Xây dựng cơ sở dữ liệu về công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân trên địa bàn huyện Bắc Bình

           Như chúng ta đã biết, công tác giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có vai trò rất quan trọng, nhất là trong tình hình nổi lên các vấn đề, vụ việc về phòng, chống tham nhũng hiện nay. Việc chỉ đạo, theo dõi, giải quyết đơn, thư có hiệu quả, thấu tình, đạt lý, kịp thời và đúng quy định pháp luật sẽ giúp người dân đồng thuận, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được bảo vệ; người dân yên tâm tham gia kinh tế, phát triển sản xuất, giúp ổn định tình hình an ninh trật tự địa phương, hạn chế xảy ra “điểm nóng”, đơn thư kéo dài, vượt cấp. Bên cạnh đó, việc cơ quan Đảng, chính quyền làm tốt công tác giải quyết đơn thư thông qua thanh tra, kiểm tra sẽ giúp phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật qua phản ánh của công dân, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời, nhất là trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng đang được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm hiện nay.

           Thời gian qua trên địa bàn huyện Bắc Bình phát sinh khá nhiều đơn thư với nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh,… trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội: đất đai, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, công tác cán bộ, tham nhũng, lãng phí,… Trong đó phát sinh đơn thư vượt cấp, đơn kiến nghị tập thể. Điều đó cho thấy, Nhân dân đã và đang phát huy quyền làm chủ của mình, quyền giám sát hoạt động bộ máy nhà nước, giám sát Đảng viên, cán bộ, công chức,…

          Vấn đề đặt ra là, nếu cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết đơn thư của công dân không hiệu quả, kéo dài, không đảm bảo quy định của pháp luật rất dễ tạo cơ hội cho những các phần tử kích động, xuyên tạc, chống phá Đảng, chính quyền, gây áp lực lên bộ máy nhà nước và có khả năng gây phức tạp tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội địa phương. Đối với những phản ánh, kiến nghị của Nhân dân mà không được giải quyết thấu tình, đạt lý sẽ tạo nên tâm lý bức xúc, không yên tâm tăng gia sản xuất, phát triển kinh doanh. Từ những hệ lụy đó khiến cho đời sống nhân dân, kinh tế - xã hội của huyện nhà không phát triển.

            Thời gian qua, công tác theo dõi công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn, hạn chế:

           - Công tác nắm bắt, lưu theo dõi kết quả giải quyết của cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp nhận và giải quyết đơn thư gặp nhiều khó khăn, không nắm được quy trình, tiến độ giải quyết đến những khâu nào, kết quả giải quyết ra sao. Cơ quan cấp trên không có cơ sở giám sát việc thực hiện giải quyết đơn, thư, từ đó đơn thư thường kéo dài, quá thời hạn giải quyết, chất lượng không cao.

          - Công tác lưu trữ chưa đồng bộ, thống nhất, chủ yếu lưu bằng văn bản giấy gây khó khăn khi tìm kiếm, dễ thất lạc, mất mát cũng như khi chuyển nhiệm vụ công tác cho người kế nhiệm sau rất khó để quản lý hồ sơ, sổ sách một cách khoa học.

            - Chưa hình thành một cơ sở dữ liệu chung để trích xuất thông tin cần thiết khi tổng hợp báo cáo định kỳ, đột xuất và phục vụ các Đoàn kiểm tra, giám sát của cấp trên,…

          Trước những hạn chế, bất cập đó, cần thiết phải xây dựng một cơ sở dữ liệu chung về công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân trên địa bàn huyện Bắc Bình. Thực hiện chủ trương về xây dựng những giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn, cũng như tiến tới chính quyền điện tử, chuyển đổi số, số hóa văn bản; cần nghiên cứu xây dựng, áp dụng chung tất các các cơ quan, đơn vị, địa phương phần mềm tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn, thư hoàn chỉnh, trong đó cập nhật, xây dựng được một cơ sở dữ liệu về giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo liên thông, phục vụ tốt hơn cho hoạt động, góp phần đưa công tác quản lý nhà nước hoạt động hiệu quả hơn, phục vụ các yêu cầu, kiến nghị của Nhân dân trên địa bàn huyện tốt hơn nữa. Các ưu điểm khi áp dụng triển khai cơ sở dữ liệu:

          - Thực hiện trích xuất dữ liệu khi cần thiết: phục vụ các báo cáo định kỳ hàng tháng, quý, năm theo yêu cầu của Ban Nội chính Tỉnh ủy, số liệu báo cáo phục vụ các đoàn thanh tra, kiểm tra.

          - Các vụ việc, đơn thư do cùng một người gửi đến sẽ được lưu trữ theo thời gian, từ đó có thể căn cứ vào nội dung đã lưu trữ để xây dựng nên một báo cáo tổng thể, bức tranh tổng quát trình tự thời gian, nội dung đơn thư để báo cáo cấp có thẩm quyền, phục vụ cho mục đích tiếp công dân,…

          - Việc lưu trữ hồ sơ được thực hiện số hóa, dễ dàng tìm kiếm: báo cáo kết quả giải quyết, văn bản chỉ đạo xử lý và các tài liệu khác đi kèm có liên quan đến giải quyết đơn, thư. Từ đó khi nội dung công việc này được chuyển giao lại cho người khác đảm nhận vẫn theo dõi được quá trình giải quyết đơn, thư từ trước đến nay tại cơ quan, đơn vị, phục vụ tốt hơn cho nhiệm vụ tham mưu cho lãnh đạo trong thời gian tiếp theo.

          Ngày 23/8/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2022/NĐ-CP quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Trong đó quy định đầy đủ các thông tin trong cơ sở dữ liệu, nguồn thông tin cập nhật vào cơ sở dữ liệu, thời điểm nhập thông tin; thẩm quyền, phạm vi khai thác cơ sở dữ liệu,...

           Trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần nghiên cứu, áp dụng Nghị định số 55/2022/NĐ-CP để triển khai xây dựng một cơ sở dữ liệu chung, sử dụng thống nhất, liên thông giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Trong đó, tuân thủ các quy định của pháp luật về tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, bảo vệ bí mật nhà nước, bảo vệ thông tin cá nhân và các quy định pháp luật khác có liên quan.Tuân thủ các quy định của pháp luật về tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, bảo vệ bí mật nhà nước, bảo vệ thông tin cá nhân và các quy định pháp luật khác có liên quan./.


Các tin khác