Huyện Bắc Bình: Kết quả qua 10 năm thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 55-CT/TU, ngày 10/8/2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 và Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 05/11/2012 của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, huyện Bắc Bình đã tập trung chỉ đạo các ban, ngành, địa phương, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn huyện triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp. Nhờ vậy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động tại địa phương.

        Kết quả qua 10 năm thực hiện

        Đào tạo nghề và giải quyết việc làm là nhiệm vụ trọng tâm nhằm cung cấp các kiến thức, kỹ năng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, góp phần cải thiện đời sống khu vực nông thôn. Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 55-CT/TU, ngày 10/8/2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 và 08 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 05/11/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, vị trí và tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Bắc Bình được nâng lên rõ rệt; luôn xác định vị trí chiến lược của phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và vai trò của công tác đào tạo nghề trong việc nâng cao chất lượng lao động nông thôn, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập và tạo thêm việc làm.

        Hiện nay, trên địa bàn huyện Bắc Bình, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên đã được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy chứng nhận hoạt động giáo dục nghề nghiệp 18 nghề, trong đó Sơ cấp là 11 nghề; dưới 3 tháng là 07 nghề, bao gồm nghề 07 nghề nông nghiệp và 11 nghề phi nông nghiệp. Qua 10 năm, tổng số người được đào tạo nghề/tổng số lao động trên địa bàn là 7.264/68.752 người; với tổng kinh phí thực hiện là 14.237.653.300 đồng. Trong đó, nữ là 4.652 người, đào tạo nghề nông nghiệp là 5.801 người và nghề phi nông nghiệp là 1.463 người, dân tộc thiểu số 6.095 người, hộ nghèo là 15 hộ, cận nghèo là 47, người có công cách mạng là 7 và khuyết tật là 03 người. Tổng số lao động có việc làm/tổng số lao động qua đào tạo là 5.900/7.264 người, đạt 81,22%. Các lao động được đào tạo chủ yếu tự tạo việc làm tại gia đình. Đối với các lao động được doanh nghiệp sử dụng sau đào tạo, hàng năm, cơ sở dạy nghề phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn huyện để tư vấn, giới thiệu lao động để đào tạo cho doanh nghiệp tuyển dụng. Đến nay, đã tư vấn 1.506 trường hợp, qua đó, giới thiệu 1.012 lao động cho hơn 60 doanh nghiệp. Từ đó, giải quyết vấn đề việc làm và giúp cho lao động thoát nghèo hiệu quả. Từ năm 2016 - 2020 có 1.144 hộ thoát nghèo; trong đó, đã qua đào tạo 2.051 lao động và giải quyết việc làm cho 13.824 lượt lao động.

        Đa dạng hoạt động của Mặt trận - đoàn thể

       Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy và các kế hoạch, văn bản của UBND huyện, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền công tác dạy nghề cho lao động nông thôn bằng các hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, từng vùng nhất là vùng nông thôn, vùng núi. Vận động nhân dân tham gia thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, chọn ngành nghề và duy trì ngành nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm nhằm nâng cao đời sống của người dân. Nổi bật, có hoạt động của Huyện đoàn tổ chức tư vấn đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hội thảo thanh niên học nghề, lập nghiệp tại các địa phương, qua đó giải quyết việc làm bình quân hàng năm là 2.704 lao động; phối hợp với các ngân hàng giải ngân cho đoàn viên vay vốn làm kinh tế là 3.154 thanh niên, số vốn vay cho thanh niên làm kinh tế do Đoàn thanh niên hỗ trợ trên 57,5 tỷ đồng. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh Bình Thuận và Chương trình dự án phát triển vùng tổ chức 149 lớp/3.344 lao động nữ các nghề như: thú y, nấu ăn dinh dưỡng, vi tính, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chăn nuôi, kỹ thuật trồng trọt,... Sau khóa học, các chị em phụ nữ được tư vấn, giới thiệu việc làm trong và ngoài tỉnh là 1.421 chị, đạt 42,5%. Hội Liên hiệp Phụ nữ phối hợp Chương trình phát triển vùng mở 12 lớp dạy nghề buôn bán nhỏ cho 275 hội viên phụ nữ, tạo việc làm và hỗ trợ vốn cho 24 chị/94 triệu đồng buôn bán nhỏ và chăn nuôi, 02 chị học nghề may/07 triệu đồng và 13 lao động nữ ở nông thôn như: trang điểm cô dâu, cắt tóc, học may và giới thiệu 09 chị có việc làm ổn định; phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ nguồn lực đồng hành cùng đề án cho 04 cá nhân có ý tưởng khởi nghiệp (xã Phan Sơn, Phan Rí Thành) với số tiền 380 triệu đồng. Ngoài ra, Hội chủ động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp thông qua nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ sản xuất như: hỗ trợ cho 22 chị chăn nuôi gà, bò, buôn bán nhỏ, sản xuất chăn nuôi là 229,1 triệu đồng. Hay hoạt động của Hội Nông dân huyện, kết quả trong 10 năm đã tổ chức được 270 lớp dạy nghề cho 8161 hội viên nông dân tham gia và phối hợp với các ngành, nhất là vận động các hộ gia đình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tạo việc làm thường xuyên theo ngành nghề đã học cho hơn 7.000 lượt hội viên nông dân;...

        Từ những kết quả đạt được, có thể thấy, việc thực hiện Chỉ thị số 55-CT/TU, ngày 10/8/2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 và Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 05/11/2012 của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, không chỉ tạo nền tảng để huyện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước hình thành đội ngũ lao động có tay nghề cao, chất lượng, có cơ cấu ngành nghề hợp lý, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động mà qua đó còn góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, bảo đảm sự hài hòa giữa nhu cầu của người lao động với yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong và ngoài huyện./.


Các tin khác