Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trên đất Đá Trắng

Những năm trở lại đây, từ phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện Bắc Bình đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân với mô hình phát triển kinh tế đem lại hiệu quả,  Ông Huỳnh Văn Long (sinh năm 1964) tại thôn Đá Trắng, xã Sông Bình, huyện Bắc Bình thành công với mô hình trồng các loại cây ăn quả...là một trong những người như thế.

        Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, ở miền quê thôn Đá Trắng, xã Sông Bình – vùng đất nắng gắt, khô hạn của huyện Bắc Bình, ông Huỳnh Văn Long đã không rời bỏ nghề nông, cần mẫn canh tác trên diện tích 1,2 mẫu với 2 vụ lúa/năm. Song, kinh tế của gia đình ông vẫn khó khăn, cái nghèo vẫn mãi đeo bám. Trong hoàn cảnh như vậy, là lao động chính của gia đình, ông đã nhiều đêm suy nghĩ, tìm hướng đi mới, làm gì để thoát khỏi cảnh khó khăn, vươn lên làm giàu bằng sức lao động và trí óc của mình.

        Cuộc sống nghèo khổ đã nhen nhóm và nung nấu ý chí thoát nghèo trong ông. Ông nghĩ, muốn thoát nghèo thì không có cách nào khác là phải dám nghĩ, dám làm, đổi mới cung cách làm ăn. Cơ duyên thay đổi nhận thức, thói quen trong sản xuất nông nghiệp đến với ông Long năm 2008, khi tham gia buổi tập huấn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa X của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Với bản chất và niềm đam mê đồng ruộng, lại được sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã, gia đình ông cải tạo lại đất, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng cây lúa nước sang trồng cây ăn quả là cây xoài Đài Loan trên cánh đồng canh tác xưa nay.

        Mới đầu, ông chỉ trồng thử nghiệm khoảng 01ha xoài, do gặp nhiều khó khăn, nhất là thiếu vốn, kinh nghiệm ít ỏi, thời tiết lại không thuận lợi nên có lúc bản thân ông và những người trong gia đình đã suy nghĩ không thể làm nổi nữa. Song với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, các ngành, đoàn thể trong xã cùng với niềm đam mê của mình, ông quyết không bỏ cuộc. Ông đã tham gia các lớp tập huấn về chuyên canh cây trồng do xã Sông Bình phối hợp với các đơn vị chuyển giao. Cùng với đó, được Hội Nông dân xã hướng dẫn tiếp cận với các nguồn vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp huyện để đầu tư sản xuất. Những khó khăn dần được khắc phục, mô hình của gia đình ông cũng từ đó mà phát triển, tạo ra nguồn thu nhập bước đầu ổn định. Năm 2010, gia đình ông mạnh dạn tiếp mở rộng diện tích và trồng thêm, đến nay tổng diện tích trồng xoài của gia đình là 4,5ha. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, 5 năm qua, gia đình ông có nguồn thu nhập ổn định từ 350 đến 400 triệu đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho hơn 10 người lao động.

        Hưởng ứng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, ông tích cực tham gia các buổi sinh hoạt của Hội Nông dân xã, vận động các hộ trong thôn tham gia Tổ liên kết kinh tế vườn tạo điều kiện cho gia đình và các thành viên của tổ chia sẽ kinh nghiệm, liên kết vay vốn, được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, xử lý sâu bệnh và ứng dụng KHKT vào trồng cây ăn quả. Hiện nay, bình quân thu nhập các thành viên trong tổ tăng lên rõ rệt, hộ khá giả trong thôn tăng lên.

        Ông Long cho hay: “bản thân tự nhận thấy việc làm ra nông sản nhưng bị thương buôn ép giá, đầu ra của nông sản và giá cả thị trường bấp bênh, thiết nghĩ phải có một thương hiệu và một tổ chức phù hợp để có đầu ra ổn định cho nông sản và cạnh tranh trên thị trường trong nước và ngoài nước. Được sự quan tâm, hỗ trợ của Hội Nông dân các cấp và Đảng ủy xã Sông Bình, ông đã vận động các thành viên trong Tổ liên kết tham gia thành lập Hợp tác xã Nông sản VietGap Sông Bình vào tháng 7/2019, với 14 thành viên và được bầu làm Giám đốc của HTX. Tổng diện tích cây ăn quả của HTX đến thời điển hiện tại là 55ha. Trên cương vị này, bản thân ông luôn cố gắng vừa đẩy mạnh sản xuất, phát triển mô hình của gia đình, vừa nỗ lực quy tụ hội viên lại để hình thành chuỗi sản xuất kinh doanh mang đặc trưng của vùng, góp phần phát triển kinh tế gia đình, làm giàu đẹp quê hương”.

        Từ khi thành lập đến nay, ông đều tổ chức sinh hoạt trao đổi học hỏi nhau trong sản xuất cây ăn quả, dự báo tình hình giá cả thị trường và bằng kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh, thường xuyên chia sẻ hỗ trợ cho hội viên về kỹ thuật, cây, con giống, chủ yếu là cây ăn quả, tìm thị trường và bao tiêu sản phẩm đầu ra hỗ trợ cho hội viên. Hàng năm, gia đình ông đã đầu tư cung cấp cây giống, giá trị khoảng 150 triệu đồng cho 5 hộ gia đình khó khăn để họ sản xuất và nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra cho toàn thể hội viên của Hội. Với tinh thần tương thân tương ái, uống nước nhớ nguồn, hàng năm bản thân ông cùng với các hội viên trong Hợp tác xã tích cực tham gia các cuộc vận động tại địa phương, ủng hộ các loại quỹ, giúp đỡ những hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng các công trình phúc lợi ở địa phương. Đồng thời, bằng những kinh nghiệm và kiến thức mà ông đã tích lũy được trong quá trình sản xuất cây ăn quả đảm bảo chất lượng, trao đổi và hướng dẫn hàng chục hộ gia đình, động viên họ làm theo, cùng nhau phát triển kinh tế làm giàu cho quê hương, góp phần xây dựng nông thôn mới.

        Mô hình sản xuất cây ăn quả của gia đình ông đã được công nhận là mô hình kiểu mẫu về phát triển kinh tế hộ gia đình. Liên tiếp từ năm 2019-2020, gia đình ông được công nhận danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện và tỉnh và đang được đề nghị danh hiệu “Nông dân tiêu biểu” cấp Trung ương.

        Ông cho biết, với niềm đam mê về nông nghiệp trong thời gian tới ông dự kiến sẽ mở rộng thêm diện tích, quy mô trồng nhiều loại cây ăn quả, đặc biệt hướng đến cây trồng có thể cung cấp ra thị trường quanh năm, mang lại thu nhập và hiệu quả kinh tế cao hơn./.


Các tin khác