HUYỆN BẮC BÌNH: KẾT QUẢ CUỘC THI "TÌM HIỀU LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG ĐẢNG BỘ HUYỆN BẮC BÌNH"

Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử truyền thống Đảng bộ huyện Bắc Bình” do Ban Thường vụ Huyện ủy tổ chức đã thu hút được hơn 6.800 bài từ các tầng lớp nhân dân thuộc nhiều địa phương, cơ quan, trường học, doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Từ đó, góp phần tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trên địa bàn huyện hiểu rõ hơn về lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng, khơi dậy niềm tự hào về quê hương Bắc Bình.

        Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử truyền thống Đảng bộ huyện Bắc Bình” là một trong nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 90 năm Ngày thành lâp Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020) do Ban Thường vụ Huyện ủy Bắc Bình tổ chức theo hình thức thi viết.

        Để cuộc thi được biết đến và thu hút nhiều người tham gia, các chi, đảng bộ cơ sở, ngành Giáo dục - Đào tạo, Mặt trận - đoàn thể huyện trên cơ sở kế hoạch của Huyện ủy đã tổ chức phát động trong địa phương, đơn vị mình bằng nhiều hình thức. Kết quả thu được vượt xa sự mong đợi của Ban Tổ chức cuộc thi. Kết thúc thời gian nhận bài dự thi theo kế hoạch, Ban Tổ chức cuộc thi đã nhận được 6.879 bài tham dự đến từ 84 cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Trong đó, các đơn vị có nhiều bài dự thi như: Trường THPT Bắc Bình (hơn 1.600 bài), Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (hơn 500 bài), trường tiểu học Lương Sơn 1 (hơn 800 bài),… Đa số các bài dự thi đều trình bày nghiêm túc, đáp ứng yêu cầu của cuộc thi, có khoản 50% bài dự thi viết tay, có những bài thể hiện sự đầu tư công phu, viết tay, vẽ bản đồ và nhiều tranh ảnh lịch sử minh họa sinh động. Thành phần tham gia đa dạng, từ công chức - viên chức, đoàn viên - hội viên, giáo viên - học sinh, lực lượng vũ trang, cán bộ hưu trí, người lao động; người dự thi cao tuổi nhất sinh năm 1949 và nhỏ tuổi nhất sinh năm 2009. Qua đó góp phần rất lớn trong việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử của huyện nhà.

        Với 10 câu hỏi đặt ra và căn cứ vào nội dung 2 tập sách Lịch sử truyền thống Bắc Bình giai đoạn 1930 - 1975, Bắc Bình 25 năm xây dựng và phát triển (1975-2000) cùng nhiều tài liệu tham khảo khác; đa số các bài dự thi đều có chất lượng cao, thể hiện sự đầu tư nghiên cứu. Ngoài các tài liệu Ban Tổ chức cung cấp và giới thiệu, nhiều người dự thi đã tự tìm hiểu, sưu tầm thêm các tranh ảnh, tư liệu minh họa cho bài dự thi thêm phần sinh động.

        Đối với câu hỏi số 10 là câu phát biểu cảm tưởng về truyền thống của Đảng bộ và nhân dân Bắc Bình trong gần 90 năm qua và những hiến kế để huyện nhà ngày càng phát triển. Phần lớn những bài dự thi trình bày súc tích, cảm động, khái quát truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường bất khuất từ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp cho đến chống Mỹ. Nêu bật được Bắc Bình là vùng đất anh hùng sản sinh những người con ưu tú, bất khuất, sẵn sàng hy sinh để gìn giữ quê hương. Những căn cứ kháng chiến, những địa danh, những trận đánh, những chiến công của quân và dân Bắc Bình trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ được tái hiện qua các bài viết khá sinh động. Nhiều bài dự thi đã nói lên được sự gian khổ mà quân và dân Bắc Bình chịu đựng qua hình tượng “tắm rung cây”, “tắm sương”. Nêu được những thành tựu của Đảng bộ và nhân dân huyện nhà trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tất cả đều toát lên tình cảm của mình với quê hương và niềm tự hào đối với truyền thống 90 năm của Đảng bộ huyện. Về phần hiến kế để huyện nhà phát triển, đa phần các bài dự thi đều nêu các giải trên các lĩnh vự kinh tế - xã hội, an ninh quốc - phòng, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Một số bài tập trung hiến kế về phát triển kinh tế mà chú trọng đến phát triển kết cấu hạ tầng, tập trung vào phát triển công nghiệp và thương mại dịch vụ. Một số khác hiến kế huyện nên tập trung phát triển du lịch vì huyện có tiềm năng về du lịch biển. Một số bài có những hiến kế khá độc đáo như: cần phải khôi phục lại căn cứ kháng chiến Khu lê Hồng Phong làm địa điểm tham quan du lịch; một số ý kiến đề nghị cần đưa được nét truyền thống văn hóa của huyện vào các sản phẩm truyền thống để nâng cao sức cạnh tranh của các mặt hàng truyền thống của huyện. Đa phần bài dự thi đều có liên hệ trách nhiệm của cá nhân phải làm gì để huyện nhà phát triển hơn. Cũng có một số bài dự thi thông qua cuộc thi để phản ánh một số hạn chế, thiếu sót trên các lĩnh vực của huyện để lãnh đạo huyện nghiên cứu và có biện pháp khắc phục.

        Với sự đầu tư và tâm huyết ấy, tại buổi lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, Ban Thường vụ Huyện ủy đã trao giải nhất cho Đồng chí Tống Huỳnh Sơn - Đảng viên Đảng bộ Trường THPT Bắc Bình, giải nhì thuộc về đồng chí Võ Hoài Khiêm - Đảng viên Đảng bộ Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai và ông Tống Trọng Sang - công dân khu phố Xuân Hội - thị trấn Chợ Lầu; giải ba thuộc về đồng chí Nguyễn Thị Huyền Trang - Xã đoàn Phan Hiệp, bà Nguyễn Thị Hữu Vân - Trường THCS Bắc Bình 3, em Phạm Nguyên Bảo Khánh -học sinh lớp 8a5 - Trường THCS Chợ Lầu và 10 giải khuyến khích. Đồng thời, 02 giải tập thể có nhiều bài dự thi nhất và nhiều bài đạt giải thuộc về Đảng bộ Trường THPT Bắc Bình.

        Qua kết quả cuộc thi, có thể thấy hiệu quả của việc cuộc thi đã góp phần giáo dục lịch sử truyền thống địa phương một cách hiệu quả đến các tầng lớp nhân dân. Từ đó, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước, nâng cao hiểu biết của thế hệ trẻ về lịch sử, truyền thống quê hương mình.


Các tin khác