Tỷ lệ người tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng tham gia BHYT trên tổng số người tham gia BHYT tăng cao qua các năm; từ giai đoạn năm 2009-2014 đến giai đoạn năm 2020-2024, nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng tăng từ 8,12% lên 30,68%; nhóm tham gia BHYT hộ gia đình tăng từ 17,34% lên 28,05%; nhóm do ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng tăng từ 22,64% lên 31,52%. Bên cạnh đó, số lượng tham gia BHYT theo hộ gia đình ngày một tăng nhanh. Nếu như giai đoạn 2009-2014 có số hộ gia đình tham gia BHYT là 16.795/29.732 tổng số hộ gia đình, tỷ lệ 56,5% đến năm 2020-2024 là 31.773/34.265 hộ, tỷ lệ 93%.
Công tác kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo về BHYT đã được triển khai thực hiện thường xuyên; chỉ đạo ngành y tế và BHXH xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, giám sát liên ngành việc tổ chức khám bệnh, chữa bệnh người có thẻ BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn huyện. Hằng năm, tổ liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT tại 10 đơn vị và 15 đại lý thu BHYT trên địa bàn huyện góp phần tích cực vào việc hạn chế tình trạng chậm đóng BHYT, lạm dụng chính sách BHYT, trục lợi quỹ BHYT.
Công tác quản lý quỹ BHYT được thực hiện theo đúng quy định, sử dụng hiệu quả, an toàn, đúng mục đích, đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người tham gia, không có hiện tượng tiêu cực trong quản lý quỹ; mức thu, đối tượng thu được đảm bảo theo đúng quy định của Luật BHYT. Từ năm 2009 đến 2023, tổng số thu BHYT là 714.669 triệu đồng, riêng năm 2023, số thu BHYT là 88.777 triệu đồng, tăng 36 lần so với năm 2009; tổng số chi quỹ BHYT từ năm 2009 đến năm 2023 là 431.885.179.999 đồng, chiếm tỷ lệ bình quân 95,6% trên tổng dự toán trong cả giai đoạn 15 năm. Nhìn chung quỹ BHYT được bảo toàn và cân đối, tuy nhiên, có một số năm vượt quỹ, vượt dự toán so với quỹ được sử dụng, dự toán được giao, trong đó có 3 năm liên tục từ 2016-2018 vượt quỹ, vượt dự toán khám chữa bệnh BHYT cao.
Công tác giám định và thanh quyết toán BHYT, huyện đã triển khai hệ thống thông tin giám định BHYT và hệ thống cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT. Trong đó, hệ thống thông tin giám định BHYT đã kết nối thành công với 100% cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn huyện và thực hiện chuẩn hóa danh mục thanh toán BHYT, liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh thông qua Cổng thông tin giám định; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT là giải pháp kết nối liên thông hệ thống thông tin y tế giữa các cơ sở y tế và cơ quan Bảo hiểm xã hội. Đây là giải pháp đồng bộ, tập trung dữ liệu từ khâu tiếp nhận tại cơ sở y tế đến khâu giám định, thanh toán tại cơ quan Bảo hiểm xã hội. Hệ thống thông tin giám định BHYT thường xuyên cập nhật, phát triển các quy tắc giám định, minh bạch các thông tin để ngăn ngừa trục lợi từ BHYT. Phân tích tình hình chi khám, chữa bệnh để các cơ sở y tế chủ động kiểm soát, điều chỉnh chi hợp lý, góp phần đảm bảo sử dụng hiệu quả quỹ BHYT, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người khám, chữa bệnh BHYT. Đồng thời, thực hiện đồng bộ mã số bảo hiểm xã hội cấp thẻ BHYT cho người dân tham gia BHYT, đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng tham gia khám, chữa bệnh BHYT đầy đủ, kịp thời. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin được kết nối đến huyện; cổng thông tin điện tử ngành BHXH đã cung cấp cho người dân tiện ích tra cứu trực tuyến các thông tin về mã số BHXH, quá trình tham gia, giá trị sử dụng thẻ BHYT,... Việc sử dụng ứng dụng VssID, ứng dụng VNelD, căn cước công dân gắn chíp thay thế thẻ BHYT giấy hiện nay không những tiết kiệm chi phí, thuận lợi trong khám chữa bệnh mà còn giúp cơ sở y tế kiểm soát được quá trình khám chữa bệnh của người bệnh, phát hiện kịp thời tình trạng lạm dụng quỹ BHYT. Đến nay, tất cả cơ sở khám chữa bệnh BHYT đã kết nối, liên thông dữ liệu với hệ thống giám định BHYT của cơ quan BHXH để thực hiện giám định tự động trên phần mềm; đây là một cải cách lớn trong quy trình tổ chức, triển khai việc thực hiện khám chữa bệnh BHYT. Cùng với việc cải cách thủ tục, quy trình khám, chữa bệnh được mở thông tuyến huyện từ ngày 01/01/2016 đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT trong việc tiếp cận dịch vụ y tế.
