Bắc Bình: Nhiều giải pháp triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”

    Cùng với sự phát triển của xã hội, ảnh hưởng từ mặt trái nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập đã tạo điều kiện cho các sản phẩm văn hóa độc hại xâm nhập vào đời sống người dân, làm cho một số bộ phận Nhân dân phai nhạt bản sắc văn hóa truyền thống; tình trạng lai căng, biến chất về mặt văn hóa và nhiều tệ nạn xã hội xuất hiện.

Công viên Chợ Lầu công trình kỷ niệm 40 năm ngày tái lập huyện Bắc Bình.

    Vì vậy, thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, trong 10 năm qua, huyện Bắc Bình triển khai thực hiện nhiều giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa; góp phần gìn giữ và phát huy văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, tạo được ý thức phát triển kinh tế gắn liền với phát triển văn hóa.

    Cấp ủy đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể chính trị - xã hội huyện chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam. Coi trọng xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trước hết là văn hóa trong Đảng để nêu gương cho cả hệ thống chính trị và xã hội. Đề cao và phát huy đúng mức vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương. Qua đó nhận thức về vai trò và tầm quan trọng trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước được nâng lên, góp phần đưa tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW đi vào cuộc sống, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã được Nghị quyết đề ra.

    Đội ngũ làm công tác văn hóa được quan tâm bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ. Đội ngũ lãnh đạo, công chức, viên chức của Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện, công chức văn hóa - xã hội các xã, thị trấn đa số có bằng chuyên môn liên quan, đáp ứng yêu cầu công việc, thường xuyên được tập huấn chuyên môn trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Về tư tưởng chính trị cán bộ, đảng viên, văn nghệ sĩ được tham gia học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia học tập các chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, được tham dự các buổi nói chuyện thời sự. Ngoài ra, văn nghệ sĩ tham gia các buổi sinh hoạt giao lưu văn nghệ, đi tham quan, học tập kinh nghiệm hoạt động; các tác phẩm văn học nghệ thuật đúng theo đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng, nhận thức về quan điểm chính trị, năng lực sáng tác nhiều văn nghệ sĩ được nâng lên; không có sự lệch lạc về tư tưởng trong sáng tác, phản ánh được hiện thực cuộc sống, khẳng định các nhân tố mới, tích cực lên án cái xấu, cái ác, ca ngợi cái tốt, cái thiện, đấu tranh phê phán sự sa sút, thoái hóa về nhân cách, lối sống và đạo đức trong xã hội. Đối với Chi hội Văn học - Nghệ thuật huyện, Chi hội trưởng được bầu đều là lãnh đạo tại các cơ quan văn hóa, tuyên truyền của huyện, thuận lợi cho việc triển khai các hoạt động về văn học nghệ thuật. Công tác phát hiện, bồi dưỡng đối với lực lượng trẻ, có năng khiếu văn hóa, nghệ thuật được chú trọng.

    Cùng với đó, UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, thường xuyên kiểm tra các dịch vụ văn hóa, công nghệ thông tin; kịp thời báo cáo và xử lý trường hợp vi phạm. Tranh thủ và phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của các đoàn thể chính trị - xã hội huyện, cộng đồng dân cư và công dân góp phần cho việc tổ chức và quản lý hoạt động văn hóa đi dần vào nề nếp. Hội đồng Nhân dân huyện đã giám sát việc thực hiện các nghị quyết, chính sách phát triển văn hóa trong các kỳ họp chuyên đề định kỳ và các đợt giám sát.

Công trình văn hóa thể dục thể thao xã Phan Thanh do Bộ tư lệnh Quân khu 7 và ủy ban nhân dân huyện Bắc Bình phối hợp xây dựng
Công trình văn hóa thể dục thể thao xã Phan Thanh do Bộ tư lệnh Quân khu 7 và ủy ban nhân dân huyện Bắc Bình phối hợp xây dựng.

     Về tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 01 Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao cấp huyện; 18/18 xã, thị trấn đều có nơi sinh hoạt, học tập cộng đồng, 15 nhà văn hóa xã đã hoàn thành đảm bảo đủ các điều kiện hoạt động theo tiêu chí nông thôn mới, (xã Bình Tân chuẩn bị khởi công xây dựng trong năm 2024), các xã, thị trấn còn lại chưa có nhà văn hóa nhưng sử dụng các hội trường xã tổ chức các hoạt động phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương; có 72/72 nhà làm việc thôn, khu phố và 6 nhà việc của của 6 tổ tự quản thuộc xã Phan Lâm. Trong 10 năm qua, các nhà văn hóa xã Phan Lâm, Phan Sơn, Phan Tiến, Phan Điền,… và nhà văn hóa các thôn, khu phố được chỉnh trang sửa chữa từ nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia và ngân sách địa phương. Thiết bị văn hóa được các địa phương quan tâm bổ sung từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Kỷ niệm 40 năm thành tái lập huyện Bắc Bình, huyện đầu tư xây dựng 02 công viên tại thị trấn Chợ Lầu và thị trấn Lương Sơn với nhiều dụng cụ tập thể dục công cộng phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho bà con tại địa phương. Năm 2019, đầu tư 1,5 tỷ đồng xây dựng trùng tu đình Hòa Thuận; 400 triệu đồng sữa chữa đình đình Đông An và 600 triệu đồng sữa chữa đình Xuân An. Các xã đều có quy hoạch quỹ đất đề xây dựng khu thể thao từng bước xây dựng cơ sở vật chất cho phát triển thể dục thể thao; UBND huyện đã tiến hành quy hoạch sử dụng đất cho thể dục thể thao của 18 xã, thị trấn đã được UBND tỉnh phê duyệt. Công tác xã hội hóa thể dục thể thao từng bước được phát triển các tổ chức cá nhân đã có những đầu tư tạo diện mạo mới cho phong trào thể dục thể thao huyện nhà. Đến nay, trên địa bàn huyện có 4 phòng tập thể hình, 25 sân bóng đá mini, 10 câu lạc bộ thể thao,… đang hoạt động. Năm 2023, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và UBND huyện Bắc Bình đã phối hợp xây dựng công trình văn hóa, thể dục thể thao tại xã Phan Thanh với kinh phí xây dựng 1 tỷ đồng. Hoạt động Thư viện huyện được củng cố, bổ sung trên 2.845 bản sách mới, bổ sung báo 30 loại; luân chuyển sách về cơ sở (tủ sách ở các xã, thị trấn) 1.530 bản; luân chuyển sách cho các trường học 5.317 bản; luân chuyển sách tại thư viện 209.463 bản; bạn đọc tại thư viện 27.028 lượt; tổ chức đố vui có thưởng tại thư viện 64 buổi; phối hợp Thư viện tỉnh phục vụ xe thư viện lưu động 14 buổi; tuyên truyến giới thiệu sách trên facebook 29.440 lượt tiếp cận; xử lý và nhập sách vào phần mềm quản lý 9585 bản;…

    Có thể nói, với bề dày lịch sử truyền thống của địa phương, cùng với sự đa dạng về phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc. Huyện Bắc Bình sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả hơn nữa xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước nhưng vẫn giữ được truyền thống đoàn kết gắn bó trong cộng đồng các dân tộc, tôn giáo toàn huyện.


Các tin khác