Bắc Bình: chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn

      Bắc Bình là huyện miền núi có 36,54% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy, công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc luôn được huyện xác định là nhiệm vụ ưu tiên, thường xuyên được quan tâm triển khai thực hiện.

Xã Hải Ninh tổ chức tuyên truyền pháp luật về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

       Trên địa bàn huyện bắc Bình, đồng bào dân tộc thiểu số sống chủ yếu ở 04 xã miền núi, 05 xã đồng bằng và các thôn xen ghép, bao gồm: 03 xã dân tộc Chăm (Phan Hòa, Phan Hiệp, Phan Thanh), 02 xã có đông đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Hoa (Hải Ninh, Sông Lũy), 4 xã dân tộc K’Ho, Rắclây (Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Điền, Phan Tiến) và một số thôn xen ghép: An Lạc, An Hòa - xã Bình An, Lương Bắc - thị trấn Lương Sơn, Tân Sơn - xã Sông Bình và một số đồng bào dân tộc thiểu số khác sống đan xen tại các xã trong huyện.

        Để chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong 10 năm qua, thông qua nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn do Trung ương hỗ trợ có mục tiêu và ngân sách địa phương, đã đầu tư cho 09 xã và 04 thôn xen ghép vùng đồng bào dân tộc thiểu số hơn 312.240 triệu đồng trên nhiều lĩnh vực, cụ thể: Về giao thông: 241 công trình/100.418 triệu đồng; bê tông hóa trên 28 km đường giao thông nông thôn, đạt tỷ lệ trên 90%; cứng hóa bằng sỏi đỏ giao thông nội đồng đạt tỷ lệ trên 85%. Về thủy lợi: 131 công trình/31.158 triệu đồng; hệ thống thủy lợi vùng dân tộc thiểu số theo quy hoạch đạt trên 90%; ngoài ra, các công trình thủy lợi nhỏ từ đồng ruộng của hợp tác xã, nông dân thực hiện bê tông hóa đạt trên 55%. Về giáo dục: 243 công trình/125.367 triệu đồng. Về y tế: 06 công trình/4.029 triệu đồng. Về điện: 06 công trình/1.045 triệu đồng. Nước sinh hoạt: 07 công trình/5.676 triệu đồng; có 09/09 xã và 03/05 thôn xen ghép có hệ thống nước sinh hoạt tập trung. Cơ sở vật chất văn hóa: 185 công trình/35.730 triệu đồng. Các công trình khác: xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các công trình phục vụ thoát nước trong khu dân cư, trụ sở phục vụ nơi làm việc 02 công trình/2.513 triệu đồng của 09 xã vùng dân tộc thiểu số/5.350 triệu đồng.

        Nhằm tạo điều kiện hỗ trợ cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo, tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước nâng cao trình độ về ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chăn nuôi. Kết quả, trong 10 năm qua đã tổ chức được 135 buổi tập huấn kỹ thuật cho hơn 5.985 lượt tham dự; xây dựng 07 mô hình phát triển kinh tế, với tổng số tiền 900 triệu đồng tại xã Phan Hòa, Phan Thanh, Phan Điền, Phan Hiệp, Phan Tiến, Phan Sơn, Phan Lâm.

       Công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, từ năm 2016 đến nay tổng số lượng đào tạo nghề là 2.197 người, giải quyết việc làm được 2.007 người.

       Hoạt động kinh doanh, thương mại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hiện nay có 02/04 xã miền núi có chợ tập trung; ngoài 02 chợ tập trung, UBND tỉnh đầu tư xây dựng 04 cửa hàng dịch vụ miền núi cho 04 xã vùng cao (Phan Điền, Phan Lâm, Phan Tiến, Phan Sơn) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua, bán trao đổi hàng hoá và hưởng lợi từ chính sách trợ cước, trợ giá của Chính phủ. Trong vùng đồng bào dân tộc có 06 doanh nghiệp; ngoài ra, nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm tiếp tục duy trì sản xuất như: làng nghề gốm gọ thôn Bình Đức - xã Phan Hiệp hiện có khoảng 35 lao động tham gia sản xuất; thu nhập bình quân từ 3,0 - 3,8 triệu đồng/lao động/tháng (sản phẩm tiêu thụ chủ yếu trên địa bàn tỉnh).

       Nhìn chung, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số có sự thay đổi đáng kể, số hộ khá, giàu vùng đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu ở vùng đồng bằng) tăng lên hàng năm; nhiều hộ xây dựng nhà ở kiên cố, mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt gia đình.

       Công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản ổn định, nhân dân yên tâm sản xuất, đời sống, văn hóa, vật chất, tinh thần từng bước được cải thiện. Lực lượng Công an từ huyện đến cấp xã đã chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ để phòng ngừa, trấn áp tội phạm; điển hình xử lý vụ đánh bạc tại xã Phan Hiệp, Phan Sơn; vụ giao cấu trẻ em tại xã Phan Sơn; lập hồ sơ đưa các đối tượng vào cơ sở cai nghiện gồm xã Hải Ninh, Sông Lũy, Phan Thanh. Mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đồng bào dân tộc thiểu số luôn được cấp ủy các xã chú trọng quan tâm, phối hợp với các tổ chức, đơn vị tỉnh, huyện xây dựng nhiều mô hình, điển hình trong nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát huy có hiệu quả, như: “Ánh sáng an ninh”, “Tuyến đường thanh niên tự quản”, “Chức sắc tham gia bảo đảm an ninh trật tự”, “dòng tộc văn hóa tự quản về an ninh trật tự”, “Khu dân cư bảo đảm an ninh trật tự”, “Camera an ninh”, Tuyên truyền an toàn giao thông”, “Hũ gạo tiết kiệm”, “Tổ nồng cốt tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thểu số” “tổ tự quản, tự phòng, tự chống”, “tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm, xâm hại trẻ em”, mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy và chữa cháy”;…

       Để tiếp nâng cao, phát triển hơn nữa đời sống cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số; huyện Bắc Bình sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách, các chương trình, dự án góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức đồng bào về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; ý thức cảnh giác và bản lĩnh chính trị cho đồng bào dân tộc thiểu số không để mất cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm gây mất đoàn kết giữa các dân tộc. Tổ chức các hoạt động an sinh xã hội; từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục xây dựng, phát huy vai trò của các già làng, người có uy tín, cốt cán trong đồng bào dân tộc thiểu số; nâng chất lượng các phong trào thi đua yêu nước thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, tham gia giám sát, phản biện xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vùng đồng bào dân tộc thiểu số vững mạnh. Tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đạt hiệu quả; xây dựng nếp sống văn minh, xóa dần các tập tục lạc hậu, đi đôi với việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của từng dân tộc;…


Các tin khác