Bắc Bình: 10 năm thực hiện Kết luận số 100-KL/TW, ngày 18/8/2014 của Ban Bí thư (khóa XI) về việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội

         Xác định công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội là một kênh thông tin quan trọng giúp cấp ủy, chính quyền lãnh đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tốt hơn, Ban Thường vụ Huyện ủy thường xuyên lãnh, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt là Ban Tuyên giáo Huyện ủy phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, nắm bắt, định hướng dư luận xã hội một cách hiệu quả.

Giao ban dư luận xã hội được tổ chức định kỳ 2 tháng/lần

        Từ khi có Kết luận số 100-KL/TW, ngày 18/8/2014 của Ban Bí thư (khóa XI) về việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành quyết định về củng cố Tổ cộng tác viên dư luận xã hội cấp huyện gồm 20 đồng chí. Trong quá trình hoạt động kịp thời củng cố, kiện toàn, sắp xếp Tổ cộng tác viên dư luận xã hội huyện đảm bảo theo yêu cầu nhiệm vụ đặt ra; duy trì họp giao ban định kỳ 2 tháng/lần, qua đó từng cộng tác viên phản ảnh tình hình các lĩnh vực mà cán bộ, đảng viên, Nhân dân đồng thuận theo các chủ trương, chính sách của Đảng - Nhà nước, các nhiệm vụ lãnh chỉ đạo của huyện về phát triển kinh tế - xã hội, tình hình an ninh trật tự ở địa phương, đồng thời phản ảnh các vấn đề mà cộng tác viên nắm bắt được qua cán bộ, Nhân dân đề xuất kiến nghị hoặc các vấn đề bức xúc ở địa phương, đơn vị. Sau đó, Ban Tuyên giáo Huyện ủy tổng hợp ý kiến, đồng thời thẩm định, xác minh nhiều chiều xem lại thông tin cộng tác viên cung cấp có thật chính xác, đầy đủ không, đặc biệt phân biệt giữa dư luận xã hội và tin đồn để từ đó tổng hợp báo cáo cho Thường trực Huyện ủy có hướng xử lý theo thẩm quyền. Ngoài những nội dung được nắm bắt qua các cuộc họp định kỳ, cộng tác viên dư luận xã hội còn thường xuyên cung cấp và trao đổi thông tin trực tiếp qua điện thoại, qua báo cáo nhanh khi có vấn đề xảy ra mà mình thu thập được với Ban Tuyên giáo Huyện ủy để kịp thời báo cáo với cấp trên.

         Đối với những vấn đề nhạy cảm liên quan đến việc điều hành của chính quyền địa phương như: thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid - 19, việc triển khai các dự án của tỉnh, nhất là dự án Hồ chứa nước Ka Pét, Hồ thủy lợi La Ngà 3, Hồ Biển Lạc,... Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo nắm chắc tình hình dư luận trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân để kịp thời có hướng xử lý cụ thể.

