Thứ nhất, quy chế phối hợp công tác dân vận của hệ thống chính trị được các cấp, các ngành quán triệt và nhận thức sâu sắc hơn. Từ đó, hệ thống chính trị các cấp đã triển khai, thực hiện công tác dân vận khá toàn diện: Những chủ trương, chính sách về công tác dân vận, về đại đoàn kết dân tộc, về xây dựng giai cấp công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, về tôn giáo, dân tộc, người Việt Nam ở nước ngoài,... được triển khai thực hiện ngày càng sâu rộng trong các giới tầng và đời sống nhân dân; đặc biệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) “về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Quyết định 217, 218 của Bộ chính trị (khóa XI) về “ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”, “ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”, đã được triển khai, thực hiện là cơ sở, nâng nhận thức sâu sắc, toàn diện hơn, tác động tích cực trong quá trình lãnh, chỉ đạo của cấp ủy Đảng và phối hợp thực hiện của chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp.
Thứ hai, công tác dân vận ngày càng đi vào chiều sâu trong đời sống của đại bộ phận Nhân dân, thông qua việc thực hiện các chính sách chăm lo, nâng cao đời sống mọi mặt cho Nhân dân, dân chủ được mở rộng, mang lại quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền làm chủ của Nhân dân; những nhiệm vụ chính trị được gắn chặt với triển khai công tác dân vận; hầu hết các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được Mặt trận, đoàn thể cụ thể hóa thành phong trào hành động, thi đua của từng tổ chức, đã đến với các đối tượng, giai cấp, tầng lớp Nhân dân, được cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân đồng tình ủng hộ, tích cực tham gia thực hiện, nhiều mô hình, điển hình “dân vận khéo” trên các lĩnh vực được xây dựng và nhân rộng, nét nổi bật là huy động sức dân trong đầu tư phát triển giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh,… góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Thứ ba, các lực lượng làm công tác dân vận đã có nhiều nỗ lực, đổi mới, sáng tạo về nội dung, phương thức hoạt động; qua đó đã nâng chất lượng, hiệu quả thiết thực, hướng mạnh hơn đến cơ sở; tập hợp ngày càng đông đảo các tầng lớp Nhân dân vào tổ chức, tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; bước đầu đã thực hiện tốt hơn vai trò giám sát, phản biện xã hội. Công tác dân vận của chính quyền có nhiều chuyển biến tích cực: Cải cách thủ tục hành chính ngày càng được đẩy mạnh, chất lượng công vụ từng bước nâng lên, những kiến nghị, bức xúc trong Nhân dân được quan tâm giải quyết. Công tác dân vận của các lực lượng vũ trang ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả. Việc triển khai Quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở được thực hiện sâu rộng, dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy.
Thứ tư, tổ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ngày càng được củng cố, từng bước nâng về chất lượng, chú trọng đào tạo, tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; bước đầu xây dựng và phát huy kết quả hoạt động của Tổ dân vận ở từng thôn – khu phố. Hoạt động của hệ thống dân vận có nhiều đổi mới thiết thực, chủ động, hiệu quả trong công tác tham mưu; sự phối hợp giữa các lực lượng trong triển khai thực hiện công tác dân vận chặt chẽ, đồng bộ và hiệu quả hơn.
Những đổi mới trên đã tác động tích cực trong tăng cường công tác xây dựng Đảng, đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa tổ chức Đảng với Nhân dân, lòng tin của Nhân dân vào Đảng, vào chế độ được giữ vững; góp phần để cơ chế “Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - Nhân dân làm chủ” ngày càng được thực thi rõ hơn, các mặt kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh huyện Bắc Bình tiếp tục giữ vững và phát triển.
