CƠM TRƯA - ẤM NỒNG TÌNH THẦY TRÒ

Một bữa cơm đặc biệt, tất cả như một gia đình, không khí vui vẻ cùng tình thầy trò ấm áp... là những gì tôi cảm nhận được khi đến với  “Bữa cơm gắn kết yêu thương” do tập thể giáo viên nhà Công vụ Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Sơn Lâm (huyện Bắc Bình, Bình Thuận) dành cho các em học sinh có nhà xa trường…

       Đến thăm trường vào một ngày đầu Đông se lạnh. Thấp thoáng giữa núi rừng hùng vĩ là Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Sơn Lâm ở thôn Kalíp, xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình, Bình Thuận. Phần lớn học sinh của trường đều là con em dân tộc thiểu số như Rắc lay, K’Ho, Nùng, … sinh sống tại 02 xã miền núi Phan Sơn, Phan Lâm. Phụ huynh nơi đây làm nông là chủ yếu, đời sống nhiều học sinh gặp nhiều khó khăn.

      Dạo một vòng quanh trường, ngoài những tiếng ê, a của bọn trẻ, tiếng giảng bài của cô, thầy bỗng một mùi thơm thoảng bay ngang. Lần theo mùi hương, trước mắt tôi là nhà công vụ giáo viên có một nhóm cô thầy đang xông xáo, người thì vo gạo, người lặt rau, người rửa cá, thịt,… để nấu những “nồi cơm, nồi canh khổng lồ” ???.

       Qua trò chuyện, tôi được biết đa số giáo viên công tác tại trường đều xa nhà, một số cô, thầy đầu tuần đi cuối tuần mới về, cũng có thầy, cô phải mỗi ngày phải vượt hơn 60 km để gieo cái chữ. Nhà Công vụ là niềm khao khát của những “người đưa đò” tránh cái giá lạnh thấu xương của vùng miền núi vào những tháng mùa đông hoặc cái nắng khô hạn, rát bỏng vào những tháng mùa khô,… là nơi họ nghỉ ngơi, sinh hoạt sau những giờ lên lớp. Công tác xa nhà, xa con, nhưng với lòng yêu nghề, yêu trẻ những “người đưa đò” thầm lặng ấy ngoài việc giảng bài, họ còn chăm lo bữa cơm trưa cho học trò bằng cả trái tim của người nhà giáo đó là tất cả là những gì tôi muốn chia sẻ!

      Theo lời kể của các cô, vừa qua trường tổ chức giảng tiết ở các khối. Vì học cả ngày nên có một số em nhà xa, ba mẹ đi làm nương rẫy sâu trong rừng đến chiều mới về, không ai đưa đón, không ai lo cơm nước, có vài em phải đi bộ từ 3-5 km đến trường thế nên lớp học buổi chiều thường không đảm bảo sĩ số, một số em thì uể oải vì đi đường xa (04 lượt/ngày).

       Chứng kiến cảnh buổi trưa các em học sinh đi bộ xa về nhà dưới cái nắng chang chang, cô xót lắm. Thương học trò, các cô, thầy trong khu tập thể trao đổi, đưa ra kết luận “Chỉ có ăn cơm tại chỗ, các em mới học buổi chiều”.

Nghĩ là làm

      “Ban đầu chỉ có 2-3 học sinh, nên các cô các thầy, cô mạnh dạn đóng góp thêm một ít để giúp đỡ các em xa nhà cùng dùng cơm và nghỉ trưa cùng mình. Một thời gian sau, thấy việc làm trên vừa ý nghĩa, đảm bảo sức khỏe cho con học tập vừa tiện cho việc đi lại nên nhiều phụ huynh cũng mong muốn cho trẻ ở lại. Tuy nhiên với đồng lương của nhà giáo để trang trải gia đình thì việc nấu cho hơn 20 học sinh là cực kì khó. Thế nhưng nhiều lúc bắt gặp ánh mắt vài em đứng nhìn các bạn và thầy cô dùng cơm trưa, chúng tôi không đành lòng” cô Đặng Thị Mai là 01 trong 4 cô nấu cơm trưa cho học sinh chia sẻ.

