Bắc Bình tăng cường lãnh đạo ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp

        Thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy luôn quan tâm chỉ đạo UBND huyện và các ngành, các cấp trong huyện kịp thời cụ thể hóa Nghị quyết số 14-NQ/HU, ngày 03/5/2019 về lãnh đạo ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Bắc Bình đến năm 2025 và ban hành các văn bản cần thiết để chỉ đạo thực hiện. Quá trình thực hiện Ban Thường vụ Huyện ủy có chú ý gắn kết với các kế hoạch chỉ đạo trên lĩnh vực nông nghiệp, ban hành kế hoạch kiểm tra đôn đốc việc tổ chức thực hiện; các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn đã tích cực bám sát triển khai thực hiện nhiệm vụ có nhiều kết quả chuyển biến tích cực. Cơ cấu ngành chuyển biến tích cực nhất là cây trồng, vật nuôi có lợi thế theo hướng nâng cao về chất lượng, hiệu quả. Công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật, mô hình khuyến nông được chú trọng triển khai; các mô hình liên kết sản xuất, ứng dụng công nghệ cao tiếp tục phát triển; mô hình sản xuất có hiệu quả được quan tâm nhân rộng; công tác quản lý chất lượng sản phẩm nông, lâm thủy sản được tăng cường. Từng bước hình thành các nhóm sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản chủ lực, lợi thế gắn với vùng sản xuất hàng hoá tập trung, nâng dần chất lượng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đời sống của đại bộ phận nông dân được nâng lên rõ rệt; các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp nông thôn được quan tâm tập trung đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn.

Mô hình trồng rau sạch tại thị trấn Lương Sơn

        Trong 03 năm đã triển khai hơn 15 mô hình khuyến nông trên 18 xã, thị trấn; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất được 65 lớp với hơn 2.300 lượt nông dân tham dự, trồng sen-lúa, Mô hình nuôi gà sinh học kết hợp đệm lót sinh học, mô hình nuôi lươn thương phẩm không bùn, cải tạo giống bò theo hướng chuyên thịt bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo; Mô hình phát triển cây trồng cạn thích ứng với biến đổi khí hậu. Đề xuất UBND tỉnh thành lập vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Quyết định số 2059/QĐ-UBND, ngày 10/8/2018 với diện tích hơn 2.155 ha tại vùng động cát thuộc các xã Hòa Thắng, Bình Tân, Sông Lũy và thị trấn Lương Sơn. Hình thành một số vùng sản xuất tập trung như: vùng cây thanh long 2.500 ha ở Phan Rí Thành, Hồng Thái; vùng cây ăn quả (xoài, bưởi) 2.218 ha tập trung ở các xã Sông Bình, Sông Lũy, Bình An, Bình Tân; vùng sản xuất lúa ổn định hơn 11.000 ha.

        Đất trồng lúa tiếp tục sử dụng linh hoạt hiệu quả, chỉ đạo thời vụ sản xuất kịp thời, hợp lý, tăng cường đầu tư thâm canh chọn giống mới, tổng sản lượng lương thực hàng năm thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Từ năm 2019 đến nay việc triển khai, thực hiện chuyển đổi giống lúa mới (Đài thơm 8, ST24, ST25, An Sinh 1399, OM 5451, OM84, OM406,…), ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật gắn với liên kết chuỗi giá trị được hình thành, cụ thể lượng giống gieo sạ từ 120kg -200 kg/ha (giảm 50 kg -100kg/ha); một số hộ nông dân, HTX/NN  ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất như: ICM, IPM, Nông - Lộ - Phơi... thường xuyên hơn, đặc biệt một số HTX/NN đã liên kết với tập đoàn Công ty Lộc Trời trình diễn phun thuốc bằng máy bay không người lái.

         Diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện đạt 6.083 ha, trong đó: cây thanh long 3.780 ha, cây ăn quả khác (xoài, mít, cam, bưởi, dừa,…) 2.303 ha. Các diện tích cây ăn quả trên chủ yếu chuyển đổi, mở rộng từ các diện tích đất kém hiệu quả (đất sỏi, đá, đất cát bạc màu, vùng sản xuất cây màu không hiệu quả…) và được sử dụng hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt... Diện tích cây trồng (lúa, cây ăn quả, nấm, dược liệu ...) thực hiện ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật với diện tích là 5.118 ha (lúa, nếp 135 ha; cây ăn quả 4.900 ha; nấm, cây dược liệu: 35 ha, …).

