Thứ nhất, hệ thống dân vận, từ huyện đến cơ sở đã tham mưu cho cấp ủy các cấp lãnh đạo thực hiện toàn diện các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết về công tác dân vận như: các Nghị quyết số 23, 24, 25 Hội nghị Trung ương 7 (khóa IX) “Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, “Về công tác dân tộc”, “Về công tác tôn giáo”; các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 và Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam, về công tác thanh niên, về đội ngũ trí thức và về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đặc biệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Quyết định 217, 218 của Bộ chính trị (khóa XI) về “ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”, “ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” v.v.
Thứ hai, công tác dân vận của các cấp chính quyền có nhiều chuyển biến. Đã chú trọng đến công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật cho Nhân dân, chăm lo thiết thực đời sống mọi mặt của Nhân dân. Triển khai thực hiện “Quy chế Dân chủ ở cơ sở” ở các loại hình cơ sở; cải cách thủ tục hành chính ngày càng được đẩy mạnh, những kiến nghị, bức xúc trong Nhân dân được quan tâm giải quyết; công tác dân vận của các lực lượng vũ trang ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, hiệu quả.
Thứ ba, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các lực lượng làm công tác vận động quần chúng có nhiều đổi mới, sáng tạo về nội dung, phương thức hoạt động; chất lượng, hiệu quả hoạt động được nâng cao, hướng mạnh hơn về cơ sở; quan tâm, chăm lo hơn nhu cầu, lợi ích chính đáng của đoàn viên, hội viên và quần chúng; ngày càng thể hiện tốt hơn vai trò giám sát, phản biện xã hội; tập hợp ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, qua đó đã xây dựng được nhiều mô hình, điển hình “dân vận khéo” trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị. Công tác dân tộc, tôn giáo,... cũng có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thứ tư, tổ chức, bộ máy và cán bộ làm công tác dân vận của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ngày càng được củng cố, tập huấn bồi dưỡng chuyê môn, nghiệp vụ, từng bước nâng về chất lượng, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Hoạt động của hệ thống dân vận có nhiều đổi mới, chủ động, thiết thực, hiệu quả trong công tác tham mưu; phối hợp tốt với các lực lượng, cơ quan, ban, ngành triển khai thực hiện công tác dân vận đồng bộ và hiệu quả hơn.
Những kết quả trên đã tác động tích cực để các mặt kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh tiếp tục phát triển và giữ vững, hệ thống chính trị được củng cố kiện toàn, hiệu quả hoạt động ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế, đó là: Nhận thức về công tác dân vận và triển khai thực hiện các phong trào thi đua vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức ở một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên; công tác triển khai, tổ chức thực hiện các phong trào dân vận ở một số địa phương, đơn vị chưa đồng bộ, chưa thường xuyên, sâu sát, chỉ đạo còn lúng túng; vai trò, trách nhiệm tham mưu, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra của một số Khối dân vận cơ sở chưa cao; sự phối hợp, kết hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể chưa thực sự chặt chẽ; việc chỉ đạo xây dựng mô hình, điển hình và tổng kết nhân rộng còn hạn chế; đổi mới nội dung, hình thức của không ít phong trào thi đua còn chậm; việc bình xét thi đua, biểu dương, khen thưởng chưa được chú ý đúng mức nên chưa tạo thành động lực thực sự thúc đẩy sự nỗ lực, phấn đấu của cán bộ, đảng viên, công chức và quần chúng nhân dân...
Những kết quả công tác dân vận năm 2014, có thể rút ra những kinh nghiệm sau:
Một là, bám sát tinh thần nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gắn chăm lo và bảo vệ lợi ích của nhân dân với động viên nhân dân tích cực thực hiện các phong trào thi đua yêu nước. Nội dung và phương thức vận động nhân dân phải phù hợp với tình hình, đặc điểm, lợi ích, trình độ và khả năng của mỗi người dân; phải kiên trì, tuyên truyền, vận động thuyết phục làm chuyển biến về nhận thức của từng giới tầng. Hoạt động dân vận phải đáp ứng các lợi ích thiết thực hợp pháp của người dân, đồng thời lắng nghe, tìm hiểu các nguyện vọng chính đáng của nhân dân để đề ra các hình thức dân vận vừa bảo đảm tính hiệu quả, vừa bảo đảm quyền lợi của dân, tạo động lực thúc đẩy phong trào trong dân.
Công tác dân vận là một khoa học và nghệ thuật, phải bằng nhiều hình thức và biện pháp để đưa đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước vào đông đảo quần chúng. Song, để làm được điều đó, đòi hỏi phải xuất phát từ thực tiễn tình hình điều kiện và đời sống nhân dân. Vì vậy, phải chú trọng tổng kết đánh giá kết quả thực hiện, xem đường lối, chủ trương, chính sách có đúng, phù hợp với lợi ích và nguyện vọng của nhân dân không, qua đó kịp thời kiến nghị điều chỉnh, bổ sung.
Hai là, quán triệt sâu kỹ và cụ thể hóa kịp thời các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận. Việc cụ thể hóa phải sát với điều kiện, tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị. Bảo đảm sự quan tâm lãnh đạo chặt chẽ của các cấp ủy, đồng thời có sự đổi mới nhận thức, tư duy về công tác dân vận hiện nay trong toàn bộ hệ thống chính trị, trước hết là trong các cơ quan chính quyền.
Ba là, thông qua hệ thống Mặt trận, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tập hợp nhân dân vào các hình thức hoạt động thích hợp với từng đối tượng; củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, để công tác dân vận ngày càng được triển khai sâu rộng trong các cấp, các ngành, các lĩnh vực và trong quần chúng nhân dân; đồng thời, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội... mà Đảng và Nhà nước đề ra.
Bốn là, công tác dân vận luôn phải gắn chặt với công tác xây dựng Đảng, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; đồng thời gắn với xây dựng chính quyền thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị (khóa XI).
Năm là, thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng, củng cố tổ chức, bộ máy, và tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác dân vận, gắn với không ngừng đổi mới phương thức, hình thức dân vận mới để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới.
“Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” - quán triệt sâu sắc, đầy đủ ý nghĩa lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bài học sâu sắc rút ra luôn luôn là kim chỉ nam để công tác dân vận của Đảng trở thành lực lượng vật chất to lớn góp phần phục vụ nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước, vì sự phát triển dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh./.