Thực tiễn cho thấy, trong những năm đến việc triển khai phong trào thanh niên khởi nghiệp sẽ có nhiều thuận lợi, nhất là: có được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện của các cơ quan, đơn vị, địa phương, gia đình; môi trường chính trị, môi trường kinh tế, xã hội có những tác động tích cực; sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội như là một kênh thông tin, một phương tiện hỗ trợ hiệu quả cho đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp. Bên cạnh đó, phong trào khởi nghiệp được phát động sâu rộng trên toàn quốc cùng với nhiều tiềm năng, lợi thế của địa phương như: đất đai, sản phẩm làng nghề, sản phẩm truyền thống cộng với sức trẻ, tâm huyết của đoàn viên, thanh niên, khát vọng vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng là những yếu tố thúc đẩy cho phong trào ngày càng phát triển.
Song việc triển khai phong trào cũng còn những khó khăn, ảnh hưởng nhất định: Đoàn viên, thanh niên chưa hình thành được tư duy, còn mơ hồ về phương thức, mô hình khởi nghiệp; các ý tưởng khởi nghiệp chưa có sự đột phá mang tính sáng tạo, chủ yếu tập trung phát triển kinh tế thông qua trồng trọt, chăn nuôi; dự kiến triển khai hầu hết là thủ công; chưa quan tâm đến các sản phẩm truyền thống, các mô hình có giá trị ứng dụng khoa học, kỹ thuật - công nghệ, các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch trong quá trình lập nghiệp; chưa có ý chí vượt khó, thiếu tính liên kết, hợp tác trong xây dựng và triển khai thực hiện các mô hình khởi nghiệp.
Trước tình hình trên, Ban Thường vụ Huyện ủy đã quan tâm chỉ đạo Huyện đoàn tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh việc xây dựng, phát triển phong trào thanh niên khởi nghiệp đạt hiệu quả, cụ thể: Tổ chức Đoàn các cấp tăng cường tiếp cận đúng, đầy đủ, sâu kỹ phong trào thanh niên khởi nghiệp; qua đó, chuyển tải đến đoàn viên, thanh niên bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, các mô hình kinh tế hiệu quả tại địa phương, tổ chức tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả ở các địa phương trong và ngoài tỉnh; tổ chức các diễn đàn, tọa đàm chuyên đề về khởi nghiệp... Đồng thời, khuyến khích, động viên đoàn viên, thanh niên có ý chí vượt khó, vươn lên lập nghiệp. Xác định đầy đủ hướng khởi nghiệp trên các lĩnh vực như: trồng trọt, chăn nuôi, thương mại, dịch vụ, du lịch, tiểu thủ công nghiệp, ý tưởng...Trong đó, tập trung hướng đoàn viên, thanh niên chú trọng vào sản phẩm lợi thế, sản phẩm truyền thống của địa phương. Xác định, lựa chọn triển khai mô hình khởi nghiệp phải phù hợp với xuất phát điểm, điều kiện cụ thể, sở trường, đam mê của đoàn viên, thanh niên. Chú trọng xây dựng các mô hình liên kết, hợp tác giữa các đoàn viên, thanh niên trong quá trình khởi nghiệp. Nghiên cứu gắn khởi nghiệp với hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm làng nghề truyền thống của địa phương như: gốm, bánh tráng... sản phẩm chăn nuôi như: bò, dê... Chủ động rà soát, kết nối với các đoàn viên, thanh niên được đào tạo về chuyên môn, ngành nghề như: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản... để cùng nhau sáng tạo ra các sản phẩm mới lạ, độc đáo, có hiệu quả kinh tế cao. Tăng cường phối hợp, liên kết các ngành, đơn vị kinh tế có điều kiện để tiếp cận, hỗ trợ, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho mô hình khởi nghiệp của thanh niên.
Hiệu quả của phong trào thanh niên khởi nghiệp không chỉ giúp bản thân đoàn viên, thanh niên có việc làm ổm định, tăng thu nhập, vươn lên làm giàu chính đáng mà còn góp phần xây dựng, nâng cao vị thế của tổ chức Đoàn trong hệ thống chính trị; khẳng định vai trò của đoàn viên, thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa./.