Bắc Bình: chú trọng xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước

Huyện Bắc Bình có nền văn hóa truyền thống và lịch sử lâu đời; vì vậy, từ khi có Chương trình hành động số 29-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XII) về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Huyện ủy Bắc Bình càng xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Qua 2 năm triển khai thực hiện, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể từ huyện đến cơ sở có nhiều cố gắng để gìn giữ, phát huy, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, tạo được ý thức phát triển kinh tế gắn liền với phát triển văn hóa.

        Để việc triển khai thực hiện có hiệu quả, công tác tuyên truyền giáo dục được quan tâm; tuyên truyền giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc; nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật và xây dựng môi trường sống lành mạnh, có trách nhiệm với xã hội; có ý thức tự trọng, ứng xử có văn hóa; giữ gìn và tiếp tục phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc; từng bước hình thành các chuẩn mực giá trị văn hóa. Từ đó, nhân rộng các giá trị thẩm mỹ, nhân văn; đồng thời kiên quyết đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội; phê phán đẩy lùi các thói hư, tật xấu, cái ác, cái thấp hèn, lạc hậu, mê tín dị đoan gây ảnh hưởng xấu đến việc xây dựng con người, xây dựng nền văn hóa.

        Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng, việc đăng ký hộ gia đình, thôn, khu phố văn hóa; thị trấn văn minh dần đi vào chất lượng. Chú trọng xây dựng gia đình văn hóa được ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; đề cao vai trò trách nhiệm của các bậc ông bà, cha mẹ, anh chị trong mỗi gia đình; phát huy và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết yêu thương nhau; gắn kết chặt chẽ mối quan hệ gia đình, nhà trường và xã hội. Xây dựng thôn, khu phố văn hóa, nỗ lực thực hiện đầy đủ các chỉ tiêu đề ra, nhất là xóa đói, giảm nghèo, bộ mặt nông thôn xanh, sạch, đẹp, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, hạn chế các tệ nạn xã hội, an ninh trật tự được giữ vững, có tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, công tác phúc lợi xã hội được quan tâm. Với những nỗ lực ấy, tính đến cuối năm 2016, có 28.082/29.191 hộ đăng ký đầu năm được công nhận gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 96,2%, tăng 7,5% so với năm 2015; toàn huyện có 52/76 thôn, khu phố văn hóa. Năm 2016, công nhận 43/43 cơ sở thờ tự, đạt tỷ lệ 100%, tăng 5% so với năm 2015; công nhận 49/49 dòng tộc, đạt tỷ lệ 100%, tăng 11% so với năm 2015; việc xây dựng môi trường văn hóa đoàn kết, dân chủ, văn minh trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng được thực hiện một cách đúng thực chất. Quan tâm xây dựng mỗi trường học thật sự là trung tâm văn hóa, giáo dục, rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống; giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ; coi trọng xây dựng văn hóa trong Đảng, trong cơ quan nhà nước và các đoàn thể, gắn với tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh” làm nồng cốt, tạo sức lan tỏa ra ngoài xã hội. Tổ chức sinh hoạt tìm hiểu về lịch sử truyền thống của huyện, của xã góp phần giáo dục cho học sinh nâng cao truyền thống yêu quê hương đất nước. Với tinh thần đoàn kết nghĩa tình xóm làng thêm gắn bó, huyện Bắc Bình tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, quỹ “Vì người nghèo” hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu.

       Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao từ huyện đến cơ sở diễn ra sôi nổi, nhất là vùng sâu, miền núi; từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu mê tín dị đoan, thay vào sự văn minh tiến bộ trong cách nghĩ, cách làm, tiết kiệm được thời gian và tiền bạc của nhân dân. Hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống phi vật thể được quan tâm; hằng năm, huyện đều duy trì tổ chức Tết dân tộc gắn với Ngày hội văn hóa - thể thao 4 xã miền núi (được tổ chức luân phiên tại xã Phan Tiến, Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Điền); duy trì hội thi văn nghệ - thể thao các thôn vùng sâu; duy trì việc tham gia liên hoan “Tiếng hát về nguồn” được tổ chức tại các huyện, thành trong tỉnh. Hiện nay, trên toàn huyện có 76 đội văn nghệ quần chúng của thôn, khu phố duy trì tổ chức biểu diễn trong dịp lễ tết. Các lễ tết như: Katê, Ramưwan, Sukdâng (Chăm), Tết Nhorêhê, Đầu lúa (K’ho, RắcLay), lễ hội Đình làng được tổ chức bằng các hoạt động, hội thi văn hóa dân gian theo đặc thù bản sắc văn hóa của dân tộc. Lễ hội Đản sinh Phật Bà Quan Âm xã Hải Ninh; lễ cúng Tả Tài Phán của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Hoa được tổ chức 5 năm 1 lần. Ngoài ra, các làng nghề truyền thống như bánh tráng Chợ Lầu, gốm gọ Bình Đức (Phan Hiệp); văn hóa ẩm thực của các dân tộc; các di tích cấp huyện, cấp tỉnh và di tích văn hóa nghệ thuật cấp quốc gia như: Đình Xuân An, Đình Xuân Hội (Chợ Lầu), Đình Đông An (Phan Rí Thành), Đền PôNít (Phan Hiệp), Đền PôKlong MơNai - Kho mở Hoàng Tộc Chăm (Lương Sơn, Phan Thanh), Đàn Tiên Nông (Phan Hòa), Đình Hòa Thuận, Chùa Xuân An (Chợ Lầu), Đền Pô Klong Ksait (Phan Hòa), Chùa Bà Thiên Hậu cung (Phan Rí Thành),...; các danh thắng như điểm du lịch Bàu Trắng (Hòa Thắng), Hồ Picsin, Cà Giây (Bình An), Đập Đồng Mới (Lương Sơn) luôn được giữ gìn và phát huy. Hiện nay, Thư viện huyện có trên 15.000 đầu sách; phục vụ truy cập internet cho các em học sinh; mở rộng tủ sách về các thôn văn hóa nhằm phục vụ bạn đọc tìm hiểu tri thức trên các lĩnh vực. Duy trì hoạt động của Chi hội văn nghệ huyện, hoạt động theo từng mãn như văn, thơ, hội họa, nhiếp ảnh, sân khấu; hàng năm phát hành tuyển tập phục vụ mừng Xuân. Đội Thông tin lưu động xây dựng từ 3 đến 5 kịch bản tuyên truyền sân khấu biểu diễn phục vụ các thôn, khu phố, vùng sâu, vùng xa; tham gia các cuộc hội thi do Tỉnh tổ chức. Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện duy trì phát sóng, phát hình, tiếp phát Đài tỉnh - Trung ương, xây dựng nhiều chương trình chuyên mục địa phương, phản ánh tuyên truyền, truyền tải nội dung xây dựng đời sống văn hóa ở địa bàn dân cư, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.

        Với những kết quả đạt được, trong thời gian đến, huyện Bắc Bình sẽ tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa ở các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp, địa bàn thôn, khu phố trong huyện, gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; đồng thời xây dựng văn hóa gia đình thực hiện vai trò hạt nhân trong việc giáo dục, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục thể thao, phát triển sự nghiệp văn hóa thông tin hướng về cơ sở. Phát triển công nghệ thông tin đến các địa bàn dân cư nông thôn, miền núi; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý các hoạt động văn hóa trên địa bàn huyện./.


Các tin khác