BẮC BÌNH: đẩy mạnh nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng và giáo dục truyền thống cách mạng

Thực hiện Chỉ thị số 36-CT/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy Bắc Bình (khóa IX) về việc tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống các cấp. Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bắc Bình đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng; đồng thời triển khai sâu rộng công tác tuyên truyền, giới thiệu lịch sử Đảng bộ, lịch sử địa phương nhằm khơi dậy tinh thần cách mạng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

        Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2016, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã tiến hành làm việc với các xã Hòa Thắng, Hồng Phong, Hồng Thái, Bình An, Hải Ninh, Phan Hòa, Phan Rí Thành, thị trấn Chợ Lầu, thị trấn Lương Sơn để nắm kết quả thực hiện và các tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong triển khai, thực hiện tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy tại Thông báo số 332-TB/HU ngày 29/3/2013 Kết luận Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 36-CT/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy (khóa IX) về việc tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống các cấp. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Huyện uỷ hằng quý tổ chức giao ban định kỳ công tác tuyên giáo, kết hợp nắm bắt tình hình, theo dõi kết quả triển khai nghiên cứu biên soạn lịch sử đảng bộ của các xã, thị trấn; hướng dẫn, tham dự hội thảo, giúp đỡ biên tập các bản thảo hoàn chỉnh trình Ban Tuyên giáo tỉnh thẩm định và hỗ trợ việc xin cấp phép in phát hành cho các xã như: Hòa Thắng, Hồng Thái, Phan Thanh; lập danh sách cộng tác viên biên soạn lịch sử của huyện gửi Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tập huấn.

        Cùng với công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử, công tác giáo dục truyền thống cách mạng được cấp ủy Đảng, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể, các trường học quan tâm thực hiện bằng cách lồng ghép vào sinh hoạt chính trị theo chủ đề các ngày lễ, kỷ niệm, ngày chào cờ đầu tuần, tìm về địa chỉ đỏ, hái hoa dân chủ,... Một số cấp ủy xã - thị trấn chỉ đạo Hội Cựu chiến binh chọn một số hội viên có khả năng truyền đạt tốt phối hợp cùng Đoàn Thanh niên tổ chức các buổi nói chuyện truyền thống cho đoàn viên, học sinh. Các chương trình phát thanh của Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện và xã - thị trấn, một số bài viết đăng trên bản tin Bắc Bình đã trích tư liệu từ các tập sách lịch sử của địa phương tuyên truyền rộng rãi trong tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Huyện ủy tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy tổ chức phát động cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử truyền thống Đại đội 440 Hòa Đa và huyện Bắc Bình chặng đường xây dựng và phát triển” đến cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang, học sinh và nhân dân bằng nhiều hình thức. Thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục lịch sử đã góp phần nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần, niềm tin cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tạo không khí thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội mà Đảng bộ đề ra.

        Mặc dù đã có những cố gắng trong chỉ đạo và thực hiện nhưng công tác biên soạn lịch truyền thống tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn, nhất là khâu thu thập tư liệu lịch sử bao gồm tư liệu thành văn lưu trữ và tư liệu nhân chứng; công tác sưu tầm, gặp gỡ nhân chứng… Một số Đảng ủy xã chưa tập trung đúng mức, còn lúng túng trong chỉ đạo thực hiện.

        Để thực hiện tốt mục tiêu đề ra, trong thời gian đến, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bắc Bình tiếp tục tăng cường chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác nghiên cứu, sưu tầm lịch sử Đảng bộ; quan tâm đầu tư kinh phí, bố trí cán bộ có năng lực thực hiện việc nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn lịch sử. Tích cực đổi mới hình thức và nội dung việc học tập, giáo dục truyền thống cách mạng, đặc biệt là đưa lịch sử Đảng đến gần hơn với lực lượng đoàn viên, thanh niên và học sinh./.


Các tin khác