Các giải pháp khắc phục tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, chủ yếu tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động các nguồn quỹ, các nguồn hỗ trợ, thực hiện nhiều hoạt động, phong trào có ý nghĩa, tạo môi trường học tập lành mạnh, hứng thú với những điều kiện thuận lợi nhất cho các em học sinh có nguy cơ bỏ học cao. Để khắc phục tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, nhiều phong trào, mô hình của tập thể, cá nhân đã được hình thành, nhân rộng và hoạt động hiệu quả: phong trào “1-1” mỗi đảng viên giúp đỡ một em học sinh khó khăn của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai; mô hình “sách cũ trao tay” của Đoàn Trường THPT Bắc Bình; mô hình “Bạn giúp bạn”, “Nhóm học tập”, “Đôi bạn cùng tiến”, phong trào “Nghìn việc tốt” của các Liên đội trường học; mô hình khuyến học, khuyến tài của tộc họ Trần (Tsằn), Hoàng (Voòng, Huỳnh), xã Hải Ninh và tộc họ Pô-hào, xã Phan Hòa; mô hình “xe đạp cũ cho em” của tập thể Trường THCS Bắc Bình 3; mô hình “cơm trưa gắn kết yêu thương” của tập thể Trường TH và THCS Sơn Lâm; mô hình “góc ăn miễn phí cho em” của Trường THCS Bình Tân; bồi dưỡng miễn phí cho học sinh khó khăn chậm tiến bộ vào thứ 7 hàng tuần của cô Nguyễn Thị Thanh Phương - Trường TH Phan Rí Thành 2;…
Chú trọng đến công tác dạy và học, UBND huyện chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan chức năng tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các trường học, triển khai chỉ đạo tốt các hoạt động giảng dạy và giáo dục trong trường học, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh. Khai thác, sử dụng các phương tiện, đồ dùng dạy học đã được trang bị, phối hợp các hình thức tổ chức dạy và học thích hợp theo định hướng phát huy tư duy tích cực, chủ động của học sinh để không ngừng nâng cao hiệu quả giờ dạy, thực hiện tốt mục tiêu, kế hoạch giảng dạy. Tăng cường các hoạt động trải nghiệm, rèn kỹ năng sống cho học sinh; đẩy mạnh các hoạt động giáo dục ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp, tạo điều kiện cho học sinh được tham gia các hoạt động theo sở thích - tâm lý, phù hợp theo từng lứa tuổi học sinh. Thực hiện tốt công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, huy động thanh thiếu niên trong độ tuổi được đi học, tổ chức giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật, giáo dục học sinh cá biệt. Các trường học được đầu tư đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đảm bảo học sinh tiểu học được học 02 buổi/ngày; tăng tỷ lệ trường chuẩn quốc gia theo lộ trình. Trong 5 năm qua, các cơ sở trường lớp được quan tâm đầu tư xây dựng, tu sửa: Trường Mầm Non 19/5 - xã Hải Ninh cải tạo trường, lớp, sân vườn, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi với tổng kinh phí là 289.000.000 đồng; Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai qua 05 năm (2015-2020) đã đầu tư xây dựng, tu sửa cơ sở trường lớp tổng kinh phí 2.730.705.154 đồng; Trường THPT Bắc Bình huy động nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng hồ bơi cho học sinh trong khu thể chất của đơn vị, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh của trường được học tập tại chỗ;…
Bên cạnh đó, để khuyến khích tinh thần học tập của các em, hằng năm, UBND huyện tổ chức tuyên dương, khen thưởng học sinh giỏi trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi toàn huyện, tỉnh, khu vực, toàn quốc; tuyên dương học sinh nghèo vượt khó học tập, học sinh có thành tích xuất sắc đặc biệt. Các địa phương, đơn vị huyện xây dựng các quỹ và trao nhiều phần quà, suất học bổng cho các em học sinh: Huyện đoàn tổ chức vận động 1011 suất quà, 335 chiếc xe đạp, 50 thẻ Bảo hiểm Y tế, 920 suất học bổng trị giá 510.000.000 đồng cho học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn, biết vươn lên trong học tập; quan tâm, chỉ đạo thực hiện chương trình trao học bổng “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Bắc Bình”, gây quỹ được 174.700.000 đồng và kinh phí được dùng trao học bổng cho các em có hoàn cảnh khó khăn trong từng năm học. Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai trong 5 năm nhà trường đã vận động và trao 875 suất học bổng, trị giá 1.005.000.000 đồng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; Trường THPT Bắc Bình vận động các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân xây dựng quỹ học bổng để hỗ trợ, động viên, khuyến khích các em học sinh vượt khó học tập được trên 200 suất học bổng với trị giá hơn 100 triệu đồng. Quỹ khuyến học của huyện giai đoạn 2015 - 2020 đã trao tặng học bổng toàn huyện được 2.076 suất với tổng số tiền là 3.144.440.000; hỗ trợ học sinh nghèo 36.116 với tổng số tiền 8.333.982.759 khen thưởng học sinh 9.163 suất với tổng số tiền 1.093.266.710. Đặc biệt, trong 05 năm qua, lũy kế thực hiện cuộc vận động “Tiếp bước trẻ em đến trường” ở hai cấp huyện và cơ sở với tổng trị giá cả tiền và hiện vật là trên 19,2 tỷ đồng, đã chi trên 17,485 tỷ đồng hỗ trợ kịp thời cho học sinh và sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ bỏ học. Riêng cấp huyện đã vận động ủng hộ được trên 4,772 tỷ đồng, chi 1,325 suất học bổng cho học sinh nghèo hiếu học. Bên cạnh đó, Hội khuyến học các cấp còn quan tâm đến việc vận động mạnh thường quân hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, hỗ trợ sách vở, tặng xe đạp,…giúp đỡ các em nghèo có hoàn cảnh khó khăn có động lực tiếp tục học tốt.
Với những giải pháp thiết thực ấy, có thể thấy, tỷ lệ học sinh bỏ học qua các năm đều giảm dần, năm học 2015 - 2016 cấp tiểu học là 0,05%, THCS 2,35%, THPT 1,89% thì đến gần cuối năm học 2019 -2020 cấp tiểu học là 0,02%, THCS 1,45%, THPT 0,44%. Từ đó, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng đối với tình trạng học sinh bỏ học. Các gia đình đã quan tâm, tập trung đầu tư việc học tập của con em mình, các gia đình đã phối hợp với nhà trường và toàn xã hội thực hiện công tác giáo dục tại địa phương, góp phần làm giảm tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng./.