Bắc Bình: Tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong tình hình mới

Xác định an toàn thực phẩm là vấn đề được xã hội quan tâm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, thời gian qua, huyện Bắc Bình đã có nhiều cố gắng trong quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm. Qua đó, nhận thức về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng trên địa bàn từng bước được nâng lên rõ rệt.

        Để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch, tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, nhất là dịp Tết Nguyên đán, Tết trung thu,… Nội dung kiểm tra đa dạng, linh hoạt; tùy thuộc vào từng thời điểm để kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm như bánh mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, thịt và sản phẩm chế biến từ thịt, thức ăn vỉa hè,… Ngoài ra, đối với các tháng cao điểm, tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Ban Chỉ đạo còn thành lập đoàn kiểm tra tăng cường chú trọng vào kiểm tra các cơ sở có bếp ăn tập thể nhằm tránh xảy ra tình trạng ngộ độc. Công tác kiểm tra trong thời gian qua dưới sự chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm huyện và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành liên quan đã mang lại hiệu quả tích cực; kết quả qua 10 năm, nhiều vi phạm về an toàn thực phẩm được phát hiện kịp thời và xử lý kiên quyết. Cụ thể, trên lĩnh vực nông nghiệp, đã kiểm tra 50 lượt/40 cơ sở, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 01 cơ sở; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 2.000.000 đồng; nhắc nhở 48 lượt, không xử lý. Đối với lĩnh vực y tế, tổng số cơ sở được kiểm tra là 578 lượt/124 cơ sở, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 80 lượt; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 118.600.000 đồng; nhắc nhở 489 lượt, không xử lý. Riêng đối với kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành công thương thì có tổng số vụ là 366, trong đó xử phạt 90 vụ; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 141.500.000 đồng;…

        Nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cả cộng đồng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, trong 10 năm, huyện đã chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền về an toàn thực phẩm với nhiều hình thức treo băng rôn, khẩu hiệu 468 cái; tổ chức tọa đàm, hội thảo: 05 buổi; phát thanh loa, đài: 7.015 lần; tranh áp-phích, posters: 100 cái; tờ gấp, tờ rơi: 7.370 tờ; băng đĩa CD, VCD: 360 cái;... Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội huyện tổ chức tuyên truyền phổ biến các nội dung của Luật và các văn bản dưới Luật về an toàn thực phẩm; chú trọng công tác tuyên truyền miệng, tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, sáng tạo. Trong đó, nổi bật có Hội liên hiệp Phụ nữ huyện đã phối hợp cùng 18 xã - thị trấn tổ chức chương trình tuyên truyền chung tay xây dựng nông thôn mới tại xã Hòa Thắng, Sông Lũy; chương trình đồng hành cùng Phụ nữ biên cương với các chuỗi hoạt động bằng hình thức sân khấu hóa tuyên truyền công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, bảo hiểm y tế toàn dân,… tại Phan Sơn - Phan Lâm; chương trình tuyên truyền an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông tại xã Phan Rí Thành, Phan Hiệp, Lương Sơn; kiểm tra chế độ sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe, an toàn thực phẩm ở các nhóm trẻ tư thục tại thị trấn Chợ Lầu và xã Sông Bình. Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện còn phối hợp với Trung tâm y tế huyện, Trạm y tế mở 18 lớp tập huấn về kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, tham gia có 756 chị; phối hợp UBND xã và Trung tâm nước sạch vệ sinh môi trường tỉnh tuyên truyền về nước sạch và hướng dẫn cách xây bể chứa nước cho 7 thôn tại Sông Bình có 165 hội viên tham dư. Đến nay, toàn huyện tiếp tục duy trì mô hình về “Tổ Phụ nữ tuyên truyền về an toàn thực phẩm” gồm 11 tổ/120 thành viên. Ngoài việc duy trì các mô hình thì các thành viên trong tổ hoạt động theo quy chế hoạt động của tổ, định kỳ 1 tháng/lần tham gia xuống địa bàn dân cư, hàng quán tổ chức phát tờ rơi, phát găng tay và tuyên truyền về việc chấp hành vệ sinh an toàn thực phẩm, chú ý các hộ buôn bán nhỏ tại các khu vực ở chợ và bán hàng tại nhà. Các tổ đã tổ chức 168 đợt tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm cho 2.152 hộ buôn bán. Hội liên hiệp phụ nữ Chợ Lầu va Sông Bình còn phối hợp thành lập tổ kiểm tra chế độ sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe, an toàn thực phẩm ở các nhóm trẻ tư thục, trường mẫu giáo. Năm 2020, Hội LHPN huyện đã tổ chức giám sát về công tác chỉ đạo triển khai thực hiện và công tác kiểm tra vệ sinh ATTP tại Phòng Y tế huyện và tổ chức khảo sát ở các Trường TH Phan Rí Thành 2, Trường TH Phan Rí Thành 3, Trường TH Chợ Lầu 2, Trường TH Lương Sơn 2.

        Để tăng cường hơn nữa công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, trong thời gian đến, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức và hành động của người lao động và chủ cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông sản, thuỷ sản trong thực hiện an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên (cá Nóc) và các bệnh truyền qua thực phẩm, các hoạt động giám sát nguy cơ mất an toàn thực phẩm, giám sát vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn huyện. Tăng cường việc kiểm tra, đặc biệt tại các bếp ăn tập thể trường học, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, nhất là sử dụng chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, chất kháng sinh, chất kích thích … không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có trong danh mục được phép sử dụng, sử dụng vượt mức giới hạn cho phép. Đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến nông sản thực phẩm. Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các hoạt động kinh doanh thực phẩm trên thị trường, đặc biệt các nhóm thực phẩm có nguy cơ cao, kiểm soát nhãn thực phẩm, thực phẩm giả. Kiểm tra, kiểm soát thị trường chống các hành vi vi phạm trong lĩnh vực hàng giả, hàng kém chất lượng, phụ gia không được phép sản xuất, chế biến…


Các tin khác