Bắc Bình: “Dân vận khéo”: Kết quả và giải pháp

Công tác dân vận là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, trong đó phong trào thi đua “Dân vận khéo” là một trong những hoạt động trọng tâm của công tác dân vận. Ý thức được điều đó, trong 5 năm qua Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo việc triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển toàn diện của địa phương. 

        Những năm qua, phong trào thi đua “dân vận khéo" triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận trên tất cả các lĩnh vực, nổi bật là: 
        Trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương: phong trào thi đua “dân vận khéo"  được cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành trong huyện tập trung hướng về cơ sở, chỉ đạo việc chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, xem đây là tiền đề để giữ vững ổn định về chính trị. Theo đó, đã tập trung đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất phát triển kinh tế - xã hội; chăm lo giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội, những kiến nghị, bức xúc chính đáng, hợp pháp của Nhân dân, gắn với thực hiện có chiều sâu cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào thi đua yêu nước, thi đua Dân vận khéo, phong trào thi đua “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”, làm giao thông nông thôn, thủy lợi nhỏ,….. đã tác động mạnh mẽ và có sức lan tỏa trong Nhân dân, huy động đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia vào quá trình phát triển dân sinh, kinh tế xã hội, giữ vững sự ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội vì mục tiêu “Dân giàu, Huyện mạnh”.
         Việc xây dựng, nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” được quan tâm chỉ đạo sâu sát. Trên lĩnh vực kinh tế, các chủ trương, chính sách, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế được triển khai, ban hành phù hợp với qui hoạch và điều kiện thực tế ở các địa phương, đơn vị. Tiêu biểu trên lĩnh vực này có: Mô hình sản xuất kinh doanh tổng hợp (sản xuất thanh long, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dịch vụ phục vụ sản xuất nông nhiệp) mang lại hiệu quả kinh tế cao của ông Nguyễn Tài, ông Trương Trọng Sang ở xã Bình An, ông Đỗ Cao Sơn ở xã Sông Bình, ông Đặng Dự (dân tộc Chăm) ở xã Phan Hiệp, mô hình cá nhân: ông Sồng A Sy (người Hoa) xã Sông Bình chăn nuôi bò vỗ béo, ông Nguyễn Thanh Bình nuôi cá lồng bè ở xã Hòa Thắng; các mô hình kinh tế tập thể hợp tác trồng cỏ và chăn nuôi bò vỗ béo (có 5 hộ tham gia) ở xã Bình Tân; mô hình tổ nông dân hợp tác sản xuất rau sạch (có 12 hộ tham gia) ở xã Phan Rí Thành; mô hình tổ hợp tác sản xuất giống lúa xác nhận (có 17 hộ tham gia) ở xã Phan Thanh,…. Những điểm sáng đó đã tác động tích cực góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác tối đa lợi thế vùng và điều kiện đất đai, tài nguyên của huyện, góp phần thúc đẩy kinh tế huyện nhà phát triển. 
        Trên lĩnh vực thực hiện các công trình, dự án trọng điểm phục vụ cho dân sinh kinh tế - xã hội và xây dựng phát triển quê hương, đất nước được triển khai trên địa bàn huyện, như Dự án: tưới Phan Rí - Phan Thiết; dự án cấp nước Khu lê; mở rộng nâng cấp Quốc lộ 1A, Đường Hòa Thắng – Hòa Phú, Khu Công nghiệp chế biến sâu Titan (Sông Bình); đường điện Sông Mây – Vĩnh Tân và các dự án đầu tư khác đã tác động đến 5.283 hộ liên quan đến đất ở, đất sản xuất với trên 8.551.041,92 ha và tài sản nhân dân lên đến trên 391.704.080.772 đồng nhưng với chủ trương thực hiện tốt công tác “Dân vận khéo”, hệ thống chính trị các cấp đã phối hợp tổ chức triển khai chủ trương, tuyên truyền, vận động và được nhân dân đồng tình ủng hộ cao. Qua đó, kinh tế - xã hội của huyện tiếp tục giữ ổn định và có bước phát triển khá, các chỉ tiêu chủ yếu được thực hiện đạt và vượt kế hoạch như: thu ngân sách đạt tăng bình quân hàng năm 8,24%, giảm hộ nghèo xuống còn 3%, giải quyết việc làm bình quân hàng năm 2.392 lao động và đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng trong nhân dân.
