Kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án phát triển dân sinh, kinh tế, an sinh xã hội tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Trong thời gian qua, cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể từ huyện đến cơ sở luôn quan tâm công tác dân tộc và thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường vận động, tuyên truyền, động viên đồng bào DTTS tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, phát huy nội lực để phát triển kinh tế, cải thiện và nâng cao cuộc sống, đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước, quê hương.

      Bắc Bình là huyện miền núi nằm phía Bắc của tỉnh Bình Thuận, với tổng diện tích tự nhiên 186.882,03 ha. Toàn huyện có 18 đơn vị hành chính, gồm 16 xã và 02 thị trấn, có 17 thành phần dân tộc chung sống xen kẽ nhau. Dân số 33.428 hộ/130.876 khẩu, mật độ dân số khoảng 73 người/km; trong đó, dân số đồng bào Dân tộc thiểu số 11.070 hộ/48.500 khẩu, chiếm tỷ lệ 37,05% so với dân số toàn huyện.

      Căn cứ Quyết định số 718/QĐ-UBND ngày 27/3/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phân khai kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2020; Ủy  ban  nhân dân huyện Bắc Bình đã có Quyết định số 2213/QĐ-UBND ngày 18/5/2020 về việc phân khai kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm ngheo bền vững năm 2020 với hạng mục gồm:  Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng: 4.126 triệu đồng, trong đó: Công trình chuyển tiếp và thanh toán nợ 2.926 triệu đồng; Công trình mới: 03 công trình Kinh phí: 1.200 triệu; Duy tu bảo dưỡng: 01 công trình, kinh phí: 305 triệu đồng (duy tu sửa chữa nhà cộng đồng thôn Tiến Đạt, xã Phan Tiến). Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa với kinh phí 929 triệu đồng; gồm 04 xã Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Tiến, mỗi xã 260 triệu. Chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư theo Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Công trình Nhà sinh hoạt cộng đồng tại điểm dân cư tập trung Dốc Đá, xã Phan Lâm được phê duyệt tổng mức đầu tư 2.975 triệu đồng, công trình đã nghiệm thu đưa vào sử dụng.

      Thực hiện Quyết định số 05/2016/QĐ-UBND ngày 01/02/2016 của UBND tỉnh về chính sách đầu tư ứng trước. Phối hợp Trung tâm dịch vụ Miền núi và các xã vùng cao Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Tiến đăng ký danh sách đầu tư ứng trước trồng bắp lai, lúa nước năm 2020; tổng số hộ đăng ký: 93 hộ/192,4 ha, với tổng kinh phí đầu tư 1,332 tỷ đồng.

      UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS rà soát hộ thiếu đất, đến thời điểm hiện nay có: 1.462 hộ/1.411 ha. Đã giao cho Chủ rừng, các ngành liên quan và địa phương tìm quỹ đất, kiến nghị cấp trên xem xét đối với đất rừng nghèo kiệt, thu hồi đất cho thuê không hiệu quả để cấp cho đồng bào DTTS Đối với vùng ngập Hồ Sông Luỹ (02 xã Phan Sơn- Phan Lâm): UBND tỉnh đã có Quyết định số: 3656/QĐ-UBND ngày 07/12/2018 về việc điều chỉnh 03 loại rừng giai đoạn 2016-2025, để bố trí đất tái định canh với diện tích 315 ha khu vực Cà Tiếp; huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương triển khai hoàn chỉnh hồ sơ, công tác khai hoang để cấp đất cho dân 02 xã Phan Lâm, Phan Sơn và 60 ha khai hoang để cấp cho đồng bào dân tộc thiểu số xã Phan Hoà.

      Diện tích rừng được giao khoán quản lý, bảo vệ 27.003 ha rừng cho 679 hộ đồng bào dân tộc thiểu số; bình quân 39,7 ha rừng/hộ. Trong đó, Phan Sơn 168 hộ/6.626 ha, Phan Lâm 138 hộ/5.515 ha, Phan Tiến 125 hộ/4.946 ha, Phan Điền 173 hộ/6.916 ha, Phan Hòa 75 hộ/3.000 ha (tạo thêm việc làm, tăng thu nhập; bình quân gần 08 triệu đồng/hộ/năm, hỗ trợ chi trả đúng định kỳ theo quy định).

      Trong năm 2020 các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: luỹ kế đến nay có 05/09 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt xã Nông thôn mới; đánh giá theo tiêu chí mới giai đoạn 2017 -2020 đến nay các xã đạt được: Phan Hiệp đạt 18/19 tiêu chí, Phan Hòa đạt 18/19 tiêu chí, Hải Ninh đạt 16/19 tiêu chí; Phan Thanh đạt 15/19 tiêu chí, Sông Luỹ đạt 16/19; Phan Sơn đạt 6/19 tiêu chí; Phan Lâm đạt 9/19 tiêu chí; Phan Điền đạt 9/19 tiêu; Phan Tiến đạt 7/19 tiêu chí.

