BẮC BÌNH - CHẶNG ĐƯỜNG 35 NĂM TÁI LẬP HUYỆN

Trong những ngày tháng tư lịch sử, hướng đến kỷ niệm 43 năm giải phóng quê hương Bắc Bình (18/4/1975-18/4/2018) cũng là dịp chúng ta nhìn lại những thành quả đạt được sau 35 năm tái lập huyện (01/6/1983-01/6/2018) để tự hào vững bước đi lên trong tương lai.

        Ngược dòng lịch sử, địa danh Bắc Bình có trên bản đồ tỉnh Bình Thuận từ tháng 4/1951, trên cơ sở hợp nhất 03 huyện Hòa Đa, Phan Lý Chàm, Tuy Phong. Quá trình hình thành và phát triển, vùng đất Bắc Bình nhiều lần thay đổi địa danh, đến đầu năm 1983, thực hiện Điều I của Quyết định số 204-HĐBT, ngày 30/12/1982 của Hội đồng Bộ trưởng về việc phân vạch địa giới một số huyện và thị xã thuộc tỉnh Thuận Hải, trong đó chia huyện Bắc Bình thành huyện Tuy Phong và huyện Bắc Bình. Đồng chí Bùi Quốc Thắng làm Bí thư Huyện ủy, đồng chí Trần Khán làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện. Hai huyện Bắc Bình và Tuy Phong chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/6/1983.

        Huyện Bắc Bình lúc mới tái lập kinh tế của huyện phát triển thấp, sản xuất nhỏ lẻ, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội vừa thiếu lại vừa yếu; phong trào chung chuyển biến chưa mạnh, chưa đều, vẫn đang đứng trước những khó khăn và nhiều mặt yếu kém chưa được khắc phục. Song dưới sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ và nhân dân huyện Bắc Bình đã vượt qua khó khăn thách thức, đẩy mạnh công cuộc đổi mới phát triển kinh tế xã hội, từng bước thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Chính sự quyết tâm đó đã dần đưa huyện từng bước phát triển đạt được những kết quả đáng khích lệ. Kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tổng sản lượng lương thực quy thóc chỉ 21.500 tấn vào năm 1983 thì đến nay ước đạt 206.691 tấn.

        Điểm nổi bật tạo ra sự thay đổi diện mạo của huyện rõ rệt là kết cấu hạ tầng đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân, là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Hồ chứa nước Cà Giây được kiến nghị xây dựng từ năm 1984, hoàn thành xây dựng vào cuối năm 2000 cùng với đập Đồng Mới được đại tu và được tiếp nước từ thủy điện Đại Ninh đã góp phần chủ động nước tưới trong nông nghiệp, công trình tiếp nước về Khu Lê Hồng Phong đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của bà con 02 xã Hòa Thắng và Hồng Phong đã làm thay đổi đời sống của bà con vùng căn cứ kháng  chiến. Từ chỗ không có điện lưới quốc gia, tháng 2/1991 hoàn thành giai đoạn 1 với 6 xã, 17 hợp tác xã có điện thắp sáng, đến nay điện đã phủ kín các địa phương trong toàn huyện. Phong trào chung sức chung lòng xây dựng nông thôn mới được cán bộ và nhân dân đồng tình hưởng ứng mạnh mẽ, tạo sức lan tỏa rộng lớn và mang lại hiệu quả thiết thực. Hiện nay huyện có 06 xã về đích nông thôn mới.

        Đi đôi với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa xã hội cũng được chuyển biến, đạt nhiều thành tựu, phát triển hài hòa với tăng trưởng kinh tế. Giáo dục - đào tạo ổn định về quy mô, được đầu tư cả chiều rộng lẫn chiều sâu theo phương châm “nơi nào có dân là nơi đó có lớp học”. Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân có nhiều tiến bộ. Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Bình Thuận tiếp tục được đầu tư nâng cấp, các trạm y tế được đầu tư trang thiết bị hiện đại, số lượng bác sĩ về các trạm y là địa chỉ đáng tin cậy của người dân trong việc khám, chữa bệnh. Các hoạt động văn hóa quần chúng phù hợp với tính chất của từng vùng miền, từng dân tộc, từng giới được hình thành và duy trì, toàn huyện có 05 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và 06 di tích cấp tỉnh; 07 nghệ nhân ưu tý. Công tác xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo và được mọi tầng lớp nhân dân tham gia với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm, đến năm 2018 số hộ nghèo là 4.96%.

        Quá trình 35 năm xây dựng và phát triển của huyện đồng thời cũng là quá trình tăng cường xây dựng Đảng. Công tác tư tưởng được chú trọng, có hiệu quả đối với các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được đồng thuận cao. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng lan tỏa trong đời sống xã hội góp phần nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên. Công tác tổ chức được quan tâm thực hiện, đã làm cho hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được củng cố, kiện toàn, phát huy được sức mạnh nguồn lực cán bộ, năng lực tổ chức hoạt động của Đảng bộ được nâng lên đáp ứng với đòi hỏi khách quan của tình hình thực tiễn. Hoạt động kiểm tra Đảng tạo được tác dụng giáo dục tốt, làm trong sạch nội bộ Đảng, bộ máy Nhà nước, tổ chức đoàn thể, làm lành mạnh các quan hệ xã hội; góp phần tích cực vào xây dựng Đảng bộ huyện trong sạch vững mạnh.

       Nhìn về chặng đường phía trước, Bắc Bình được đánh giá là vùng đất giàu tiềm năng phát triển với vị trí địa lý thuận lợi và có vai trò rất lớn đến việc xây dựng hình thành 03 trung tâm mang tầm quốc gia của tỉnh đó là: Trung tâm năng lượng, trung tâm du lịch - thể thao biển, trung tâm chế biến quặng sa khoán titan và Trung tâm năng lượng. Bắc Bình có trữ lượng titan lớn và có 01 Khu Công nghiệp chế biến tập trung khoáng sản Titan Sông Bình, với quy mô 300 ha. Du lịch biển với Điểm du lịch Bàu Trắng đang hoạt động hiệu quả, thu hút khoảng 140.000 lượt khách du lịch trong và ngoài nước. Các dự án phong điện và điện mặt trời được đầu tư triển khai trên địa bàn huyện trong tương lai sẽ góp phần vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

        35 năm qua, mỗi bước trưởng thành của Đảng bộ đều gắn liền với sự ủng hộ giúp đỡ của nhân dân. Đảng bộ luôn nhận thức sự nghiệp cách mạng là của quần chúng; phải dựa vào dân, tin dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, mang lại quyền lợi cho nhân dân. Đó là bài học kinh nghiệm quý báu trên con đường xây dựng và phát triển mà Đảng bộ cần phát huy để tiếp tục lãnh đạo nhân dân vững bước vào thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế./.


Các tin khác