Trên lĩnh vực Văn hóa - xã hội “Dân vận khéo được phát huy tác dụng trong việc vận động đăng ký gia đình văn hóa hàng năm từ 95%, đạt danh hiệu gia đình văn hóa 86% trở lên, vận động cơ sở thờ tự thực hiện “Nếp sống văn hóa mới”, xây dựng “dòng tộc văn hóa », duy trì công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và giữ chuẩn phổ cập THCS. Trong 5 năm qua đã vận động “Quĩ đền ơn đáp nghĩa” là 2.641.585.663 đồng, quỹ “Ngày vì người nghèo”: 7.836.458.170 đồng, xây mới, sửa chữa: 1.737 nhà đại đoàn kết với tổng trị giá: 3.654.000.000 đồng. Điểm sáng của cuộc vận động trong 5 năm qua là phối hợp tổ chức chương trình “Chung một tấm lòng” đã xây dựng 192 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo trị giá 2.975.000.000 đồng ; cuộc vận động “Tiếp bước cho em đến trường” đã thu hút sự hưởng ứng cả tiền mặt và hiện vật lên tới 8.269.811.299 đồng. Kết quả từ các phong trào trên đã góp phần làm thay đổi rõ nét về đời sống vật chất và tinh thần trong nhân dân; tinh thần đoàn kết dân tộc, tôn giáo ngày càng thắt chặt, các nghĩa cử cao đẹp được biểu dương nhân rộng, học sinh nghèo được đến trường, đối tượng neo đơn, người tàn tật, trẻ mồ côi được xã hội cưu mang giúp đỡ.
        Dân vận khéo trong công tác cải cách thủ tục hành chính luôn được quan tâm triển khai thực hiện, đặc biệt là trong công tác dân vận của chính quyền như: nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận một cửa, duy trì chế độ tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân, tổ chức trưng cầu ý dân và công khai các đề án quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, công khai minh bạch các khoản đóng góp của nhân dân. Qua thực hiện đã xuất hiện nhiều gương cán bộ, công chức, viên chức tận tụy với công việc, có tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân.
        Bên cạnh đó Dân vận khéo còn phát huy được nhiều hiệu quả trên lĩnh vực an ninh - quốc phòng. Từ kết quả công tác dân vận khéo và các mô hình nhân rộng trên lĩnh vực an ninh trật tự, trong 5 năm qua, đã làm giảm rõ nét về tội phạm, về tình hình mất an ninh trật tự trong thôn, xóm tại địa bàn dân cư, đặc biệt là các khu vực trọng điểm, các xã giáp ranh (Kinh- Chăm) không còn tái diễn . 
Ngoài ra, công tác “Dân vận khéo” trong xây dựng hệ thống chính trị được tổ chức thực hiện gắn với thực hiện tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Nhiều tổ chức đảng đã tập trung xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp đã tăng cường triển khai công tác dân vận của chính quyền; phát triển mới 4.163 đoàn viên, hội viên, xây dựng  2.278 cốt cán chính trị; phát huy được vai trò đoàn viên, hội viên trong đóng góp xây dựng tổ chức và tích cực hưởng ứng các nhiệm vụ địa phương. Trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí minh, xuất hiện nhiều mô hình dân vận khéo trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân. Qua đó, được tỉnh chọn 35 cá nhân, 3 tập thể tiêu biểu tham gia hội nghị biểu dương cấp tỉnh; Huyện biểu dương 42 tập thể và 141 cá nhân có những nghĩa cử cao đẹp trong đời sống xã hội, khen thưởng 5 tập thể, 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác này.
        Có thể nói, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần nâng cao chất lượng phong trào thi đua yêu nước của các tầng lớp nhân dân, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, thi đua lao động sản xuất, tích cực tham gia vào quá trình phát triển dân sinh, kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Để phát huy những thành tích đó, trong thời gian đến cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp sau : Tiếp tục tổ chức quán triệt sâu kỹ các văn bản của Trung ương, tỉnh, huyện về công tác Dân vận trong tình hình mới trong đó có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện  phong trào thi đua “Dân vận khéo”nhằm nâng cao nhận thức sâu sắc đối với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể và cán bộ, đảng viên, công chức, viê chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa về công tác dân vận của Đảng và phong trào thi đua “Dân vận khéo” để hưởng ứng, đồng thuận trong triển khai thực hiện.  Xây dựng kế hoạch, chỉ đạo tổ chức phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo”, gắn với các phong trào thi đua yêu nước thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương đến tận cơ sở, đến từng ngành, từng cấp, từng đoàn thể, đến cốt cán, người có uy tín, cá nhân tiêu biêu trong cộng đồng dân cư. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở các ngành, địa phương trong quá trình chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào. Đồng thời theo định kỳ 6 tháng cấp xã, thị trấn và các ngành, đoàn thể huyện tổ chức đánh giá kết quả triển khai thực hiện phong trào và tổ chức hội nghị sơ kết hàng năm nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm, khen thưởng động viên phong trào./.

 


Các tin khác