Đồng bào Chăm Bàni huyện Bắc Bình, Bình Thuận Nô nức đón Lễ hội Súk Yơng

Với người Chăm Bàni, có thể nói Lễ Súk Yơng là lễ lớn và quan trọng, chỉ đứng sau tết Ramưwan.

Súk Yơng dịch sát nghĩa là lễ “ Thứ sáu xoay vòng”. Nếu như ở Phan Rang 3 năm diễn ra một lần, còn ở đây thì khoảng tháng 10 Chăm lịch mỗi năm bà con người Chăm ở huyện Bắc Bình, Bình Thuận lại nô nức đón lễ Suk Yơng. Đây là dịp để đồng bào Chăm Hồi giáo thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc tổ tiên, cầu cho xóm làng yên ấm, mưa thuận gió hòa và mùa màng tươi tốt.

        Tiếp nối truyền thống của người xưa, thánh đường thôn Bình Hòa luôn là nơi đầu tiên thực hiện Kinh hội xoay vòng, tiếp đến là thánh đường thôn Bình Thắng, thôn Bình Minh (xã Phan Hòa) rồi đến thánh đường thôn Cảnh Diễn, thôn Thanh Kiết và cuối cùng lễ hội sẽ được diễn ra ở thánh đường thôn Châu Hanh (xã Phan Thanh)”.

        Trong lễ hội này, vai trò chính thuộc về sư cả trụ trì và các chức sắc của thánh đường đó. Để chuẩn bị cho phần lễ, các chức sắc tôn giáo tại thánh đường luôn phải làm nghi thức tẩy rửa tay chân, chỉnh đốn trang phục. Bắt đầu buổi lễ là 6 thầy Char mang những ấm nước chuẩn bị cho lễ cúng. Tiếp đến sẽ có 1 ông Mưm làm nghi thức đánh trống, trống được tẩy rửa tượng trưng 2 lần nước, sau đó là 3 hồi trống vang lên giục giã. Lễ cúng bắt đầu, các tu sĩ cầu nguyện và đọc kinh Koran xin phép Thượng đế về đây chứng giám. Để kết thúc lễ Súk Yơng là nghi thức dâng mâm lễ vật lên Pô Acar. Trước tiên là dâng mâm bánh (xalau abu), kế đến là mâm cơm lễ gồm có đầy đủ các món và luôn luôn có một dĩa cơm được đơm cao và tròn. Sau phần lễ là cuộc họp bàn của các chức sắc về các vấn đề như chuẩn bị cho lễ Ramưwan, cùng những sửa chữa thay đổi trong các nghi thức, tín ngưỡng hay lễ tang, cưới hỏi... để tìm ra những cách giải quyết cụ thể và hiệu quả, thống nhất thực hiện trong thời gian tới.

        Khác hẳn không khí trang nghiêm trong thánh đường, khi nghi thức cúng lễ ở thánh đường hoàn tất, rộn ràng tiếng cười nói, tay bắt mặt mừng, người dân nơi diễn ra ngày lễ tiếp đãi khách khứa, bạn bè, người thân xa gần; trẻ em náo nức khoe áo mới, bánh trái; các chàng trai cô gái Chăm rực rỡ trong trang phục truyền thống, … cả làng ngập trong không khí vui tươi nhộn nhịp như tết. Kinh hội xoay vòng của bà con dân tộc Chăm Bàni huyện Bắc Bình ngoài ý nghĩa tôn giáo, nó còn mang tính cộng đồng, giao lưu tình cảm, thể hiện sự gắn kết giữa các dòng tộc, các thôn xóm và các thánh đường trong tỉnh Bình Thuận.

       Sau phần lễ, không thể thiếu đó là phần hội. Các làng còn lòng ghép giao lưu bóng đá, văn nghệ để tăng thêm không khí vui tươi cho ngày hội.


Các tin khác