Kết thúc thời hạn nhận bài thi, Ban Tổ chức cuộc thi đã nhận được 2.799 bài thi của 39 tập thể và 64 trường học, người dự thi có tuổi đời cao nhất là 62 (hưu trí thị trấn Lương Sơn) và thấp nhất là 8 tuổi (học sinh trường tiểu học Hồng Thái 3). Đa số các bài dự thi đều trình bày nghiêm túc, đáp ứng yêu cầu của cuộc thi, có những bài thể hiện sự đầu tư công phu với nhiều tranh ảnh lịch sử minh họa sinh động, có những bài viết tay hết sức công phu, tỉ mĩ. Ngoài các tài liệu Ban Tổ chức cung cấp và giới thiệu, nhiều người dự thi đã tự tìm hiểu, sưu tầm thêm các tranh ảnh, tư liệu từ những “nhân chứng sống” của Đại đội 440, những thân nhân liệt sỹ và thực tiễn phát triển của huyện nhà. Với câu hỏi số 07 là câu phát biểu cảm tưởng về tinh thần đấu tranh của nhân dân Bắc Bình và những hiến kế để huyện nhà ngày càng phát triển. Đây là câu hỏi mở không có trong nội dung các tập sách lịch sử, đòi hỏi người dự thi phải có sự phân tích, tư duy logic và có những tìm hiểu về tình hình phát triển kinh tế của huyện nhà mới thể hiện tốt câu trả lời. Về phần phát biểu cảm tưởng: phần lớn những bài dự thi trình bày xúc tích, cảm động, nêu bật được những tấm gương dũng cảm của các chiến sĩ, căn cứ kháng chiến, những địa danh, những trận đánh, những chiến công của quân và dân Bắc Bình trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tất cả đều toát lên tình cảm của mình với quê hương và niềm tự hào đối với những trang sử vẻ vang của huyện nhà. Về phần hiến kế để huyện nhà phát triển: đa số người dự thi đều xác định làm thật tốt vai trò, chức trách của mình được giao. Bên cạnh đó, có những đề xuất về đổi mới giáo dục chủ yếu tập trung vào việc đầu tư cho cơ sở trường lớp đạt yêu cầu, nâng cao chất lượng, nội dung giảng dạy và sự cần thiết tăng thêm thời lượng học ngoài giờ môn lịch sử địa phương vào trường học. Tập trung phát triển kinh tế mà chú trọng đến phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là công trình thủy lợi, tạo điều kiện thuận lợi đầu tư phát triển cây thanh long. Cũng có nhiều ý kiến đề nghị huyện chú trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh để đủ sức lãnh đạo huyện nhà phát triển, làm thật tốt công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí...
Tổ chấm thi và Tổ thư ký đã làm việc nghiêm túc, tổ chức nhiều buổi thảo luận và chấm chung để sàng lọc những bài kém chất lượng, bài giống nhau, sau đó chia thành từng cặp chấm chéo các bài dự thi đảm bảo khách quan. Dựa trên kết quả điểm số, Ban Tổ chức cuộc thi đã trao 01 giải nhất, 02 giải nhì, 03 giải ba và 10 giải khuyến khích cho các cá nhân. Đồng chí Nguyễn Thị Hoàng Nguyên (Đảng bộ khối cơ quan Đảng – Đoàn thể) đạt giải nhất. Ngoài ra Ban Tổ chức còn trao 03 giải tập thể: đơn vị có số bài thi đạt giải nhiều (Đảng bộ khối cơ quan Đảng – Đoàn thể) , đơn vị có nhiều bài dự thi ( đảng bộ thị trấn Lương Sơn và trường phổ thông dân tộc nội trú huyện). Lễ trao giải thưởng được tổ chức nhân kỷ niệm 55 ngày thành lập Đại đội 440 Hòa Đa (25/7/1961-25/7/2016).
Cuộc thi đã kết thúc thành công, thông qua cuộc thi này có thể thầy rằng về mục đích, yêu cầu, tính chất, quy mô, ý nghĩa của cuộc thi đã đạt được cơ bản so với kế hoạch đề ra. Với số lượng 2.799 bài, người dự thi đa dạng, với đủ thành phần công chức - viên chức, đoàn viên - hội viên, giáo viên - học sinh, hưu trí, nông dân có thể thấy được nhu cầu tìm hiểu lịch sử truyền thống địa phương trên địa bàn toàn huyện.
Sau cuộc thi này, Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy chủ trì biên tập, chỉnh sửa những bài đạt giải cao (nhất, nhì, ba) nhân sao cho các trường học trên địa bàn huyện để làm tư liệu tuyên truyền trong học sinh. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện xây dựng kế hoạch chỉ đạo các trường học đưa vào chương trình hoạt động ngoại khóa nội dung tuyên truyền về lịch sử truyền thống Đại đội 440 Hòa Đa và huyện Bắc Bình chặng đường xây dựng và phát triển./.