Bắc Bình: TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CÔNG TÁC ĐÀO TẠO NGHỀ, GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM

Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa X) và Kết luận số 93-KL/TU, ngày 06/9/2010 của Tỉnh ủy (khóa XI) về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khóa IX) ban hành Kết luận số 04-KL/HU, ngày 26/7/2007 về đào tạo nghề, giải quyết việc làm và tham gia xuất khẩu lao động đến năm 2010; Thông báo số 05-TB/HU, ngày 15/09/2010 của Ban Thường vụ Huyện ủy về việc tăng cường lãnh đạo công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Đồng thời chỉ đạo các cấp ủy đảng, cơ quan, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể xây dựng kế hoạch và tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.     

        Qua đó, hoạt động dạy nghề của huyện ngày càng được củng cố, tăng cường, dần đi vào ổn định, nâng dần về chất và lượng, đối tượng đào tạo được mở rộng về thành phần, độ tuổi và khu vực trong huyện; theo đúng lộ trình kế hoạch của huyện, của tỉnh đề ra; kết quả giải quyết việc làm hàng năm của huyện đều vượt so với kế hoạch, chỉ tiêu của tỉnh giao; kịp thời nắm bắt thông tin về thị trường lao động nhằm tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động phổ thông, lao động đã qua đào tạo nghề cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh ở các lĩnh vực; Ban Chỉ đạo cấp huyện và Ban Chỉ đạo các 18/18 xã, thị trấn thường xuyên được kiện toàn; cán bộ quản lý nhà nước về dạy nghề được bố trí; biên chế giáo viên cơ hữu tại Trung tâm dạy nghề huyện được quan tâm; Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 294/QĐ-UBND, ngày 27/01/2011 của UBND tỉnh đã tác động trực tiếp đến nhận thức của nhân dân trong huyện. Theo đó, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm đã có chuyển biến nhất định, tác động hỗ trợ phần nào cho công tác tuyên truyền vận động lao động nông thôn tham gia học nghề; việc đầu tư cơ sở vật chất cho công tác đào tạo nghề cũng được quan tâm; Công trình Trung tâm Dạy nghề đã hoàn thành tất cả các hạng mục và đưa vào sử dụng, có đủ cơ sở vật chất thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho lao động nông thôn ở các trình độ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên.

        Tuy nhiên, Việc đào tạo nghề những năm qua vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc, trong đó cần thừa nhận rằng: công tác tổ chức thông tin, tuyên truyền phổ biến của các cấp chính quyền và các cấp hội, đoàn thể về chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn còn nhiều bất cập, chưa đi vào chiều sâu, phổ biến rộng  đến các tầng lớp nhân dân, người lao động; Sự phối hợp trong triển khai công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm giữa các cấp, các ngành và chính quyền cơ sở có lúc chưa đồng bộ; Vai trò tham mưu của Ban chỉ đạo cấp xã cho cấp ủy địa phương để lãnh chỉ đạo hệ thống chính trị ở cơ sở trong đào tạo nghề chưa chủ động, tích cực; Việc khảo sát nhu cầu học nghề và tạo việc làm, định hướng nghề có lúc có việc chưa sát với thực tiễn (còn nhiều nghề phi nông nghiệp không tuyển sinh được). Việc giới thiệu lao động, xuất khẩu lao động còn gặp nhiều khó khăn.

        Trong thời gian đến, với những kinh nghiệm rút ra, để đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm Ban Thường vụ Huyện ủy xác định một số nhiệm vụ sau:

    Một là, Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận - đoàn thể trong huyện cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã xác định tại Kết luận số 93-KL/TU, ngày 06/9/2010 của Tỉnh ủy (khóa XI), Kết luận số 04-KL/HU, 26/7/2007của Huyện ủy về đào tạo nghề, giải quyết việc làm; Thông báo số 05-TB/HU, ngày 15/09/2010 của Ban Thường vụ Huyện ủy về việc tăng cường lãnh đạo công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020.

    Hai là, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đơn vị chức năng và các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm từ nay đến năm 2020; đề ra các giải pháp quản lý Nhà nước về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm.

    Ba là, Mặt trận, các đoàn thể các cấp cụ thể hóa, bổ sung nhiệm vụ đào tạo nghề cho đoàn viên, hội viên nội dung kế hoạch, chương trình hoạt động của tổ chức mình; phải chủ động với các ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện tốt Đề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2008-2015”, “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2015-2020”.

    Bốn là, Tiếp tục nghiên cứu đổi mới chương trình và nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong các trường trung học, giúp học sinh hiểu và có nhận thức đúng đắn về học nghề, đồng thời chủ động lựa chọn các loại hình học nghề phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

    Năm là, Trung tâm dạy nghề huyện phải năng động hơn trong xây dựng đội ngũ giáo viên cơ hữu bảo đảm yêu cầu; đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy phù hợp, hiệu quả. Chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho nhu cầu học nghề.

    Sáu là, Các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú về các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đào tạo nghề để người lao động tiếp cận đầy đủ những thông tin về học nghề, từ đó xác định đúng nghề cần học, cũng như cơ hội tìm việc làm nhằm giảm áp lực trong quản lý trật tự xây dựng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

                                                                         


Các tin khác