         Ngoài ra, phương pháp lấy ý kiến bằng phiếu hỏi cũng thường xuyên được sử dụng. Ban Tuyên giáo Huyện ủy định kỳ 6 tháng gửi 50 phiếu hỏi cho các đối tượng khác nhau. Tùy theo nội dung phiếu hỏi để phân chia số lượng phiếu, chọn đối tượng và địa phương, đơn vị phát phiếu phù hợp. Ví dụ, khi phiếu hỏi điều tra về công tác giáo dục - đào tạo sẽ được gửi cho các trường học; vấn đề về các chính sách an sinh xã hội gởi cho các các đối tượng cựu chiến binh, nông dân, phụ nữ; công tác chăm lo vùng đồng bào dân tộc thiểu số gửi cho các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện như: Phan Lâm, Phan Sơn, Phan Tiến, Phan Điền. Ban Thường vụ Huyện ủy cũng thường xuyên chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy đa dạng hóa các phương pháp điều tra, thăm dò dư luận xã hội thông qua việc nắm bắt dư luận xã hội qua báo chí, mạng xã hội… Ban Tuyên giáo Huyện ủy phân công trực tiếp một chuyên viên hàng ngày dành thời gian cập nhật báo chí, theo dõi các loại báo chính thống thường xuyên đăng tải những tin bài liên quan đến huyện Bắc Bình như: Báo Bình Thuận hàng ngày và cuối tuần, Báo Bình Thuận online, Báo Nhân dân, báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, Báo Thanh niên, Báo Tiền phong, Báo Đất việt, VOV giao thông,… chú ý các bài viết tại các mục giải đáp thắc mắc của người dân. Khi gặp các bài báo viết phản ánh chưa chính xác hoạt động tại huyện hoặc những nguyện vọng chính đáng của người dân nhưng chưa được giải quyết thì trình lên lãnh đạo Ban và Ban báo cáo Thường trực Huyện ủy xem xét, chỉ đạo giải quyết. Đặc biệt, việc nắm bắt dư luận qua các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Instagram,… là một trong những phương pháp nắm bắt dư luận xã hội được tập trung thực hiện trong thời gian gần đây. Khi phát hiện những bài viết của các cá nhân về huyện Bắc Bình phản ánh những thông tin trái chiều trên Facebook, những tài khoản đưa ra nhận định sai sự thật, có ý xuyên tạc, ảnh hưởng đến tư tưởng người dân. Ban Thường vụ Huyện ủy đã cập nhật, chỉ đạo các cơ quan chức năng trực tiếp phản bác, đính chính. Từ đó, công tác nắm bắt ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, định hướng dư luận xã hội thuận lợi, kịp thời hơn rất nhiều.

         Công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội trong thời gian qua đã đem lại hiệu quả cao trong việc phản ảnh kịp thời những bức xúc của người dân, góp phần quan trọng giúp cấp ủy đảng, chính quyền địa phương điều chỉnh, bổ sung, xử lý để đề ra các nhiệm vụ sát thực với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị trật tự an toàn ở địa phương. Nắm bắt dư luận xã hội kịp thời, đây cũng là kênh thông tin quan trọng giúp các cơ quan lãnh đạo đánh giá đúng, sát thực tình hình tư tưởng, tâm trạng của cán bộ, Nhân dân trong huyện; trên cơ sở đó để định hướng dư luận xã hội, giải quyết có hiệu quả các vấn đề mà dư luận quan tâm, nhằm góp phần ổn định tình hình tư tưởng, tâm trạng xã hội của nhân dân trong huyện.

        Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế: Đội ngũ cộng tác viên có lúc còn chậm, hoặc chưa nhanh nhạy, kịp thời để phản ánh những sự việc nổi lên ở địa phương, cơ quan, đơn vị; phản ánh của cộng tác viên dư luận xã hội mang tính chất báo cáo là chính chưa phân tích, đánh giá bản chất của thông tin dư luận xã hội để có kiến nghị hướng giải quyết. Đối với việc phát phiếu điều tra dư luận xã hội, điều này tuy dễ làm nhưng rất khó kiểm soát được phiếu điều tra, do đó dễ phát sinh tình trạng một người đánh nhiều phiếu dẫn đến kết quả điều tra không đảm bảo khách quan.

        Vì vậy, trong thời gian tới, các địa phương, đơn vị cần tiếp tục đa dạng hóa các hình thức, phương pháp điều tra, thăm dò; nắm bắt, tổng hợp tình hình dư luận xã hội; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, địa phương trong công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội. Làm tốt công tác phản hồi thông tin, công khai kết quả nắm bắt dư luận xã hội đến với Nhân dân để người dân nhận thức và sử dụng quyền tự do dân chủ của mình một cách thiết thực nhất. Tiếp tục nâng cao vai trò của đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội huyện trong việc phản ánh, phân tích các nguồn thông tin;…


Các tin khác