Hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật tại huyện Bắc Bình

Công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) là khâu đầu tiên của quá trình thi hành pháp luật, giúp chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, nhằm tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

        Xuất phát từ vai trò, ý nghĩa quan trọng ấy, huyện Bắc Bình luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp đẩy mạnh thực hiện công tác PBGDPL đạt được nhiều kết quả quan trọng: Đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền PBGDPL từ huyện đến cơ sở từng bước được củng cố, kiện toàn, cơ bản đảm bảo số lượng và nâng cao chất lượng. Đến nay, Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện có 29 đồng chí; Tổ báo cáo viên pháp luật huyện 12 thành viên; Tổ tuyên truyền viên pháp luật các xã, thị trấn 232 thành viên; Tổ hòa giải ở cơ sở 520 hòa giải viên. Toàn huyện thành lập 03 Câu lạc bộ pháp luật ở các xã: Hải Ninh, Phan Thanh, Hồng Phong; thành lập Ban tư vấn pháp luật thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ huyện 9 thành viên; Tổ cộng tác viên trợ giúp pháp lý 14 thành viên. Tính từ năm 2003 đến nay, Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện đã tổ chức tuyên truyền 73 đợt, hơn 1.035 cuộc và có 54.600 lượt người tham dự. Hoạt động của các Hội đồng phối hợp PBGDPL, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật từng bước đưa pháp luật vào cuộc sống. Điển hình triển khai thực hiện tốt công tác này có: thị trấn Chợ Lầu, thị trấn Lương Sơn, xã Hải Ninh, xã Phan Thanh,…

        Hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật đã được phổ biến bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng đối tượng và địa bàn như: mở hội nghị, qua các cuộc họp nhân dân, hệ thống thông tin đại chúng từ huyện đến cơ sở, các buổi sinh hoạt của đoàn thể, tuyên truyền miệng, bản tin và trang thông tin điện tử của huyện, đội thông tin lưu động, sân khấu hoá, hội thi, tờ rơi, panô, áp phích, qua hoạt động hòa giải ở cơ sở, tổ trợ giúp pháp lý, câu lạc bộ pháp luật, tủ sách pháp luật; thời gian gần đây chú trọng thêm công tác tuyên truyền trên hệ thống mạng xã hội, Internet. Ngoài ra, còn phối hợp tuyên truyền chuyên đề đặc thù cho từng đối tượng. Nội dung tuyên truyền, phổ biến ngày càng đa dạng được chọn lọc thông qua việc khảo sát, nắm bắt nhu cầu tìm hiểu pháp luật của từng nhóm đối tượng và đặc điểm cụ thể của địa phương, đơn vị. Từ đó, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ và nhân dân; góp phần ngăn chặn và hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, kịp thời giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp tại cộng đồng dân cư, giảm bớt tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, tiết kiệm thời gian và chi phí của các cơ quan nhà nước và công dân; giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; thúc đẩy nhiệm vụ pháp triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nâng cao hiệu lực của pháp luật và hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật của các cấp chính quyền.

       Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn một số hạn chế, khuyết điểm. Hoạt động tuyên truyền có nơi còn chưa đáp ứng kịp thời; phương tiện truyền thanh ở cơ sở, công tác tuyên truyền miệng của các tổ chức đoàn thể chưa thật sự phát huy hiệu quả. Việc tập trung nhân dân để sinh hoạt, học tập rất khó khăn, tỷ lệ tham dự chưa đạt yêu cầu. Nhận thức về pháp luật của nhân dân tuy có tăng lên nhưng vẫn còn thấp, đặc biệt là các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, một số bà con có lối sống và suy nghĩ còn nặng về phong tục, tập quán cũ. Cơ sở vật chất phục vụ cho công tác tuyên truyền còn hạn chế. Một số xã, thị trấn hàng năm chưa quan tâm cấp kinh phí cho công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cũng như cấp kinh phí trang bị, bổ sung đầu sách cho tủ sách pháp luật.

       Trước yêu cầu phát triển của đất nước, cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL; UBND huyện, UBND xã - thị trấn, các cơ quan, đơn vị phải thường xuyên quan tâm và xây dựng kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình; nội dung, hình thức và phương thức phải phù hợp đến từng đối tượng cụ thể, bảo đảm mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa; gắn phổ biến, giáo dục pháp luật với giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, văn hoá truyền thống, nhất là việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tăng cường công tác vận động để mỗi cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân tự giác tìm hiểu, nghiên cứu và chấp hành các quy định pháp luật để nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Thực hiện nghiêm túc quy định mỗi chi bộ và đảng viên là một tuyên truyền viên phổ biến về chủ trương, quan điểm, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước. Củng cố, kiện toàn đội ngũ tuyên truyền viên trong các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, báo cáo viên pháp luật từ huyện đến cơ sở và hòa giải viên bảo đảm trình độ, năng lực, nhiệt tình, cập nhật kiến thức pháp luật. Thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ và kiến thức pháp luật cho lực lượng tuyên truyền viên, hoà giải viên ở cơ sở. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc thực thi pháp luật, nhất là việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng kế hoạch và triển khai pháp luật của các cơ quan, đơn vị và các địa phương./.


Các tin khác