Bắc Bình: NHỮNG NỖ LỰC THỰC HIỆN XÂY DỰNG QUỸ “TIẾP BƯỚC CHO EM ĐẾN TRƯỜNG” NĂM 2014

Đảng ta đã xác định cùng với khoa học và công nghệ, Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu; là nhân tố quyết định cho sự phát triển của đất nước. Vì vậy, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, huy động tất cả mọi nguồn lực để đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục – đào tạo; một trong những giải pháp khơi dậy, phát huy truyền thống hiếu học, tạo mọi điều kiện để các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được đến trường là phát huy tinh thần cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội trong đóng góp xây dựng Quỹ “Tiếp bước cho em đến trường”.   

 

        Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh và của Ban Thường vụ Huyện ủy, năm qua Ban Chỉ đạo Cuộc vận động huyện Bắc Bình đã triển khai Cuộc vận động ủng hộ xây dựng Quỹ “Tiếp bước cho em đến trường”. Đây là năm thứ tư thực hiện Cuộc vận động, với sự nỗ lực, tích cực vận động của hệ thống chính trị và vai trò tham mưu của Ban Chỉ đạo hai cấp huyện và cơ sở, quỹ “Tiếp bước cho em đến trường” của huyện đã tiếp nhận sự ủng hộ cả bằng tiền và hiện vật với tổng trị giá tiền là: 1.807.685.200 đồng - đạt 361,5% % kế hoạch tỉnh giao. 
Từ nguồn quỹ vận động, ban chỉ đạo cuộc vận động hai cấp đã cấp 183 suất học  bổng cho học sinh, sinh viên với tổng trị giá 380.250.000 đồng; trao 12 máy vi tính cho Trường Tiểu học – Trung học cơ sở Võ Hữu – Hòa Thắng với tổng trị giá 100.000.000 đồng; đồng thời, hỗ trợ 4.855 suất học bổng cho học sinh với tổng số tiền là: 1.120.983.000 đồng; khen thưởng 2.278 suất cho học sinh giỏi, trị giá tiền là: 220.911.400 đồng. Bên cạnh đó, các tổ chức thành viên: Huyện Đoàn Bắc Bình đã vận động trao học bổng “thắp sáng ước mơ” với 18 suất học bổng cho trẻ em nghèo vượt khó với tổng trị giá: 9.000.000 đồng; Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã tổ chức trao quà cho học sinh nghèo tại xã Phan Hiệp trị giá 4.000.000 đồng.
        Có được kết quả đó là sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các tổ chức đoàn thể địa phương và Ban chỉ đạo hai cấp trong việc triển khai thực hiện cuộc vận động xây dựng Quỹ “Tiếp bước cho em đến trường” trên địa bàn huyện; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua sinh hoạt các Đoàn thể nhân dân đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng từ huyện đến cơ sở về mục đích, ý nghĩa, nội dung cuộc vận động với nhiều hình thức phù hợp; sự nỗ lực cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và sự hưởng ứng tích cực của toàn xã hội, đặc biệt là sự nhiệt tình ủng hộ của đội ngũ cán bộ, công chức trên địa bàn huyện, mặt trận, đoàn thể, quý công ty, doanh nghiệp, các cơ sở tôn giáo, nhà hảo tâm trong và ngoài huyện đóng góp. Qua đó, chăm lo sự nghiệp giáo dục huyện nhà, giúp các em học sinh khó khăn an tâm vào năm học mới, vững bước trên con đường học vấn để vươn đến một chân trời mới - chân trời của trí thức, khoa học, khát vọng và niềm tin. 
        Những kết quả đạt được trên, Ban chỉ đạo huyện rút ra kinh nghiệm sau:
        Một là, Ban chỉ đạo các cấp phải làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy trong việc lãnh đạo, chỉ đạo; đồng thời tranh thủ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền trong công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tích cực hưởng ứng cuộc vận động.
        Hai là, Ban chỉ đạo các cấp phải chủ động trong công tác xây dựng chương trình, kế hoạch, phân bổ chỉ tiêu cụ thể ngay từ đầu năm; theo đó, làm tốt các khâu, các bước trong chương trình kế hoạch, đồng thời từng tổ chức thành viên thông qua hoạt động vận động, tranh thủ mọi nguồn lực, kêu gọi ủng hộ của toàn xã hội đóng góp xây dựng quỹ. 
        Ba là, sử dụng tốt hệ thống thông tin đại chúng trong công tác tuyên truyền vận động. Đặc biệt là Đài truyền thanh – Tiếp phát truyền hình huyện, dành thời lượng chuyên mục tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa cuộc vận động; thường xuyên đưa tin những điển hình tập thể và cá nhân trong và ngoài huyện đã ủng hộ cho cuộc vận động vì học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ.
        Bốn là, làm tốt công tác khảo sát, kịp thời xét cấp học bổng đúng đối tượng; đồng thời, kịp thời hỗ trợ những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, gắn với quản lý thật tốt nguồn quỹ, tránh để sai sót dù là nhỏ nhất. 
Năm là, duy trì chế độ sinh hoạt Ban chỉ đạo các cấp, theo đó, thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp khắc phục những hạn chế, khó khăn để hoàn thành kế hoạch./.

 


Các tin khác