     Công tác chuyển đổi cây trồng, vật nuôi được các ngành tham mưu huyện quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện, các loại cây trồng được chú trọng đề xuất canh tác như: lúa, bắp, thanh long, mỳ, mè được đầu tư mở rộng diện tích canh tác; các vật nuôi chủ lực như: bò, dê, cừu được đầu tư phát triển về số lượng lẫn chất lượng. Thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất “bò cái sinh sản”: các xã theo chương trình 135 gồm Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Tiến, Sông Bình hỗ trợ 49 con, tổng trị giá là 927 triệu đồng; các xã ngoài chương trình 135, 30a gồm Phan Điền, Bình An hỗ trợ 28 con, tổng trị giá 411 triệu đồng. Ngoài ra, thực hiện Quyết định số 50/QĐ-TTg, ngày 04/9/2014 về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020 hỗ trợ 05 con bò đực giống mới (Braman, Angul) cho xã Phan Điền với tổng số tiền là 100 triệu đồng. Từ năm 2016 đến nay tổng số lượng đào tạo nghề là 2.197 người, giải quyết việc làm được 2.007 người.

     Hiện nay có 02/04 xã miền núi có chợ tập trung, các xã DTTS đã có đường bê tông nhựa liên thông đến trung tâm cụm xã nên hoạt động giao thương được thuận lợi; ngoài 02 chợ tập trung, UBND tỉnh đầu tư xây dựng 04 cửa hàng dịch vụ miền núi cho 04 xã vùng cao (Phan Điền, Phan Lâm, Phan Tiến, Phan Sơn) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua, bán trao đổi hàng hoá và hưởng lợi từ chính sách trợ cước, trợ giá của Chính phủ và chính sách đầu tư ứng trước của UBND tỉnh do Trung tâm dịch vụ miền núi thực hiện. UBND huyện phối hợp cùng Trung tâm dịch vụ miền núi tổ chức triển khai và cung cấp giống, vật tư, phân bón và kinh phí để đầu tư ứng trước cho đồng bào DTTS thuộc 04 xã miền núi. Trong vùng đồng bào dân tộc có 06 doanh nghiệp; ngoài ra nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm tiếp tục duy trì sản xuất như: Làng nghề gốm gọ thôn Bình Đức - xã Phan Hiệp hiện có khoảng 36 hộ/75 lao động tham gia sản xuất; thu nhập bình quân từ 3,0 - 3,8 triệu đồng/lao động/ tháng (sản phẩm tiêu thụ chủ yếu trên địa bàn tỉnh).

      Công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở vùng dân tộc và miền núi được quan tâm tăng cường, hàng năm Ban Thường vụ Huyện ủy triển khai Nghị quyết quốc phòng, an ninh; chỉ đạo thực hiện các Đề án về an ninh dân tộc, an ninh tôn giáo tại các xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung xây dựng Ban Chỉ huy quân sự, lực lượng Công an chính quy tại các xã dân tộc theo hướng vững mạnh toàn diện, duy trì thường xuyên tổ chức diễn tập chiến đấu trị an ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng lực lượng dân quân đảm bảo quân số theo yêu cầu của trên. Xây dựng và nâng chất lượng lãnh đạo của chi bộ Quân sự của các xã, phát triển đảng trong lực lượng dân quân, dự bị động viên. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ tại các xã; quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nhà làm việc cho Ban Chỉ huy quân sự xã và Công an xã; thành lập Đội dân phòng liên xã trong mô hình kết nghĩa giữa các xã giáp ranh Kinh - Chăm; triển khai chương trình giáo dục quốc phòng cho các đối tượng; xây dựng các mô hình tự quản, tự phòng trên lĩnh vực an ninh trật tự,... Các hoạt động công tác dân vận truyên truyền đặc biệt được tập trung cho các xã thuần đồng bào DTTS hằng năm.

     Những kết quả trên góp phần làm tình hình dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số chuyển biến khá toàn diện, đời sống của nhân dân được nâng lên rõ nét, hộ đói không còn, hộ nghèo giảm rõ rệt và nâng dần mức theo chuẩn mới, hộ khá, giàu chiếm tỷ lệ cao hơn trước; thay đổi được những tập quán du canh, du cư, đất đai sản xuất được ổn định, nắm bắt được các tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xoá đói, giảm nghèo ở địa phương. Kết cấu hạ tầng nông thôn được tập trung đầu tư, đã làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Văn hóa truyền thống của dân tộc được bảo tồn và phát huy, đời sống tinh thần được nâng lên. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững. Hệ thống chính trị được củng cố, đội ngũ cán bộ được quan tâm đào tạo, trẻ hóa, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị địa phương./.


Các tin khác