Tham dự Hội nghị, gồm có Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN huyện; các đồng chí Huyện ủy viên (khoá XII); Trưởng các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội huyện; Bí thư các chi, đảng bộ cơ quan; Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, Chủ tịch UBMT TQVN và các tổ chức chính trị - xã hội các xã, thị trấn.
Nhìn chung, Việc tổ chức học tập, quán triệt và thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), 05 năm thực hiện Kết luận số 43-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) được Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo chặt chẽ và nghiêm túc; các hình thức học tập, tuyên truyền, phổ biến cho từng đối tượng được chú ý. Qua học tập quán triệt, tuyên truyền cán bộ, đảng viên, công chức, đoàn viên - hội viên nhận thức sâu sắc hơn vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới và xác định rõ trách nhiệm trong quá trình tổ chức thực hiện. Các nhiệm vụ xây dựng tổ chức đảng, đảng viên vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, củng cố mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân được cấp ủy các cấp triển khai khá toàn diện, hướng trọng tâm vào khắc phục những hạn chế khuyết điểm qua kiểm điểm và tập trung lãnh đạo thực hiện các nội dung theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII), gắn với đẩy mạnh thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác; Công tác dân vận của chính quyền được chú trọng triển khai, quan tâm tăng cường giáo dục cho đội ngũ công chức, viên chức về ý thức, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và những kiến nghị bức xúc chính đáng của dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; các chương trình phối hợp liên tịch giữa UBND, các ngành với Mặt trận - đoàn thể được quan tâm triển khai có kết quả; Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội đã có sự quan tâm đến đổi mới nội dung phương thức hoạt động, chất lượng một số tổ chức từng bước được nâng lên, phát huy vai trò, nhiệm vụ trong giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong hệ thống chính trị, thực sự là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và nhân dân. Nhiều mô hình trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” triển khai hướng về cơ sở đáp ứng được nhu cầu, sở thích của đoàn viên, hội viên và nhân dân, từ đó tập hợp quần chúng vào tổ chức cũng như phát huy được vai trò của đoàn viên, hội viên, cốt cán chính trị, tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua, góp phần phát triển kinh tế -xã hội, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Nhận thức về chăm lo xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận của các cấp được nâng lên.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được vẫn tồn tại những hạn chế nhất định: Công tác quán triệt, phổ biến và tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa sâu kỹ, chất lượng chưa cao. Vẫn còn một số tổ chức và người đứng đầu chưa quan tâm đúng mức việc triển khai thực hiện công tác dân vận; một số ít cán bộ chủ chốt của chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp nhận thức chưa sâu sắc về công tác dân vận trong tình hình mới, nên chưa định hướng tốt nội dung và cách thức triển khai thực hiện nhiệm vụ; vẫn còn cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa làm tốt công tác dân vận. Công tác dân vận của chính quyền vẫn còn một số mặt chưa đáp ứng yêu cầu; có nơi thực hiện kết quả chưa cao, nhất là giải quyết các vấn đề liên quan đến khiếu nại, kiến nghị, bức xúc của nhân dân trên một số lĩnh vực: đất tai, trật tự xây dựng,...; những vấn đề liên quan đến kiến nghị của cử tri, dư luận xã hội, trật tự an toàn xã hội, hoạt động tôn giáo trái phép phát hiện chậm và quy trình phối hợp xử lý giải quyết chưa chặt, có việc còn lúng túng, đùn đẩy trách nhiệm...
Để thực hiện có hiểu quả hơn Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), 05 năm thực hiện Kết luận số 43-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) và các kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Huyện ủy về “tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, phát biểu chỉ đạo kết luận hội nghị đồng chí Bùi Tấn Vinh - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy đề nghị trong thời gian tới cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI), Kết luận số 43-KL/TW, ngày 07/01/2019 và các văn bản có liên quan, đặc biệt là Quy chế số 21- QC/HU, ngày 25/02/2022 quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị huyện Bắc Bình, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về nhiệm vụ công tác dân vận. Ngoài ra, trong triển khai thực hiện nhiệm vụ cần gắn liền với các cuộc vận động triển khai thực hiện Chỉ thị 05- CT/TW, Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI, XII, XIII), trọng tâm là xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Trong công tác dân vận của chính quyền cần quan tâm triển khai, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của Nhà nước, đặc biệt là đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhu cầu hành chính của nhân dân; thực hiện tốt công tác tiếp dân, tăng cường đối thoại với nhân dân và giải quyết kịp thời những đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân. Bên cạnh đó, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để thể hiện rõ vai trò "cầu nối" giữa Đảng, Nhà nước với đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; triển khai có hiệu quả Nghị quyết về duy trì nâng cao chất lượng sinh hoạt Nhân dân ở địa bàn dân cư. Các cơ quan nhà nước, chính quyền cần làm tốt công tác kiểm tra nội bộ, chấn chỉnh những biểu hiện tiêu cực, làm tốt công tác phòng chống tham nhũng./.