Bắc Bình: triển khai thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn

        Thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn của Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật theo Kết luận số 396-TB/TW ngày 23/11/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Cán bộ, đảng viên xã Phan Điền đọc sách trau dồi kiến thức

          Sau khi tiếp nhận công văn chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bắc Bình đã tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo đôn đốc nhắc nhở các xã, thị trấn trong quản lý, sử dụng và khai thác các loại sách một cách hiệu quả. Qua 15 năm triển khai thực hiện, việc trang bị sách cho các xã, phường, thị trấn đã góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu tự nghiên cứu, tham khảo, học tập, nâng cao trình độ kiến thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thông qua đó, nâng cao nhận thức, củng cố kiến thức, ứng dụng vào quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và vận dụng vào trong thực tiễn quản lý, lãnh đạo.

         Trong những năm qua, huyện Bắc Bình được trang bị 5.720 đầu sách và 76 đĩa CD-ROM phân phối cho 18 xã, thị trấn (mỗi xã, thị trấn 4 bộ), Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Thường trực Huyện ủy, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện và Thư  viện huyện chia làm 2-4 đợt/năm. Các loại sách trang bị gồm các thể loại chính: sách phổ biến, giáo dục lý luận chính trị, pháp luật và kiến thức quản lý cấp cơ sở; sách giới thiệu các điển hình tiên tiến, tấm gương người tốt, việc tốt, đấu tranh phản bác thông tin, luận điệu sai trái, thù địch, đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, suy thoái về đạo đức, lối sống; sách phục vụ việc đẩy học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; sách phổ biến kỹ thuật nông nghiệp; sách về chăm sóc sức khỏe; sách dành cho thanh - thiếu niên và nhi đồng; sách giới thiệu về văn hóa và các dân tộc Việt Nam… Nhìn chung, sách được cung cấp đa dạng về thể loại, đẹp về hình thức, cơ bản đáp ứng nhu cầu, phục vụ công tác tìm hiểu, nghiên cứu, tra cứu, vận dụng vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và phổ biến cho nhiều đối tượng tại các xã, thị trấn trong huyện.

          Đối với cơ sở, sau khi nhận được các ấn phẩm từ Đề án, đảng ủy các xã, thị trấn đã giao trách nhiệm cho cán bộ phận trách công tác Tuyên giáo phối hợp với các bộ phận chức năng, phân công cán bộ phụ trách, quản lý và phân loại, đưa vào khai thác, sử dụng các ấn phẩm trên theo quy định của Nhà nước về tài sản công. Một số xã, thị trấn có điều kiện trang bị tủ, kệ riêng để quản lý tại văn phòng Đảng ủy hoặc tại trụ sở tiếp dân của đơn vị, một số địa phương chưa có điều kiện thì quản lý sách cùng với tủ sách pháp luật của địa phương, một số xã thuần đồng bào dân tộc có đạo một bộ được lưu giữa tại xã và một bộ được quản lý tại chùa là nơi bà con thường xuyên tập trung để sinh hoạt tôn giáo nên thuận lợi cho việc tìm hiểu, nghiên cứu. Đối với thư viện huyện, khi nhận sách về, nhân viên thư viện phân loại theo đúng yêu cầu của thư viện tỉnh và nhanh chóng và đưa vào hệ thống sách của thư viện để phục vụ nhu cần đọc của cán bộ và Nhân dân. Trung tâm Chính trị huyện sau khi tiếp nhận cần phân loại và quản lý trong thư viện của Trung tâm để đáp ứng nhu cầu giảng dạy của giảng viên và nhu cầu học tập của học viên tại Trung tâm. Các ấn phẩm được phân loại và sử dụng khá phù hợp, có tác dụng thiết thực đối với địa phương.

         Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy quan tâm công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý sử dụng sách ở các xã, thị trấn. Theo đó, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã tổ chức 02 đợt kiểm tra, giám sát việc quản lý sử dụng sách vào năm 2013 và năm 2022 tại một số Đảng ủy xã như: Hải Ninh, Phan Rí Thành, Phan Thanh, Phan Điền, Hồng Thái, Phan Hiệp. Nhìn chung các đơn vị đã triển khai thực hiện quản lý sử dụng khá nghiêm túc, có trang bị tủ sách, có mở sổ theo dõi số lượng sách được cấp phát. Định kỳ, Ban Thường vụ Huyện ủy đều báo cáo sơ kết tình hình thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn theo chỉ đạo.

         Tuy nhiên, việc sử dụng sách theo đề án của Trung ương ở cơ sở nhìn chung vẫn còn những hạn chế và khó khăn như: Một số xã, thị trấn việc bảo quản, sử dựng sách còn có những lúng túng nhất định; việc sắp xếp, quy định cụ thể nơi trưng bày sách chưa thuận tiện cho các đối tượng cần khai thác. Vì vậy, trong thời gian đến các cấp ủy, đơn vị cần tăng cường tuyên truyền về văn hóa đọc nói chung, tuyên truyền, giới thiệu danh mục sách thuộc Đề án để cán bộ, đảng viên và Nhân dân biết, chủ động tìm đến những loại sách phù hợp nhu cầu. Tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, bố trí không gian phù hợp, thoải mái để người đọc dễ dàng tiếp cận, nghiên cứu, đồng thời huy động, trang bị thêm các đầu sách, tư liệu cho các tủ sách phù hợp với nhiều đối tượng bạn đọc. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng sách của Đề án tại các xã, thị trấn thúc đẩy việc sử dụng sách đạt hiệu quả cao nhất./.


Các tin khác