Bắc Bình quan tâm ưu tiên thực hiện chính sách giáo dục, đào tạo cho con em các dân tộc thiểu số

       Huyện Bắc Bình hiện có 17 thành phần dân tộc thiểu số, với 11.501 hộ/48.099 khẩu (chiếm 36,30% dân số toàn huyện). Đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) cư trú rộng khắp trên địa bàn toàn huyện. Trong đó có 03 xã thuần đồng bào dân tộc Chăm; 02 xã có đông đồng bào dân tộc Nùng, Tày và người Hoa; 04 xã miền núi đồng bào dân tộc K’ho, Rắclay và một số đồng bào DTTS khác sống đan xen tại các xã trong huyện. Trong năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành nhất là cấp ủy, chính quyền địa phương đã huy động từ nhiều nguồn lực, nên mạng lưới trường lớp trong vùng đồng bào DTTS được mở rộng, nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

      Qua thống kê đến năm 2022, học sinh, sinh viên DTTS trên địa bàn huyện tiếp tục thụ hưởng các chính sách giáo dục của Trung ương, như: Nghị định số 06/2018/NĐ-CP; Nghị định số 116/2016/NĐ-CP. ..Ngoài ra, các chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì vẫn tiếp tục thực hiện theo Nghị định 76/2019/NĐ-CP ngày 08/10/2019 về  Cán bộ, giáo viên thuộc các Trường dân tộc nội trú được hưởng chế độ theo Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ…

       Cùng với việc triển khai thực hiện các chính sách của Trung ương, tỉnh, huyện Bắc Bình chỉ đạo triển khai kịp thời chính sách giáo dục đặc thù của địa phương nhằm tiếp tục thu hút học sinh, sinh viên DTTS ở các cấp học, bậc học đến trường cao hơn, như: Quyết định 35/2014/QĐ-UBND ngày 12/8/2014 về chế độ cho học sinh DTTS học nghề; Kế hoạch 1575/KH-UBND ngày 03/5/2017 về đẩy mạnh, phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 846/KH-UBND ngày 10/3/2017 về triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học vùng DTTS; Kế hoạch số 1475/KH-SGDĐT ngày 13/7/2020 của sở GD&ĐT về bồi dưỡng tiếng dân tộc Chăm và phương pháp giảng dạy cho cán bộ, giáo viên dạy tiếng Chăm cấp tiểu học. Đặc biệt, Nghị quyết số 04/2021/NQ-HĐND ngày 17/8/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận về Quy định chế độ hỗ trợ cho học sinh, sinh viên DTTS trên địa bàn tỉnh là một chính sách đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh các DTTS tăng thêm mức hỗ trợ để chi phí ăn, ở, học tập và sinh hoạt.

       Nhất là từ khi có Quyết định 3525/QĐ-UBND của Ủy ban nhân tỉnh, ngày 15/12/2021 về việc hỗ trợ kinh phí cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số theo Nghị quyết số 04/2021/NQ-HĐND đã kịp thời hỗ trợ học sinh DTTS từ Mầm non đến Trung học cơ sở; đồng thời, giải quyết kịp thời chế độ trợ cấp cho sinh viên là người dân tộc thiểu số theo Quyết địnhsố 09/2009/QĐ-UBND và Quyết định số 04/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh (nay là NQ 04).

       Huyện phối hợp với tỉnh xét tuyển cho 15 học sinh vào học tại Trường Cao đẳng nghề tỉnh (Hệ Trung cấp). Xét tuyển cho 77 học sinh vào lớp 6 Trường DTNT huyện năm học 2021-2022.

       Đặc biệt, huyện quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học ngày càng khang trang, từng bước đáp ứng yêu cầu dạy và học, đội ngũ giáo viên được chuẩn hoá, chất lượng dạy và học được nâng lên, đồng thời triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi để khuyến khích con em đồng bào dân tộc thiểu số đến trường như Nghị định số 49/2010/NĐ-CP, Quyết định số 566, Quyết định số 93/QĐ-UBND của UBND tỉnh,.... Từ đó tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số đến lớp mỗi năm đều tăng, sức thu hút ngày càng cao, kết quả lên lớp và tốt nghiệp đảm bảo yêu cầu, phát triển cân đối giữa số lượng và chất lượng. Được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận – Đoàn thể đã kịp thời vận động, hỗ trợ điện thoại thông minh để các em học sinh DTTS phục vụ học tập.

        Việc dạy song ngữ ở các đơn vị vẫn duy trì và phát huy tốt, học sinh rất có ý thức khi học tiếng mẹ đẻ, cha, mẹ học sinh đồng tình ủng hộ, tạo mọi điều kiện cho con em tham gia học tập. Toàn huyện có 5 đơn vị dạy song ngữ tiếng Việt và tiếng Chăm, gồm: Trường Phan Hòa 1, Phan Hoà 2, Phan Thanh 1, Phan Thanh 2 và Phan Hiệp với 2300 em/84 lớp học. Giáo viên nhiệt tình giảng dạy, thường xuyên hội họp trao đổi kinh nghiệm trong giảng dạy, nhiệt tình tham gia các đợt tập huấn, hội thảo về dạy tiếng dân tộc do trường, huyện và cấp trên tổ chức. Cuối năm học 2020- 2021, có 2291/2300 học sinh được đánh giá hoàn thành chương trình tiếng Chăm, đạt tỷ lệ 99,6%.

       Bên cạnh việc quan tâm bồi dưỡng học sinh, huyện còn chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, xây dựng đội ngũ giáo viên người dân tộc thiểu số, phát triển cả về số lượng và chất lượng ở các cấp học, nhờ đó chất lượng giáo viên là người dân tộc thiểu số được nâng lên, 100% giáo viên các cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông là người dân tộc thiểu số đạt chuẩn trở lên.

        Để triển khai thực hiện tốt hơn nữa chính sách giáo dục, đào tạo cho con em các DTTS, huyện Bắc Bình tiếp tục tập trung các nhiệm vụ, giải pháp như:

       Một là,thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Nghị quyết số 88/2019/QH14, Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 theo Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ;

       Hai là, chỉ đạo các ban, ngành và địa phương thực hiện tốt các chính sách cho học sinh, sinh viên DTTS theo các quy định hiện hành của Trung ương, của tỉnh, nhất là Nghị quyết số 04/2021/NQ-HĐND ngày 17/8/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định chế độ hỗ trợ cho học sinh, sinh viên DTTS trên địa bàn huyện.

       Ba là, rà soát các danh mục nghề đào tạo, tham mưu xây dựng chương trình giáo dục nghề nghiệp phù hợp với trình độ của người DTTS trên địa bàn huyện. Tăng cường phối hợp cung cấp thông tin thị trường lao động, đẩy mạnh và mở rộng tư vấn, hướng nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động ngườ DTTS.

       Bốn là, triển khai thực hiện Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong tình hình mới theo Quyết định số 402/QĐ-TTg, ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ, nhất là việc rà soát các chính sách liên quan về sử dụng hiệu quả nhân lực các dân tộc thiểu số đã qua đào tạo./.


Các tin khác