Hỗ trợ Đoàn khảo sát trung ương khảo sát thực tiễn mô hình "Làng gốm Bình Đức" tại địa phương

        Nằm trong Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai công tác khảo sát, nghiên cứu đề tài trọng điểm cấp Quốc gia của Ban Dân vận Trung ương.

        Sáng ngày 08/11/2023, đồng chí Cao Sơn Dũng - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy đã phối hợp, hỗ trợ Đoàn khảo sát trung ương đến khảo sát thực tiễn mô hình "Làng gốm Bình Đức" tại thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình.

        Đón tiếp Đoàn khảo sát tại Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm, về phía tỉnh Bình Thuận có đồng chí Nguyễn Linh Nhơn - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy, chuyên viên Phòng Đoàn thể và các hội, Ban Dân vận Tỉnh ủy. Tham dự đón đoàn còn có các đồng chí đại diện lãnh đạo Ban Dân vận, Văn phòng Huyện ủy, đại diện lãnh đạo xã Phan Hiệp và một số hộ dân tham gia mô hình "Làng gốm Bình Đức" trên địa bàn xã Phan hiệp.

         Làng gốm Bình Đức hay còn gọi là làng gốm Gọ của người Chăm đã có từ rất lâu đời nằm tại thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Theo các nghệ nhân cho biết, nghề gốm ở thôn Bình Đức có từ rất lâu, được các gia đình người Chăm nơi đây duy trì qua nhiều đời.

         Cách nung gốm ở Bình Đức cũng đặc biệt hơn những nơi khác. Gốm được đặt lên mặt sân, sau đó phủ rơm rạ, củi khô rồi nổi lửa đốt, khi lửa tàn thì sản phẩm cũng vừa chín. Để trang trí màu cho sản phẩm, lúc gồm vừa dỡ ra khỏi lò đang còn nóng, người thợ dùng nước chế từ trái thị vẩy lên sản phẩm, khi nguội sẽ tạo thành những đốm sao tròn màu nâu đen trông đẹp và rất lạ mắt.

        Sản phẩm gốm của làng Gọ chủ yếu dùng trong sinh hoạt gia đình, như nồi cơm, nồi kho cá, bình cắm hoa, bình phong thủy, lò… mang những đường nét mềm mại, khéo léo, vừa phong phú về mẫu mã lại đa dạng về chủng loại, rất được ưa chuộng ở các thị trường Tp. Hồ Chí Minh, Phan Thiết, Bình Dương...

        Phát biểu tại buổi đón tiếp, Đoàn Khảo sát Ban Dân vận Trung ương đã chúc mừng bà con làng nghề, đồng chí coi đây không chỉ là niềm tự hào của địa phương, hay làng nghề gốm Chăm Bình Đức, mà còn là niềm tự hào của người dân cả nước khi Việt Nam có thêm 1 di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO ghi danh; đây chính là tiềm năng, lợi thế tạo động lực để phát triển làng nghề nói riêng và kinh tế - xã hội địa phương nói chung.

         Đoàn đề nghị bà con đoàn kết, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy tính tự lực, tự cường lao động sản xuất làm giàu cho gia đình và quê hương, đóng góp vào công cuộc đổi mới của đất nước, đưa gốm Chăm tới các thị trường trong và ngoài nước…

          Trong chuyến khảo sát, các đồng chí trong đoàn đã đi thăm Làng gốm Bình Đức, xem khu trưng bày các sản phẩm gốm truyền thống./.


Các tin khác