Bắc Bình: Kết quả 04 năm thực hiện đẩy mạnh phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn huyện

Trong những năm qua, kể từ khi Nghị quyết 03-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XII) về đẩy mạnh phát triển giao thông nông thôn, giai đoạn 2011 - 2015 đi vào triển khai thực hiện; phong trào làm giao thông nông thôn được đẩy mạnh đều khắp ở các địa bàn dân cư trên địa bàn huyện.

        Qua 04 năm triển khai thực hiện, trên toàn huyện đã kiên cố hóa được 50, 23km/71,54km đường bê tông, đạt 70,2%  kế hoạch đề ra trong lộ trình phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn huyện giai đoạn 2011 - 2015. Hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng 306 công trình, với tổng kinh phí 50.252 triệu đồng (làm đường giao thông: 48.735 triệu đồng; cầu: 1.517 triệu đồng); trong đó, nguồn vốn từ ngân sách tỉnh và huyện: 30.489 triệu đồng, huy động nhân dân đóng góp: 13.532 triệu đồng, các nguồn vốn khác: 6.229 triệu đồng. Cụ thể:
        Năm 2011: thi công và đưa vào sử dụng 05 công trình; tổng chiều dài 0,638 km; tổng vốn: 258 triệu đồng. Năm 2012: hoàn thành và đưa vào sử dụng 142 công trình (với 36 cống); tổng chiều dài 22,431 km; tổng vốn 22.243 triệu đồng; thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng công trình cầu Song Tho - Phan Sơn dài 20m; rộng 1,5m: vốn 217 triệu đồng. Năm 2013: hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng 88 công trình (với 10 cống); với tổng chiều dài 13,987 km; tổng vốn 12.465 triệu đồng. Năm 2014: hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng 71 công trình (với 9 cống); với tổng chiều dài 10,397 km; tổng vốn 9.865 triệu đồng. 
        Bên cạnh đó, còn có các công trình vốn do dân đóng góp 100%: công trình cầu Lương Đông dài 80m; vốn hơn 1,3 tỷ đồng thi công hoàn thành đầu năm 2012 và đưa vào khai thác sử dụng trong tháng 6/2012; thi công hoàn thành được 0,225 km đường; giá trị 152 triệu đồng. Ngoài ra, huyện đã huy động sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp nhà tài trợ đối với việc xây dựng các công trình là 14.281 triệu đồng.
        Có được kết quả trên là nhờ sự chỉ đạo kịp thời của Ban Thường vụ Huyện ủy, sự điều hành quyết liệt và chặt chẽ của lãnh đạo UBND huyện trong các khâu, các bước sát với thực tế tình hình từng địa phương. Bên cạnh đó phải nói đến sự hiệu quả của công tác tổ chức quán triệt tuyên truyền, phổ biến trong hệ thống chính trị từ các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể từ huyện đến xã. Qua đó nâng cao nhận thức một cách đầy đủ về mục tiêu, nhiệm vụ và ý nghĩa của việc phát triển hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn huyện giai đoạn 2011 - 2015; đồng thời tổ chức thực hiện với tinh thần quyết tâm cao, có trách nhiệm; với sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cơ quan chuyên môn, ban, ngành, đoàn thể của huyện với địa phương; quá trình triển khai đều thể hiện sự đồng tình cao của nhân dân trong thực hiện chủ trương và thực hiện tốt quy chế dân chủ trên địa bàn dân cư. 
        Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số khuyết điểm hạn chế như có nơi chưa thật sự làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nên sự tác động làm chuyển biến trong nhận thức và hành động chưa thật sự mạnh mẽ, đều khắp; một số xã còn trông chờ, ỷ lại nguồn vốn của Nhà nước đầu tư nên chưa có quyết tâm cao trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển giao thông nông thôn; huy động nội lực từ sức dân đóng góp còn thấp. Một số địa phương trong quá trình triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn: mặt bằng thu nhập của dân cư không đồng đều, một số tuyến đường giao thông nông thôn mật độ dân sinh sống chưa đông, tuyến đường rộng, khó khăn trong vận động giải tỏa mặt bằng hoặc chưa có nền đường cứng….
        Từ những kết quả cũng như hạn chế, khuyết điểm trên có thể rút ra được những bài học kinh nghiệm qua quá trình triển khai thực hiện: Cần chú trọng công tác tuyên truyền, quán triệt phổ biến sâu rộng, thường xuyên đến cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân bảo đảm về chiều sâu, đang dạng, phong phú về hình thức. Nâng cao ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị ở địa phương, có phân công cụ thể cho các tổ chức, cá nhân theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn và kiểm tra quá trình thực hiện.  Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vừa tuyên truyền, vận động vừa phải làm nòng cốt đi đầu trong việc hưởng ứng tham gia góp vốn, hiến đất làm giao thông nông thôn để quần chúng nhân dân noi gương làm theo. Thực hiện thật tốt quy chế dân chủ trong triển khai thực hiện xây dựng giao thông nông thôn; mọi công trình phải đảm bảo dân chủ, lấy ý kiến đồng thuận của nhân dân, cùng nhân dân bàn bạc quy mô, nguồn vốn, phương án triển khai xây dựng phù hợp với tập quán, điều kiện cụ thể và khả năng đóng góp thực tế của nhân dân ở từng thôn - khu phố, từng cụm dân cư; tùy từng nơi mà có phương án triển khai cho phù hợp và phải bảo đảm thực hiện theo đúng phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Quá trình thực hiện cần kịp thời tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm từng tuyến đường, từng thôn - khu phố và kịp thời điều chỉnh chương trình, kế hoạch cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương gắn với biểu dương khen thưởng, nhân rộng những điển hình tiêu biểu.
        Để đảm bảo đạt kết quả cao nhất trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XII) về đẩy mạnh phát triển giao thông nông thôn, giai đoạn 2011 – 2015; Ban Thường vụ Huyện ủy đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian đến: cần tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền sâu rộng trong hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và kết luận của từng địa phương về chủ trương làm đường giao thông nông thôn theo Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy và Chương trình hành động 05 của Huyện ủy. Các xã, thị trấn chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể tập trung kiểm tra, rà soát thực trạng hệ thống giao thông nông thôn tại các địa phương, xác định các tuyến đường nằm trong kế hoạch đủ các điều kiện thi công để đưa vào kế hoạch. Đẩy nhanh công tác triển khai thi công các danh mục công trình đã đăng ký trong kế hoạch năm 2015. Tập trung huy động mọi nguồn lực trong xã hội, lồng ghép với các chương trình, dự án khác để đẩy mạnh phát triển giao thông nông thôn; cân đối và phân bổ nguồn vốn hợp lý với kế hoạch hàng năm. Đặc biệt coi trọng vốn đóng góp 100% của các tổ chức, cá nhân để đẩy nhanh tiến độ; đồng thời gắn chặt với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chỉ thị số 34-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo đẩy mạnh phong trào thi đua trên các địa bàn thôn, khu phố và lãnh đạo phát động sâu rộng phong trào thi đua làm thủy lợi nhỏ. 
        Có thể nói với sự lãnh, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của các cấp lãnh đạo; sự nỗ lực, tinh thần đoàn kết của toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân chắc chắn huyện Bắc Bình sẽ đạt kết quả tốt nhất trong phong trào phát triển giao thông nông thôn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện và của tỉnh Bình Thuận./.

 


Các tin khác