Công tác chỉ đạo được duy trì thường xuyên, liên tục, định kỳ hằng quý, Ban Chỉ đạo của huyện làm việc với các xã, thị trấn, các ngành cũng như làm việc với những người hợp đồng biên soạn lịch sử truyền thống các địa phương, đơn vị về tiến độ biên soạn lịch sử truyền thống. Từ đó, Ban Chỉ đạo nắm được tình hình, tiến độ và có sự chỉ đạo thích hợp đối với cấp ủy cơ sở cũng như kịp thời chỉ đạo các ban, ngành chức năng liên quan của huyện giải quyết tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác biên soạn trong phạm vi của huyện như cung cấp tư liệu, cấp ứng kinh phí.
Kinh phí chi cho việc biên soạn lịch sử truyền thống địa phương được quan tâm đúng mức, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của công việc biên soạn. Đối với cấp huyện, Ban Tuyên giáo Huyện ủy được trang bị 01 máy chụp ảnh và 01 máy ghi âm phục vụ cho công tác lịch sử. Hằng năm trong dự toán kinh phí chung của cơ quan Huyện ủy đều dành kinh phí cho công tác lịch sử truyền thống. Đối với các xã, thị trấn căn cứ kế hoạch dự toán ngân sách đầu năm, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện phân bổ kinh phí từ đầu năm.
Trong 10 năm qua, cấp huyện đã phát hành tập kỷ yếu “Chiến thắng Sông Mao trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, lịch sử truyền thống Đại đội 440-Hòa Đa 1961-1980. Cấp cơ sở, có 9 xã, thị trấn gồm: Hồng Phong, Hoà Thắng, Lương Sơn, Hồng Thái, Chợ Lầu, Phan Hiệp, Phan Rí Thành, Phan Sơn, Phan Thanh đã viết, in, phát hành xong tập sách lịch sử truyền thống giai đoạn kháng chiến. 04 địa phương là thị trấn Chợ Lầu, thị trấn Lương Sơn, xã Hồng Thái và xã Hòa Thắng đã phát hành lịch sử truyền thống địa phương, giai đoạn 1975-2010.
Song song với việc chỉ đạo biên soạn, Ban Thường vụ Huyện uỷ cũng quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống địa phương. Năm 2016, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức cuộc thi tìm hiểu lịch sử truyền thống Đại đội 440 Hòa Đa và huyện Bắc Bình chặng đường xây dựng và phát triển trong toàn huyện. Bài của các thí sinh đoạt giải cao, Ban Tuyên giáo Huyện ủy biên tập lại và gửi về các trường học trên địa bàn huyện để làm tài liệu sinh hoạt trong các buổi ngoại khóa. Một số cấp ủy xã, thị trấn chỉ đạo Hội Cựu chiến binh chọn lựa một số hội viên có khả năng truyền đạt tốt phối hợp cùng Đoàn Thanh niên tổ chức các buổi nói chuyện truyền thống cho học sinh, đoàn viên.
Tuy nhiên công tác biên soạn lịch sử truyền thống vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm: Công tác lưu trữ, quản lý hồ sơ, tư liệu liên quan đến lịch sử giai đoạn sau 1975 thực hiện không tốt, nguồn tư liệu trước năm 1975 lại càng ít hơn, dẫn đến việc khai thác, thu thập tư liệu ít kết quả, do đó việc biên soạn tái hiện các sự kiện lịch sử đã diễn ra trong quá khứ với độ lùi ngày càng xa dần theo thời gian khó đầy đủ và toàn diện, ảnh hưởng đến tiến độ. Cán bộ làm công tác lịch sử, kể cả những người trực tiếp biên soạn từ cơ sở đến huyện chủ yếu dựa vào kinh nghiệm thực tế, ít về số lượng, hạn chế về chất lượng, gây khó khăn cho việc tìm chọn và ký kết hợp đồng người biên soạn.
Để đẩy nhanh tiến độ công tác biên soạn lịch sử truyền thống của địa phương và các ngành, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy thực hiện tốt chức năng đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở biên soạn lịch sử truyền thống địa phương cấp mình. Tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục chỉ đạo cấp ủy cơ sở, Mặt trận và các đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống địa phương trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, chú trọng trong đoàn viên thanh niên và học sinh./.