Để nâng cao hơn nữa công tác dân vận và xây dựng các mô hình dân vận khéo trong nhiệm kỳ tới, huyện Bắc Bình tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau
Một là, tăng cường quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận, về đại đoàn kết toàn dân tộc; công tác dân vận là một bộ phận quan trọng của công tác xây dựng Đảng, là một trong những nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng. Quá trình thực hiện phải gắn chặt với thực hiện công tác xây dựng Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, đồng thời với đẩy mạnh thực hiện việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; triển khai sâu rộng Quy chế dân chủ ở các lại hình cơ sở, các hình thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp; tăng cường lãnh đạo, tổ chức hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội theo Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị (khóa XI).
Hai là, bám chắc quan điểm: Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; trong đó, cấp ủy Đảng lãnh đạo, chính quyền có vai trò chủ yếu, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân có vai trò quan trọng; chăm lo xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở thật sự trong sạch, vững mạnh; thực hiện tốt quy chế phối hợp công tác dân vận của hệ thống chính trị. Theo đó, việc ban hành nghị quyết, chỉ thị về công tác dân vận phải xuất phát từ tình hình thực tế của địa phương, từ đời sống của Nhân dân, bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả; trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, phối hợp thực hiện phải bám sát tinh thần nghị quyết, hướng về cơ sở, phù hợp với thực tế, đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong xử lý công việc, kịp thời xử lý, tháo gỡ những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong Nhân dân; tăng cường đổi mới và mở rộng các hình thức tập hợp, chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc và động viên Nhân dân tích cực thực hiện các phong trào thi đua yêu nước. Xây dựng lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, để mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa Đảng và Nhân dân ngày càng bền chặt hơn, trở thành động lực thúc đẩy xã hội phát triển.
Ba là, thực hiện tốt lời chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, để đẩy mạnh phong trào thi đua "Dân vận khéo". Quá trình thực hiện nhiệm vụ “Dân vận khéo” đòi hỏi phải thực sự thực hành dân chủ, kỷ cương, công khai và trách nhiệm; triển khai, thực hiện thật tốt những nội dung“dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”, bởi Dân chủ là phương pháp cơ bản của dân vận và công khai minh bạch, là một trong những điều kiện cần của dân vận – Và để có dân chủ rộng rãi, thật thà, thực sự, thì dân chủ trong Đảng phải đi trước dân chủ ngoài xã hội, cả hai mặt phải được kết hợp lẫn nhau; đồng thời Dân chủ phải gắn liền với kỷ cương. Dân vận khéo trong xã hội dân chủ là một điều khó khăn chứ không dễ dàng, “không phải chỉ nói suông”, do đó mỗi cán bộ, công chức trong thi hành nhiệm vụ được giao cần có kế hoạch cụ thể, chu đáo, sẵn sàng, tránh bị động, thiếu sót và sai lầm - bởi Dân vận khéo không phải là vấn đề kỷ xảo, mà là quá trình gắn kết “ý Đảng - lòng dân”; với trách nhiệm cao nhất trước dân, cũng như tinh thần cộng đồng trách nhiệm chia sẻ khó khăn của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở.
Bốn là, phải thấu suốt “Công tác dân vận là một khoa học và nghệ thuật chứ không phải là kỷ xảo”. Song, để làm được điều đó, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải có đạo đức, năng lực, kỹ năng. Do đó, phải thực hiện tốt việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, xây dựng bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận vững mạnh, trong sạch; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể từ huyện đến cơ sở có quan điểm dân vận vững vàng, có phẩm chất đạo đức cách mạng, tận tâm, đủ lực để thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ được giao, hết lòng với công việc; có phong cách gần dân, hiểu dân, học dân, có thái độ dân chủ, tôn trọng Nhân dân, gương mẫu trước Nhân dân, theo phương châm: Đến với dân - nghe dân nói - nói dân hiểu - hiểu dân làm - làm dân tin.
Chỉ khi quán triệt sâu sắc, đầy đủ ý nghĩa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quan điểm, nhiệm vụ công tác dân vận của Đảng và các bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn 5 năm qua; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác dân vận, đẩy mạnh khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, huyện Bắc Bình sẽ tạo ra sự chuyển biến tích cực trong công tác dân vận, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ XI./.