         Các sản phẩm đạt OCOP trong năm 2020 trên địa bàn huyện gồm: nước ép thanh long Phúc Hà (4 sao), tinh dầu bạc hà (3 sao), Xoài (3 sao), Thanh long ruột trắng (3 sao); dự kiến các sản phẩm trình hội đồng OCOP huyện, tỉnh xếp loại phân hạng trong thời gian đến gồm: nước mắm (HTX Bình Thiện - Hòa Thắng), Yến sào (Thái An - Hồng Thái), Bò một nắng (Phan Hòa), rượu vang thanh long An Khang (Chợ Lầu), Dưa lưới (Hồng Phong), Mít siêu sạch (Phan Lâm).

        Chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại nuôi tập trung công nghiệp phát triển mạnh, đã phát triển mới trên 2.000 gia trại. Công tác chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi cũng được các ngành chú trọng quan tâm như: Ứng dụng hệ thống điều khiển tự động cho ăn, cho uống, hệ thống điều hòa nhiệt độ trong chăn nuôi trang trại, sử dụng thức ăn tổng hợp trong chăn nuôi để tăng năng suất, chất lượng thịt, trứng đáp ứng nhu cầu thị trường, rút ngắn thời gian chăn nuôi. Tỉ lệ lai tạo các giống bò, dê mới cho năng suất, chất lượng cao... đạt trên 90% do triển khai công tác chọn lọc giống, phối giống thụ tinh nhân tạo. Công tác phòng ngừa dịch bệnh trong chăn nuôi được người dân chú trọng quan tâm. Hàng năm triển khai, thực hiện các Chương trình, mô hình khuyến nông, hỗ trợ chăn nuôi nông hộ...các giống Bò chất lượng cao như Bò Brahman, Bò 3B, Bò Droughmaster (bò Úc)….Các giống Dê Bách Thảo, Dê Boer (dòng dê thịt) đã được nuôi và sử dụng lai tạo để nâng cao chất lượng đàn Bò, đàn Dê trên địa bàn huyện.

         Trong lĩnh vực lâm nghiệp: Hình thành mạng lưới sản xuất và cung ứng giống cây lâm nghiệp theo hướng xã hội hoá với nhiều thành phần kinh tế tham gia dưới sự quản lý, giám sát chặt chẽ về chất lượng của các cơ quan quản lý nhà nước; ưu tiên ứng dụng khoa học kỹ thuật như: cấy mô, giâm hom...trong công tác chọn tạo giống từ các loài cây trồng chủ lực (keo, bạch đàn...) để đưa vào trồng rừng tập trung đảm bảo chất lượng. Đưa ứng dụng tiến bộ khoa học trong khâu giống: tổ chức chăm sóc cây đầu dòng để cung ứng giống tại Ban QLRPH Lê Hồng Phong. Trồng rừng hàng năm đạt trên 1000 ha, đảm bảo độ che phủ. Thực hiện ứng dụng công nghệ viễn thám trong quản lý, giám sát tài nguyên rừng.

         Về nuôi trồng thủy sản: diện tích nuôi tôm nước lợ: 84,16 ha, sản lượng: 2.671 tấn; diện tích nuôi cá nước ngọt: 6 ha, sản lượng: 661,3 tấn. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng nuôi trồng thủy sản gắn với liên kết chuỗi giá trị được các hộ dân quan tâm hơn, cụ thể việc ứng dụng công nghệ nano cung cấp khí đáy, kết hợp với sử dụng chế phẩm sinh học trong môi trường nuôi trồng làm tăng năng suất lên từ 18 - 20 tấn/ha, qua đó cải thiện thu nhập cho nông dân.