       Bằng tất cả tình thương của người nhà giáo, sự cảm thông sâu sắc với phụ huynh, các cô mạnh dạn nêu ý tưởng của mình về bữa cơm trưa và được Ban giám hiệu ủng hộ. Qua trao đổi với phụ huynh kinh phí 10 ngàn đồng/phần bữa ăn trưa, thì được nhiều phụ huynh đồng tình và nhiệt tình hưởng ứng, mô hình “cơm trưa gắn kết yêu thương” ra đời từ đó.

       Tuy nhiên, với lượng học sinh như trên, các thầy cô phải tranh thủ giờ ra chơi để đi chợ, hết giờ ra chơi lại vào tiết, ai rảnh giờ nào thì phụ nhau một tay nấu nướng mới kịp bữa cơm trưa cho bọn trẻ.

       Trống trường điểm báo tan giờ học. Hơn 20 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 chạy đến một gian phòng nhỏ, xếp cặp gọn gàng không ai bảo ai các em lớn chạy đến phụ cô, thầy dọn chén, bát,… ngồi gọn vào bàn ăn, buổi trưa nơi đây bỗng nhiên đầy ấp tiếng cười trẻ thơ. Có trực tiếp ngồi vào mâm cơm đặc biệt của cô trò tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Sơn Lâm, mới cảm nhận được không khí gần gũi, ấm áp, đầy tình yêu thương của một bữa cơm sum vầy trong gia đình. Dùng cơm xong các em được thầy sắp xếp ngủ trưa một phòng tại đây. Còn các cô, ngoài việc tranh thủ dọn rửa chén, bát rồi “ngã lưng” họ còn là “đồng hồ” đánh thức lũ trẻ trước giờ học 15 phút.

      Thầy Trần Sơn Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Sơn Lâm cho biết: Ý tưởng về “Bữa cơm gắn kết yêu thương” được các cô, thầy giáo trong trường ấp ủ từ lâu, nhưng đến đầu năm 2019, mô hình “Bữa cơm gắn kết yêu thương” thật sự đi vào hoạt động, từ sau khi có mô hình này, các lớp học buổi chiều được đảm bảo sĩ số, học sinh phấn khởi học tập.

Thắt chặt tình yêu thương

      Người xưa có câu “của một đồng, công một lượng” với tình hình giá cả hiện nay thì mỗi suất 10.000đ/1 em /1 buổi còn hạn hẹp, nếu với số tiền lớn hơn thì quá sức với điều kiện của phụ huynh. Thế nhưng để có bữa cơm dinh dưỡng, các cô phải chắt chiu từ những đồng lương ít ỏi góp thêm tiền vào, hỗ trợ cả vật chất và công sức mình bằng cả tấm lòng yêu thương, đùm bọc, chia sẻ của các cô dành cho học trò. Việc làm đó thật đáng trân trọng biết bao.

      Chị Mã Thị Hồng Loan - phụ huynh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Sơn Lâm vui mừng cho biết: Trước đây, sau khi kết thúc buổi học sáng, các em thường ăn uống qua loa, có em nhịn đói và vất vưởng chơi các trò chơi nguy hiểm. Từ khi có mô hình “Bữa cơm gắn kết yêu thương”, lo cho các em bữa ăn, giấc ngủ, phụ huynh chúng tôi rất vui và yên tâm hơn khi các con ở lại trường vào buổi trưa.

       Mỗi bát cơm chứa đựng tình cảm ân cần của các cô giáo đối với học trò thân yêu. Còn gì ấm áp hơn những bữa cơm trưa do chính tay các thầy giáo, cô giáo nấu cho các em. Hy vọng mô hình sẽ có nhận được nhiều sự quan tâm của các mạnh thường quân hỗ trợ vật chất và tinh thần để các cô có nguồn động lực tiếp tục phát huy nghĩa cử cao đẹp và mở rộng quy mô mô hình “Bữa cơm gắn kết yêu thương”  để mô hình thật sự có ý nghĩa như cái tên của nó.


Các tin khác