Huyện Bắc Bình: 10 năm thực hiện Kết luận số 94-KL/TW, ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tiếp tục đổi mới học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân.

     Sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) ban hành Kết luận số 94-KL/TW, ngày 28/3/2014 về “tiếp tục đổi mới học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân”, Ban Thường vụ Huyện ủy Bắc Bình đã triển khai thực hiện gắn với những nhiệm vụ được xác định trong Chương trình hành động số 23-NQ/HU, ngày 26/01/2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khoá X) thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khoá XI) về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Bồi dưỡng sơ cấp lý luận chính trị cho đội ngũ giáo viên

     

     Xác định việc giáo dục lý luận chính trị là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng trong hệ thống Đảng và chính quyền, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo Trung tâm chính trị huyện chú trọng dành nhiều thời gian cho việc thảo luận, trao đổi giữa giảng viên, báo cáo viên với người nghe, tạo không khí cởi mở trong các lớp học. Sau các buổi học tập, Trung tâm phát phiếu đánh giá chất lượng truyền đạt của giảng viên, báo cáo viên; trên cơ sở đó có những điều chỉnh hợp lý nội dung để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin báo cáo thuyết phục người nghe. Trong quá trình giảng dạy, hầu hết các giảng viên, báo cáo viên đều sử dụng trình chiếu power point để thu hút người nghe và sinh động nội dung bài giảng.

     Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các chi bộ trường học đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa bằng nhiều hình thức phù hợp như: Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh dưới cờ vào thứ hai hằng tuần, tổ chức cho các em học sinh tham quan khu căn cứ cách mạng Tỉnh ủy Bình Thuận, khu di tích Dục Thanh, xây dựng tủ sách Hồ Chí Minh với nhiều đầu sách hay về Bác,…

     Đoàn thanh niên và các tổ chuyên môn lựa chọn nội dung, xây dựng các chủ đề dạy học trong mỗi môn học và các chủ đề tích hợp, liên môn, đồng thời xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với các chủ đề theo hình thức, phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực. Bên cạnh đó, các trường còn chú ý đến công tác giáo dục tư tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ thông qua việc phối hợp cùng với Huyện Đoàn - Hội đồng Đội huyện củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động công tác Đoàn - Đội trong trường học.

     Việc quản lý giảng dạy bộ môn giáo dục công dân trong các trường học thực hiện theo đúng quy định như: Quản lý chương trình giảng dạy theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; quản lý bằng công tác kiểm tra, dự giờ, đánh giá kiến thức và kỹ năng lên lớp; đánh giá, xếp loại theo chuẩn nghề nghiệp quy định.

     Bên cạnh đó, xây dựng nội dung học tập đạo đức và giáo dục công dân cho học sinh tiểu học và trung học. Hiện nay, toàn huyện có 01 Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp, 02 Trường trung học phổ thông, 19 Trường Mầm non –Mẫu giáo, 30 Trường Tiểu học, 18 Trường Trung học cơ sở (trong đó có 01 trường phổ thông dân tộc nội trú và 04 trường có 02 cấp tiểu học và trung học cơ sở). Đội ngũ giáo viên dạy giáo dục công dân ở các trường đạt chuẩn và trên chuẩn nên việc học tập đạo đức và giáo dục công dân cho học sinh tiểu học và trung học có nhiều thuận lợi. Nội dung chủ yếu của môn Giáo dục công dân được các giáo viên xây dựng phong phú, phù hợp tình hình thực tiễn, chủ yếu tập trung về giáo dục đạo đức, kĩ năng sống, pháp luật và kinh tế. Ở cấp tiểu học (môn đạo đức) và cấp trung học cơ sở (môn giáo dục công dân), thời lượng dạy là 01 tiết/tuần/32 tuần, định hướng chính của nội dung môn học là giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, quê hương, cộng đồng, nhằm hình thành cho học sinh thói quen, nền nếp cần thiết trong học tập, sinh hoạt và ý thức tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật. Ở cấp trung học phổ thông (môn giáo dục kinh tế và pháp luật), thời lượng dạy là 02 tiết/tuần/35 tuần (riêng khối lớp 12 là 01 tiết/tuần), nội dung chủ yếu là học vấn phổ thông, cơ bản về kinh tế, pháp luật phù hợp với lứa tuổi; mang tính ứng dụng, thiết thực đối với đời sống và định hướng nghề nghiệp sau trung học phổ thông của học sinh; được lồng ghép với nội dung giáo dục đạo đức và kĩ năng sống, giúp học sinh có nhận thức đúng và thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân. Ở mỗi lớp 10, 11, 12, những học sinh có định hướng theo học các ngành Giáo dục chính trị, Giáo dục công dân, Kinh tế, Hành chính, Pháp luật,… hoặc có sự quan tâm, hứng thú đối với môn học; được chọn học một số chuyên đề học tập nhằm tăng cường kiến thức về kinh tế, pháp luật và kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đáp ứng sở thích, nhu cầu và định hướng nghề nghiệp của mình. Ngoài ra, lồng ghép tích hợp các nội dung như: giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào các bài học, môn học, giáo dục tuyên truyền về biển đảo, giáo dục về truyền thống văn hóa dân tộc, phổ biến giáo dục pháp luật, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông. Các trường học còn chú ý đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống vào các bài học và các hoạt động, sinh hoạt ngoại khóa hợp lý, tránh gây tâm lý khô cứng, nặng nề cho học sinh.

    Nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức về lý luận chính trị trong đội ngũ giáo viên. Hàng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy xây dựng kế hoạch tổ chức các đợt giáo dục chính trị hè. Định kỳ 6 tháng, đồng chí Bí thư Huyện ủy, lãnh đạo UBND huyện và các Ban, ngành liên quan làm việc với lãnh đạo ngành giáo dục và bí thư, hiệu trưởng các trường học trên địa bàn huyện, cho ý kiến xử lý những vấn đề đặt ra từ thực tiễn công tác giáo dục và đào tạo.

    Bên cạnh những kết quả đạt được, việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn huyện còn một số hạn chế như: Giáo dục công dân là một môn học giáo dục bắt buộc cho học sinh, có vị trí rất quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân nhưng thời lượng giảng dạy còn rất ít, vì vậy hiệu quả có lúc không đạt theo yêu cầu. Công tác phối hợp xây dựng các hoạt động giáo dục đạo đức nhân cách, kỹ năng sống, kỹ năng mềm cho học sinh trong hoạt động ngoại khóa chưa nhiều.

    Vì vậy, trong thời gian đến, huyện Bắc Bình cần tiếp tục quan tâm bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm của Trung tâm Chính trị huyện, giáo viên giảng dạy giáo dục công dân ở các trường học đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ và cung cấp thông tin, kiến thức mới về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước cho đội ngũ giáo viên để cập nhật kịp thời vào nội dung giảng dạy. Tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo các đơn vị thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy lý luận chính trị, đạo đức phù hợp với từng đối tượng học sinh ở các cấp học. Tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi việc triển khai thực hiện, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho các cấp, trường học nâng chất lượng, hiệu quả thực hiện và tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp thực hiện.


Các tin khác