Tại hội nghị, các ngành, địa phương phát biểu làm rõ thêm tình hình thực hiện công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn huyện: Công tác thu nộp Quỹ phòng chống thiên tai; việc chuẩn bị lực lượng, phương tiện vật tư, kết quả triển khai ứng phó theo Nghị định số 30/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; công tác quản lý, vận hành, tích nước đảm bảo sản xuất, an toàn hồ chứa; phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện cần thiết và vật tư dự phòng để xử lý, tu sửa kịp thời các công trình giao thông bị hư hỏng khi thiên tai xảy ra; công tác kiểm kê, đánh giá tình hình thiệt hại do thiên tai, công tác cấp phát kinh phí hỗ trợ thiệt hại do thiên tai,…
Trong năm 2017, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn huyện được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Huyện ủy, UBND huyện; Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện và xã thường xuyên được củng cố, xây dựng quy chế, phân công thành viên phụ trách địa bàn, các địa phương chủ động xây dựng phương án 4 tại chỗ; nhiều công trình phòng, chống, cảnh báo thiên tai, hệ thống thủy lợi được tiếp tục đầu tư xây dựng, sửa chữa nâng cao khả năng phòng, chống, ứng phó với thiên tai. Các ban, ngành, UBND các xã, thị trấn đã tiến hành các biện pháp tích cực chống hạn, chỉ đạo và giải quyết kịp thời về nước sinh hoạt, tuyên truyền tưới, sử dụng tiết kiệm nước,… củng cố lực lượng chuẩn bị đối phó với mưa bão. Chính quyền các cấp, ban, ngành, hội, đoàn thể cộng đồng tích cực tham gia công tác phòng chống hạn; phòng, chống và khắc phục hậu quả bão lũ với nhiều hình thức, sớm ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân. Sau thiên tai, UBND huyện kịp thời chỉ đạo cho các ngành, địa phương khẩn trương tổ chức khắc phục để ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân vùng bị thiên tai. Trong năm 2017, huyện Bắc Bình đã hỗ trợ thiệt hại 03 đợt thiên tai: Thiệt hai thiên tai do Mưa đá kèm lốc xoáy xảy ra ngày 24/4; thiệt hai do lốc xoáy, mưa lũ tháng 5, 6 năm 2017; thiệt hại do mưa lũ tháng 10 năm 2017.
Tuy các địa phương đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch ứng phó với thiên tai, có sự chuẩn bị nhưng vẫn mang tính hình thức, chưa sâu kỹ, chưa sát với thực tế và chưa có sự tham gia của cộng đồng người dân; công tác chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ” chưa được quan tâm đúng mức; công tác huy động phương tiện, lực lượng của địa phương tham gia vào tìm kiếm cứu nạn còn hạn chế, khó khăn về kinh phí; nguồn kinh phí đầu tư, hỗ trợ thiên tai còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu địa phương,…
Về nhiệm vụ trong thời gian đến, đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện yêu cầu các cấp, các ngành, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện và xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý nghĩa trong phòng ngừa, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; sẵn sàng công tác chỉ đạo, chỉ huy từ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả được chủ động, nhanh chóng, chính xác; kiểm tra, rà soát các vùng trọng điểm xung yếu, các vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, sạt lở bên sông, bờ biển để chủ động xử lý, đối phó kịp thời; rà soát, bổ sung, điều chỉnh phương án, kế hoạch sơ tán, di dời dân ở vùng ven biển chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão mạnh, siêu bão đổ bộ và vùng ảnh hưởng của lũ, ngập lụt; vùng chịu ảnh hưởng của nước biển dâng, triền cường, đưa ra các kịch bản cụ thể; thực hiện nghiêm túc việc lồng ghép phòng, chống thiên tai trong kế hoạch phát triển ngành và kinh tế xã hội ở địa phương./.