vận hành vào cuối năm 2021. Huyện tập trung đôn đốc, hỗ trợ đầu tư phát triển lưới điện 500 kV, 220 kV, 110 kV và lưới điện trung, hạ thế trên địa bàn huyện đã tác động rất lớn và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và dịch chuyển cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp đúng hướng đề ra là tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp năng lượng và giảm dần tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng. Về phát triển công nghiệp khai thác, chế biến sâu quặng sa khoáng titan, hiện nay, trên địa bàn huyện có 02 Công ty được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác quặng Titan-Zircon sa khoáng bằng phương pháp lộ thiên với diện tích 420,95 ha, công suất khai thác 27.186,93 tấn khoáng sản quặng/năm; đồng thời, Tỉnh đã chuẩn bị các điều kiện để hình thành khu vực chế biến sâu quặng sa khoáng titan quy mô lớn tại khu công nghiệp Sông Bình khoảng 300 ha. Hiện nay đã lắp đặt cơ bản hoàn chỉnh trên 90% và đang trong giai đoạn vận hành, thử nghiệm 02 nhà máy nghiền Zicon siêu mịn Sông Bình, công suất 35.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư 450 tỷ đồng do Công ty khoáng sản Sông Bình làm chủ đầu tư, gồm 03 dây chuyền (01 dây chuyền làm sạch và 02 dây chuyền nghiền siêu mịn); đang mở rộng 150ha để thu hút nhà đầu tư thứ cấp.

      Bên cạnh đó, huyện còn phát triển được 71 cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm nông sản. Các doanh nghiệp đã ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến vào hoạt động sản xuất. Đặc biệt, các cơ sở chế biến rượu từ trái thanh long đã đem lại kết quả rõ nét, nâng cao chất lượng sản phẩm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Toàn huyện hiện có 03 làng nghề nông thôn: làng nghề bánh tráng Chợ Lầu, gốm Bình Đức và dệt thổ cẩm Phan Thanh được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận. Trong đó, có  02 làng nghề bánh tráng Chợ Lầu và gốm Bình Đức đang hoạt động, góp phần giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho khoảng 700 lao động tại địa phương. Trong những năm gần đây, một số cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng cũng được hình thành, đi vào hoạt động có hiệu quả; đặc biệt là việc áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, với thiết bị công nghệ hiện đại, khép kín đã hạn chế về ô nhiễm môi trường trong sản xuất.

       Phát triển công nghiệp là xu thế tất yếu và có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Bắc Bình trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, Bắc Bình sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để đưa kinh tế huyện nhà chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng “Công nghiệp - Dịch vụ, Du lịch - Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” theo tinh thần mà Nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện lần thứ XII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã đề ra.


Các tin khác