Chủ động, linh hoạt, kịp thời như tập trung chỉ đạo điều hành ra vụ sản xuất theo lịch thời vụ của tỉnh, huyện. Công tác chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục được chú trọng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Nhận thức về Chương trình xây dựng nông thôn mới trong cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên, giảm bớt tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới ở cơ sở. Bộ mặt nông thôn thay đổi đáng kể nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn, thủy lợi, kết cấu hạ tầng xã hội... Đời sống nhân dân đã được nâng lên rõ rệt. Cơ chế chính sách đồng bộ trong hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn mới tạo nên bước đột phá, thu hút được một lượng khá lớn nguồn lực đối ứng của địa phương, cộng đồng dân cư tham gia xây dựng và giúp người nông dân bớt đi gánh nặng trong việc đóng góp tiền của trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, tình trạng nắng hạn vụ Đông Xuân 2019-2020, mưa lũ trong tháng 9, 10 năm 2020 gây nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch đề ra; Mô hình liên kết sản xuất tuy có mở rộng nhưng chưa tương xứng với nhu cầu thực tiễn; Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng gặp nhiều khó khăn; Công tác tuyên truyền vận động xây dựng nông thôn mới tuy có tăng cường nhưng chưa thật rộng khắp và còn nhiều mặt hạn chế.
Để triển khai tốt nhiệm vụ trong năm 2021 của ngành nông nghiệp, tập trung các giải pháp thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tập trung chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi hiệu quả, quản lý chặt chẽ dịch bệnh gắn bảo vệ môi trường. Tích cực thu hút các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/HU, ngày 03/5/2019 của Huyện ủy về “Lãnh đạo ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đến năm 2025”. Chú trọng hình thành các vùng chuyên canh các sản phẩm lợi thế gắn với mô hình liên kết sản xuất; xây dựng, đăng ký thương hiệu, áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn thị trường nhằm tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm lợi thế, phấn đấu 50% xã có ít nhất 01 sản phẩm đạt OCOP. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, nâng cao hiệu quả trồng rừng, kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong giao khoán đất rừng, tập trung khoanh nuôi tái sinh phục hồi rừng; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, chống hoang mạc hóa, chống xâm thực vùng ven biển.