Công tác phối hợp liên ngành trong thực hiện hoạt động BHYT được thực hiện thường xuyên, trong đó, cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, đoàn thể huyện triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả Chỉ thị số 38-CT/TW; đã ký kết chương trình phối hợp thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT với Ban Tuyên giáo Huyện ủy để tham mưu cho Huyện ủy trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng công tác tuyên truyền nhằm ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, góp phần tăng diện bao phủ BHXH, BHYT trên địa bàn toàn huyện. Phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thông tin và thể thao huyện tuyên truyền chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, BHYT trên hệ thống loa truyền thanh của huyện; tiếp nhận và cung cấp đĩa tuyên truyền chính sách pháp luật về BHYT cho các xã, thị trấn thực hiện tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh tại địa phương. Ký kết liên tịch với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, Hội Nông dân huyện để tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên tham gia BHYT. Phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thực hiện có hiệu quả BHYT học sinh; phối hợp với Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện đảm bảo nguồn kinh phí đóng và hỗ trợ đóng cho người tham gia BHYT được Ngân sách nhà nước hỗ trợ; phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn làm việc với các đơn vị sử dụng lao động thuộc diện tham gia BHXH, BHYT nhưng chưa đăng ký tham gia cho người lao động theo quy định; tổ chức tuyên truyền, tư vấn, đối thoại trực tiếp chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, BHYT tại các cụm dân cư... Qua đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách BHYT tại địa phương nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của người tham gia. Bảo hiểm xã hội huyện đã tiến hành ký kết hợp đồng với Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, Bưu điện huyện và Hội nông dân huyện làm đại lý thu BHYT, bảo hiểm xã hội tự nguyện; phối hợp Hội đồng đào tạo nhân viên đại lý thu bảo hiểm xã hội, BHYT của Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên đại lý thu theo đúng quy định về hoạt động đại lý thu bảo hiểm xã hội, BHYT tự nguyện của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Đặc biệt, công tác phối hợp với ngành y tế trong việc thực hiện giám sát, tháo gỡ vướng mắc để tạo điều kiện tốt nhất về quyền lợi của người tham gia BHYT, đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh bằng BHYT cho người dân trên địa bàn.
Về công tác khám chữa bệnh BHYT, tính đến nay, trên địa bàn huyện có 19 cơ sở y tế nhà nước thực hiện khám, chữa bệnh BHYT gồm 01 Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Bình Thuận (hạng II, tuyến tỉnh), 01 Trung tâm y tế huyện (được cấp quyền khám, chữa bệnh bằng BHYT tuyến huyện từ năm 2020 đến nay) và 16/18 Trạm y tế xã, thị trấn (Trạm Y tế xã Phan Hiệp và thị trấn Chợ Lầu chỉ thực hiện công tác y tế dự phòng, không có chức năng khám chữa bệnh). Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 01 cơ sở khám chữa bệnh tư nhân là Phòng khám đa khoa Kiều Linh (xã Phan Rí Thành) được thực hiện công tác khám chữa bệnh bằng BHYT. Trong 15 năm qua, số lượt khám chữa bệnh BHYT hầu như đều tăng qua các năm. Cụ thể, tổng số lượt khám chữa bệnh BHYT giai đoạn năm 2009-2014 là 900.441 lượt đến giai đoạn năm 2020-2024 là 1.090,663 lượt.
Với những kết quả đạt được, công tác BHYT trên địa bàn huyện Bắc Bình còn một số hạn chế, khuyết điểm: Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt chỉ tiêu giao nhưng vẫn thấp so với tỷ lệ chung của toàn tỉnh. Người tham gia BHYT chưa thật sự bền vững. Vẫn còn tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHYT ở một số doanh nghiệp, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định xã hội, khiếu nại, tố cáo đông người. Cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, chất lượng phục vụ khám chữa bệnh BHYT của một số cơ sở khám, chữa bệnh còn hạn chế, chưa đáp ứng với yêu cầu, nhất là tuyến xã, thị trấn;…
Vì vậy trong thời gian đến, cần nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác BHXH, BHYT trong tình hình mới theo hướng thiết thực, dễ hiểu, gần dân; nội dung và hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, theo tập quán, văn hóa vùng miền; có giải pháp vận động người dân tham gia BHYT nhằm thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng về đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới. Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu về phát triển người tham gia BHYT và chỉ tiêu được BHXH tỉnh và UBND huyện đề ra theo từng năm. Đảm bảo các khâu trong triển khai thực hiện công tác BHYT được công khai, minh bạch, không để người thụ hưởng bị thiệt thòi. Nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh cho người tham gia BHYT trên địa bàn;…