Tình hình thực hiện phát triển du lịch trên địa bàn huyện

    Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 24/10/2021 của Tỉnh ủy (khóa XIV) về phát triển du lịch đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, ngày 01/3/2022, Huyện ủy ban hành Kế hoạch số 113-KH/HU triển khai thực hiện, Ủy ban nhân dân huyện ban hành Kế hoạch số 106/KH-UBND ngày 25/4/2022 về phát triển du lịch đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, mục tiêu đưa ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. 

    Việc triển khai Nghị quyết và Kế hoạch được chú trọng và thực hiện nghiêm túc trong nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của ngành du lịch từ đó xác định trách nhiệm của từng ngành và địa phương theo mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển du lịch của huyện.

    Công tác chỉ đạo, triển khai và quản lý, thu hút đầu tư du lịch trên địa bàn huyện đã và đang thực hiện có hiệu quả; công tác quy hoạch các khu du lịch cơ bản được hoàn thành, tạo điều kiện cho việc thu hút đầu tư phát triển du lịch; hoạt động thông tin quảng bá, xúc tiến du lịch được tăng cường với nhiều nội dung và hình thức phong phú theo hướng xã hội hóa, các hoạt động văn hóa thể thao, các lễ hội truyền thống được tổ chức gắn với yêu cầu phát triển du lịch; các sản phẩm phục vụ khách du lịch được định hình mang nét đặc trưng riêng của địa phương. Các tập đoàn, nhà đầu tư  đã và đang triển khai dự án phát triển du lịch đã có kết quả nhất định, thu hút nhiều thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư; Các tour du lịch theo tuyến từ TP.HCM - Mũi Né - Hòa Thắng - Đà Lạt bước đầu được hình thành. Các điểm vui chơi giải trí, du lịch dã ngoại thu hút đông đảo nhân dân địa phương tham quan.

    Từ năm 2021 đến nay, lượng khách đến tham quan du lịch từ 200.000 - 220.000 khách (trong đó khách quốc tế đạt từ 20% - 30%). Tập trung phát triển mô hình du lịch tham quan sinh thái tại điểm du lịch Bàu Trắng; khuyến khích các cơ sở kinh doanh có đầy đủ điều kiện pháp lý hình thành hoạt động lưu trú, nghỉ dưỡng.

    Về chỉnh trang, tôn tạo trùng tu các di tích văn hóa kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia như Đình Đông An, Xuân An, Xuân Hội, Pô Nít; di tích cấp tỉnh Đình Hòa Thuận; Tỉnh công nhận di tích cấp tỉnh Nghĩa Chủng Từ, Thiên YANA (Phan Rí Thành), Po Klaong Kasait (Phan Hòa) và Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm (Phan Hiệp), từ việc xác định lợi thế của địa phương, chủ trương phát triển du lịch của huyện là đa dạng về loại hình, tận dụng cảnh quan thiên nhiên, khai thác các di tích lịch sử văn hóa, truyền thống cách mạng để phát triển du lịch; tiếp tục quan tâm quy hoạch và tác động Trung ương, tỉnh đầu tư chỉnh trang, tôn tạo di tích, chú trọng đưa vào quy hoạch chung của huyện; đề nghị tỉnh xem xét đầu tư xây dựng các di tích lịch sử văn hóa.

    Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch của huyện trong thời gian qua được chú trọng và thực hiện bằng nhiều hình thức trên website Hiệp hội du lịch tỉnh, website du lịch của điểm du lịch Bàu Trắng (dulichbautrang.vn), trang thông tin điện tử huyện, facebook, zalo. tiktok, ... Mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao của huyện để thu hút du khách và được duy trì hàng năm như giải bơi, chạy, trượt đồi cát mở rộng cấp khu vực thuộc các tỉnh miền đông nam bộ, đêm thơ huyền diệu Khu Lê, thể thao 4 xã miền núi, bóng rổ Hải Ninh, văn hóa- thể thao các thôn vùng sâu... giới thiệu các làng nghề và các sản phẩm gốm gọ, dệt thổ cẩm, bánh tráng, dông Khu Lê và sản phẩm văn hóa nghệ thuật Chăm nhằm góp phần quảng bá, giới thiệu nét văn hóa độc đáo của các dân tộc trong huyện là điểm đến của các tour du lịch để tham quan, tìm hiểu đặc trưng văn hóa vùng.

    Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm vào những dịp tết Nguyên đán, lễ hội Katê, lễ hội Ramưwan của đồng bào Chăm thường tổ chức các cuộc thi nhằm quảng bá, thu hút khách tham quan, nghiên cứu như: Liên hoan tiếng hát dân gian Chăm và trình diễn trang phục truyền thống; hội thi tay nghề dệt thổ cẩm, gốm gọ; hội thi các môn văn hóa ẩm thực dân gian cách làm bánh gừng, bánh sakaya và peinung để trang trí lễ vật dâng cúng.

    Tham gia phối hợp thực hiện các sự kiện do tỉnh, huyện tổ chức chào mừng Năm du lịch quốc gia 2023, 40 năm tái lập huyện như: Lễ Hội Môtô Việt Nam - Bình Thuận 2023; giải Việt Nam FesTrival Bình Thuận 2023; giải Stop And Run Marathon BTV- Bình Thuận 2023; giải thể thao mở rộng “Bơi, chạy, trượt vượt đồi cát” lần thứ IX.

     Tuy nhiên, so với mục tiêu đề ra, du lịch phát triển còn chậm chưa đạt kết quả theo tinh thần Nghị quyết. Các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc trong huyện, loại hình và sản phẩm du lịch chưa thật sự đa dạng để thu hút khách; chưa giải quyết căn bản mâu thuẫn giữa ngành du lịch với các ngành có lợi thế, nhất là hoạt động khai thác titan.

     Về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện thời gian đến, Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, đặc biệt là quản lý các quy hoạch; kiến nghị điều chỉnh, bổ sung những vấn đề phát sinh trong thực hiện quy hoạch sao cho phù hợp với thực tế. Xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung mọi nguồn lực để thực hiện trong phát triển kinh tế- xã hội trong giai đoạn tiếp theo. Đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về du lịch, các kỹ năng giao tiếp; đồng thời phổ biến bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch đến cán bộ, đảng viên, người dân trong vùng quy hoạch phát triển du lịch, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường du lịch. Giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch Bắc Bình trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, trên các kênh truyền thông, trang Thông tin điện tử huyện; xây dựng Trạm thông tin hỗ trợ du khách tại Điểm du lịch Bàu Trắng. Phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm hiện có; giới thiệu các sản phẩm mới, chú trọng những sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương như gốm gọ, thổ cẩm, bánh tráng, thanh long. Gắn các chương trình lễ hội văn hoá Chăm (Katê, Ramưwan), tết Đầu lúa; phát huy giá trị văn hóa tại Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm, đền thờ Pônít, đền thờ vua Chăm Pô Klong Mơh Nai, đình làng Xuân Hội, Xuân An, đình làng Đông An, chùa bà Thiên Hậu …, làng nghề gắn với tham quan các di tích lịch sử văn hoá, lịch sử cách mạng. Tập trung đầu tư phát triển Điểm du lịch Bàu Trắng, nâng cấp Điểm du lịch Bàu Trắng làm điểm nhấn phát triển trong toàn khu du lịch khai thác có hiệu quả đồi cát Bàu Trắng, kết hợp rừng Khu Lê Hồng Phong (căn cứ kháng chiến) phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái gắn với văn hóa, lịch sử.


Các tin khác