Bắc Bình: Nhìn lại 17 năm xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở

Bắc Bình là một huyện dân tộc miền núi, có 02 thị trấn và 16 xã; với 76 thôn, khu phố, 176 cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp; dân số 121.800 khẩu/24.185 hộ, với 18 dân tộc anh em cùng chung sống. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng dưới sự lãnh, chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, sự điều hành của UBND huyện, quy chế thực hiện dân chủ cơ sở được mở rộng; qua đó, đẩy mạnh triển khai các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, rộng khắp ở các cơ quan, ban, ngành, địa phương; góp phần đưa kinh tế tiếp tục giữ vững và có sự tăng trưởng khá, văn hoá xã hội có bước phát triển tốt, tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện ổn định. 

        Từ khi Bộ Chính trị (khoáVIII) ban hành Chỉ thị 30-CT/TW, ngày 18/02/1998 về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đến nay đã được 17 năm. Qua quá trình triển khai thực hiện các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể đều quán triệt thấu đáo và nhận thức sâu sắc, thấy rõ vai trò trách nhiệm của mình trong việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, từ đó quan tâm tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân và được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng. Các cấp, các ngành đã kịp thời cụ thể hóa triển khai thực hiện, xây dựng kế hoạch hướng dẫn theo trình tự; tất cả cấp ủy đảng đều thành lập Ban chỉ đạo và có chương trình thực hiện; chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể, cơ quan, đơn vị đều có chương trình, kế hoạch thực hiên, các thôn, khu phố đều xây dựng quy ước để thực hiện dân chủ ở cơ sở. Quá trình thực hiện luôn thường xuyên rà soát củng cố, bổ sung thành viên Ban chỉ đạo khi thay đổi nhân sự và rà soát bổ sung quy chế làm việc phù hợp tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, đã thành lập 12 tổ, kiểm tra 40 lượt đơn vị (trong đó xã thị trấn 23 lượt, cơ quan 17 lượt) nhằm để chấn chỉnh và giúp cơ sở thực hiện tốt hơn việc thực hiện quy chế dân chủ. Hàng năm đều tổ chức tổng kết, đánh giá công tác thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. 
        Việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã tạo được niềm tin trong nhân dân và cán bộ, công nhân viên chức phát huy được ý thức làm chủ, chủ động được thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự xã hội, từng bước khắc phục khó khăn, xóa đói giảm nghèo, nhiều cuộc vận động, nhiều phong trào thi đua được hưởng ứng tích cực mang lại kết quả cao như: phong trào thi đua chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới, làm giao thông nông thôn, xây dựng đời sống văn hóa ở từng địa bàn dân cư, đến nay toàn huyện đạt 195 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (bình quân đạt 12,19 tiêu chí/xã); xây dựng 154 công trình giao thông nông thôn, trong đó nhân dân đóng góp 7.765.837.000đ .
Bên cạnh đó, nhân dân đã tích cực thực hiện dân chủ trong tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền, định kỳ trong các cuộc bầu cử Trưởng thôn, khu phố, nhân dân đã thể hiện quyền dân chủ của mình trong việc lựa chọn, bầu cử 76 trưởng thôn, khu phố và 43 phó trưởng thôn - khu phố là những người có năng lực, nhiệt tình để đại diện cho nhân dân. Đến nay toàn huyện có 75 Tổ hoà giải cơ sở với 521 thành viên, thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở đã hòa giải thành thuộc thẩm quyền (đạt 70%).
        Các cấp chính quyền đổi mới phong cách làm việc theo hướng gần dân, sát với nhiệm vụ chính trị, chăm lo quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân, giải quyết kịp thời các vướng mắc của nhân dân. Đội ngũ cán bộ cơ sở luôn gắn bó và có trách nhiệm với dân hơn, tình cảm giữa Đảng, chính quyền và nhân dân được gắn kết.        
        Công khai các thủ tục hành chính theo quy định và duy trì lịch tiếp dân định kỳ. Giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và những vấn đề bức xúc trong dân được chú ý; đã tiếp nhận 3145 đơn thư, trong đó đã giải quyết 1863 - đạt 59,23% (tính từ năm 2010 đến nay). Các chính sách, chế độ liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ, người lao động được thực hiện bảo đảm, quan tâm chăm lo điều kiện vật chất, tinh thần, góp phần nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ, người lao động và quần chúng nhân dân. 
Mặt trận, các đoàn thể luôn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tuyên truyền; mối quan hệ giữa Mặt trận, các đoàn thể với chính quyền được tăng cường; quyền và nghĩa vụ công dân được thực hiện tốt hơn; vai trò tự quản của cộng đồng dân cư ngày càng phát huy hiệu quả; vận động có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua; tham gia giám sát hoạt động của chính quyền, góp phần quan trọng trong xây dựng và củng cố hệ thống chính trị vững mạnh.
        Song, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế cần quan tâm khắc phục: Cấp uỷ một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thật sự quan tâm đúng mức công tác chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; chưa kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên để đánh giá kết quả thực hiện ở địa phương, đơn vị mình. Trách nhiệm của chính quyền, thủ trưởng ở một số cơ quan, đơn vị trong thực hiện quy chế dân chủ chưa cao, còn cho đó là công việc của cấp ủy, của Ban chỉ đạo, trách nhiệm của từng thành viên trong Ban chỉ đạo ở cơ sở chưa thật sự bám địa bàn được phân công để kịp thời đôn đốc nhắc nhở việc thực hiện quy chế dân chủ. Mặt trận, các tổ chức đoàn thể ở một số cơ sở chưa thực hiện tốt chức năng giám sát của mình đối với chính quyền trong việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Việc rà soát, bổ sung quy ước, hương ước thực hiện dân chủ ở cộng đồng dân cư theo Pháp lệnh 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn còn có thôn, khu phố chưa quan chú trọng đúng mức, chưa gắn kết chặt chẽ với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở”, tính cộng đồng trách nhiệm chưa được phát huy đầy đủ. Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ một số nơi sinh hoạt không đều, chưa duy trì giao ban đúng định kỳ; vai trò của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng trong hoạt động giám sát còn hạn chế, lúng túng.
        Việc triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở cần được tiếp tục tập trung chỉ đạo nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển toàn diện của địa phương trong những năm tiếp theo./.


Các tin khác