         Việc triển khai các chương trình khuyến nông hàng năm được huyện ủy, UBND huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị nông, lâm, thủy sản. Chỉ đạo triển khai công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư theo hướng tập trung, trọng tâm, trọng điểm. Trong đó chú ý chuyển giao, nhân rộng các mô hình sản xuất ở các xã, thị trấn, trong 03 năm đã triển khai hơn 15 mô hình khuyến nông trên 18 xã, thị trấn; tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất được 65 lớp với hơn 2.300 lượt nông dân tham dự (điển hình như: Mô hình xã hội hóa giống lúa; trồng cỏ VA06, thụ tinh nhân tạo bò 3B, trồng bưởi da xanh, mô hình sản xuất các giống lúa mới (Đài thơm 8, ST24, N25, các giống lúa OM...), trồng sen-lúa, Mô hình nuôi gà sinh học kết hợp đệm lót sinh học, mô hình nuôi lươn thương phẩm không bùn, cải tạo giống bò theo hướng chuyên thịt bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo; Mô hình phát triển cây trồng cạn thích ứng với biến đổi khí hậu...

        Việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thục sản phẩm được tăng cường thực hiện trong thời gian qua. Ngoài liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm trong sản xuất lúa, còn có hợp tác xã, trang trại trồng trọt thực hiện liên kết bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch với diện tích 1.500 ha với các cây trồng như: dưa lưới, xoài, mít không hạt, nho nhật, rau các loại...). Trang trại chăn nuôi theo hình thức công nghiệp, nuôi gia công gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm với công ty cổ phần CP Đồng Nai: 24 trại gia cầm với qui mô 1.030.000 con/năm; 07 trại heo với qui mô 46.800 con/năm; trên 6.000 gia trại chăn nuôi bò lai Sind, 3B, Brahman; toàn huyện có 325 cơ sở dẫn dụ và gây nuôi chim yến; nuôi trồng thủy sản: 35,5 ha nuôi tôm thẻ và 7 ha nuôi ốc hương ứng dụng công nghệ nano đáy.

         Tuy nhiên, Chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn chậm, sản xuất chưa gắn với liên kết chuỗi giá trị nên dẫn đến giá cả sản phẩm sau thu hoạch còn bấp bênh; Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi gắn với liên kết chuỗi giá trị, chủ yếu tập trung ở các trang trại, gia trại, hầu như các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa ứng dụng các tiến bộ khoa học vào trong chăn nuôi nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra dịch bệnh là rất cao; vẫn còn xảy ra các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng, nhất là tại vùng giáp ranh với các địa phương ngoài tỉnh làm thiệt hại cây rừng. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ gắn với liên kết chuỗi giá trị chưa phổ biến trong nhân dân, chỉ tập trung ở một số trang trại, doanh nghiệp.

         Để tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 14-NQ/HU, ngày 03/5/2019 của Huyện ủy (khóa XI) về lãnh đạo ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Bắc Bình đến năm 2025 và Kế hoạch số 98-KH/HU, ngày 15/12/2021 của Huyện ủy triển khai thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU, ngày 10/9/2021 của Tỉnh ủy (khóa XIV) về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao. Huyện ủy cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất về tính tất yếu và tầm quan trọng của thực hiện ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; tăng cường vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo các cấp ngành, địa phương, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xã hội nhằm tạo sức mạnh tổng hợp để tổ chức thực hiện. Cơ cấu lại ngành trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất tập trung; nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với liên kết chuỗi giá trị, đối với cây chủ lực và các loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao phù hợp điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng; thực hiện tốt chủ trương sử dụng linh hoạt, có hiệu quả diện tích đất lúa. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là đưa các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt đáp ứng được yêu cầu thị trường, giảm giá thành, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp, công nghiệp theo hình thức trang trại, gia trại, doanh nghiệp với quy mô phù hợp. Kêu gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, đặc biệt lĩnh vực nuôi thủy sản nước ngọt để phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên và nguồn nước thủy lợi của huyện nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp. Tập trung triển khai “Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” trên địa bàn huyện Bắc Bình. Thường xuyên quan tâm, xây dựng kế hoạch thực hiện “Mô hình hợp tác, liên kết sản xuất nông nghiệp, khuyến kích người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào trong sản xuất” tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh tham gia hợp tác, liên kết để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân một cách ổn định, phát triển bền vững./.


Các tin khác