Đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo với công tác đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch ở huyện Bắc Bình

       Bắc Bình là huyện miền núi, có diện tích 186.576,62 ha, nằm về phía Đông Bắc tỉnh Bình Thuận. Phía Đông giáp huyện Tuy Phong; phía Tây giáp huyện Hàm Thuận Bắc và huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng; phía Nam giáp thành phố Phan Thiết và Biển Đông; phía Bắc giáp huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

       Với dân số 132.230 người, Bắc Bình là nơi chung sống của 25 dân tộc anh em gồm: Kinh, Chăm, Hoa, Tày, Rắc-lây, K’ho, Nùng, Ngái, Gia rai, Mường, Khơ me, Dao, Sán Chay, Sán Dìu, Thái, Mơ Nông, Chơ Ro, Chu Ru, Thổ, Tà Ôi, Cơ Lao, Hrê, Xtiêng, Kmú, Co.

       Là địa bàn rộng lớn, hầu hết ở mọi khu dân cư đều có các cơ sở tôn giáo, đến  nay, trên địa bàn huyện có 07 tổ chức tôn giáo và một số tín đồ theo đạo Cao đài và đạo Baha’i được phép hoạt động gồm: Phật giáo, Công giáo, Hồi giáo Bàni, Bàlamôn giáo, Tin lành. Có 56 cơ sở thờ tự với 363 chức sắc, tu sĩ, nhà tu hành; có 31.377 tín đồ - chiếm 23,97% so dân số toàn huyện. Nhìn chung, tình hình tôn giáo và hoạt động tôn giáo trên địa bàn huyện cơ bản ổn định. Đa số chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, tổ chức sinh hoạt đạo theo quy định của Hiến chương, giáo luật của giáo hội đã được Nhà nước công nhận và quy định của pháp luật.

       Mặc dù có nhiều dân tộc anh em và có nhiều tôn giáo khác nhau nhưng trong quá trình sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào có đạo ở Bắc Bình sống hòa nhập, giúp đỡ lẫn nhau, không tạo ra mâu thuẫn lớn. Thời gian gần đây cùng với sự phát triển của Internet, một số đối tượng cơ hội lợi dụng một số vấn đề liên quan đến dân tộc, tôn giáo đăng tải bài viết mang tinh chất kích động, chia rẽ khối đoàn kết toàn dân tộc, tạo ra dư luận không tốt ảnh hưởng đến công tác quản lý, điều hành của chính quyền địa phương.

       Một số phần tử cơ hội lợi dụng việc làm căn cước công dân đăng tải bài viết “Cộng đồng Chăm Bà ni bé nhỏ đứng trước nguy cơ mất tôn giáo” trên BBC NEWS TIẾNG VIỆT. Bài viết cho rằng cộng đồng Chăm hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận đối diện với cuộc xáo động rất lớn, khi người dân đi làm căn cước công dân mới nhưng mục tôn giáo, chữ “Bàni” biến mất, nếu không chọn “Đạo Hồi” thì phải ghi “Tôn giáo khác”. Với tín đồ Bàni, đây là việc hoàn toàn không thể chấp nhận, từ đó gây nên những bức xúc mạnh mẽ trong cộng đồng. Trước tình hình trên, lãnh đạo huyện Bắc Bình đã trực tiếp làm việc với các chức sắc Hồi giáo Bàni trên địa bàn huyện, thông qua các chức sắc đã tuyên truyền, đấu tranh phản bác các thông tin sai trái làm cho đồng bào Chăm theo Hồi giáo Bà ni hiểu đây là luận điệu xuyên tạc, thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, đồng thời phổ biến Công văn số 520/BNV-TGCP, ngày 13 tháng 02 năm 2023 của Bộ Nội vụ gởi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận về thông tin tôn giáo của công dân người Chăm theo Hồi giáo Bàni được ghi nhận cụ thể là “Hồi giáo Bàni”. Từ đó đồng bào dân tộc Chăm theo Hồi giáo Bà ni không tham gia bình luận, chia sẻ bài và có những bình luận phản bác để ổn định tình hình.

       Trong đợt dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ buộc phải tạm dừng các hoạt động tập trung đông người nhưng một số đối tượng trên địa bàn huyện lợi dụng việc này đã đăng tải: “Lại cấm tập trung, không được đi lễ” dẫn đến rất nhiều lời bình luận phản khoa học, lệch lạc, chống đối, gây hoang man trong cộng đồng. Tuy nhiên, cộng đồng theo đạo Thiên chúa trên địa bàn huyện được sự giải thích, động viên của chính quyền đã phản bác lại các luận điệu trên một cách thiết thực, hiệu quả. Nhiều người tham gia đấu tranh với các nội dung như: Các cấp lãnh đạo dừng các hoạt động tôn giáo tập trung là đúng, có gì đâu mà các bạn phản ứng vậy? Nhà nước mình làm như vậy là đúng là đang bảo vệ sức khỏe cho người dân, các bạn tập trung dự lễ có người mắc bệnh lây cộng đồng, rồi phải tập trung chữa bệnh ai sẽ đi làm kiếm tiền lo cho vợ con, gia đình …người lớn bị còn tự lo được trẻ em bị thì như thế nào?. Không đi lễ một vài ngày không chết, dịch bệnh nhiễm vào mới dễ chết…từ những bình luận đấu tranh phản bác từ những người có đạo, các bài viết kích động đã được gỡ bỏ.

        Cùng với việc đăng tải thông tin sai trái thù địch của các phần tử cơ hội, vấn đề tranh chấp trên Biển Đông giữa ta và Trung Quốc có tác động đến đời sống chính trị của cộng đồng người Hoa Trên địa bàn huyện. Trong cộng đồng các dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn huyện Bắc Bình, người Hoa có 2.432 hộ/9.837khẩu - chiếm 7,5% dân số toàn huyện. Cộng đồng người Hoa ở Bắc Bình cần cù lao động, tự lo cuộc sống của mình, không có tư tưởng đòi hỏi quyền lợi đối với Nhà nước, ít quan tâm đến những vấn đề về chính trị nhưng có tinh thần xây dựng quê hương, đất nước; họ thực sự yên tâm làm ăn, đầu tư nguồn vốn lớn để phát triển sản xuất kinh doanh. Liên quan đến tình hình tranh chấp biển đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc, bà con người Hoa ở Bắc Bình không có biểu hiện tư tưởng, hành động phức tạp ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương, họ đã thể hiện những chính kiến, phản ứng rõ ràng trước những vấn đề liên quan tình hình biển Đông (vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 ở vùng biển Việt Nam), họ cho rằng việc làm của Trung Quốc như vậy là sai trái, cả thế giới đã biết. Đồng bào Hoa không ai ủng hộ điều này. Ngược lại, họ kêu gọi chính phủ Trung Quốc hãy tuân thủ luật pháp quốc tế và rút ngay giàn khoan khỏi Việt Nam, Người Hoa ủng hộ Chính phủ bà nhân dân ta kiên trì đấu tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc Việt Nam”.

       Thực tế cho thấy rằng cho dù các phần tử cơ hội đăng tải các thông tin xấu  độc, thù địch thì đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào có đạo trên địa bàn huyện Bắc Bình vẫn tin tưởng vào Đảng và Nhà nước, sống tốt đời đẹp đạo,  giữ gìn bản sắc văn hóa,  tham gia phong trào xây dựng và phát triển quê hương giàu đẹp, luôn nêu cao cảnh giác cùng chính quyền kịp thời phản bác, đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch./.


Các tin khác