Qua thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã trở thành một nội dung rộng lớn, có ý nghĩa sâu sắc, tác động đến nhận thức, hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân; nhất là, sau khi thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã dần đi vào chiều sâu, phát triển theo chiều rộng, trở thành những mạch ngầm lan tỏa trong cộng đồng, khơi dậy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thể hiện tính nhân văn cao cả, nghĩa tình sâu sắc.
Từ năm 2011 đến nay, trên phạm vi toàn Huyện có hàng trăm tấm lòng nhân ái, nghĩa cử cao đẹp vì nhân dân phục vụ, vì lợi ích cộng đồng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó có những tấm gương làm theo Bác có sức thuyết phục cao như: Liêm khiết, trung thực; xả thân cứu người trong hoạn nạn; hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích cộng đồng, hiến đất làm đường giao thông; cưu mang những hoàn cảnh nghèo, khó khăn không nơi nương tựu; tham gia hiến máu cứu người; giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội; tích cực sáng tạo, tận tụy trong công việc vì dân, thương dân…, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị, khơi dậy tình cảm tốt đẹp; góp phần đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, xây dựng xã hội nhân nghĩa, nhân văn. Qua đó, chúng ta có thể khẳng định rằng: cái tốt và cái thiện trong cuộc đời luôn nở hoa và chiến thắng; những truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam được phát huy, trước hết là đạo làm người, giữ vững nếp sống lành mạnh, trong sạch “ Đói cho sạch, rách cho thơm” như tấm gương của: Ông Phạm Minh Trung – Công an Huyện Bắc Bình đã nêu tấm gương sáng về hành động liêm khiết, giữ vững phẩm chất trong sạch của người chiến sĩ Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ, kiên quyết không nhận hối lộ 3 triệu đồng của người Trung Quốc; Bà Nguyễn Thị cảnh, Nguyễn Thị Tín - cán bộ Kho bạc Nhà nước huyện Bắc Bình, nhiều lần trả lại tiền thừa cho khách hàng từ năm 2011 đến nay đã có 79 lần, với số tiền 96.593.000 đồng; em Nguyễn Phạm Tuyên – học sinh lớp 7A5 trường THCS Bắc Bình 3 trả lại số tiền nhặt được gửi lại cho người đánh mất. Bên cạnh đó, có những cá nhân luôn quan tâm giúp đỡ bạn bè, những nghĩa cử cao đẹp đó được nâng lên qua việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Mỗi ngày chở bạn kém may mắn đến trường đó là em Nguyễn Long Vũ Tuấn – Học sinh lớp 7A2, trường THCS Bắc Bình 3, dân tộc chăm, thường trú tổ 2 – thôn Cảnh Diễn – xã Phan Thanh là con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ, tuy còn nhỏ, nhưng biết quan tâm giúp đỡ bạn bè vượt qua hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ bỏ học. Năm học 2012 - 2013 em Tuấn đã chở bạn Tạ Văn Trung học cùng lớp, mồ côi cả cha lẫn mẹ, ở với bà, nhà xa trường 3 km, không có phương tiện đi học. Năm học 2013 – 2014, Tuấn xin bố mẹ cho bạn về ở cùng gia đình để tiện việc giúp đỡ...còn đó còn có những tấm gương vượt lên chính mình, tuy hoàn cảnh tật nguyền rất đáng thương, nhưng đáng quý hơn cả là ý chí vượt khó, là tinh thần hiếu học, là khát vọng vươn lên, là ý thức sống có trách nhiệm với bản thân, với gia đình và cộng đồng, quyết tâm phấn đấu thực hiện lời dạy của Bác Hồ “tàn nhưng không phế”, hòa mình vào cuộc sống, học tập, lao động, vượt qua số phận để làm nên những điều giá trị và đẹp đẽ trong cuộc sống, như: Nguyễn Thành Lâm, ở xã Hòa Thắng, khi mới 10 tháng tuổi, bị cháy mất cả 2 bàn tay, lớn lên với niềm tin, hy vọng và nghị lực đã vượt qua tất cả, tự chăm lo cho bản thân và tiến bước trên con đường học tập, làm thêm công việc bán vé số, dạy kèm để tự trang trải, phụ giúp gia đình trong thời gian học đại học, hiện nay đã là một công chức làm việc ở UBND xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình.
Đáng chú ý hơn, qua 3 năm đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã khơi dậy mạnh mẽ truyền thống tương thân tương ái “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách”, chia sẻ những hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, góp phần quan trọng vào việc tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước thương nòi, tạo nên một nét đẹp tiêu biểu trong đời sống văn hóa – xã hội, như: Sư cô Trần Thị Lợi - Tịnh xá Ngọc Vân, thôn Hòa Thuận, thị trấn Chợ Lầu, thấm nhuần tinh thần “Đạo pháp - Dân tộc”, sống tốt đời, đẹp đạo, đã đem những giá trị đạo đức và văn hóa của Phật giáo với đạo đức Hồ Chí Minh áp dụng vào đời sống xã hội, từ năm 2011 - 2013 Sư cô tích cực giúp đỡ các gia đình nghèo, neo đơn, học sinh nghèo hiếu học ở địa phương với tổng số tiền trị giá 258,74 triệu đồng... Đồng thời, những tấm gương dũng cảm quên mình, không sợ hiểm nguy để cứu người và đấu tranh chống tội phạm nguy hiểm khiến nhiều người cảm phục, như: Em Chung Thị Kim Vân, học sinh lớp 6A5, trường trung học cơ sở Lương Sơn đã dũng cảm hy sinh tính mạng xả thân mình lao xuống hố để cứu bé Đạt không bị ngạt nước, được UBND Tỉnh truy tặng bằng khen cho nữ sinh xả thân cứu người, được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi thư thăm hỏi, động viên gia đình và Tỉnh Đoàn Bình Thuận cũng đã hoàn tất hồ sơ đề nghị Trung ương Đoàn truy tặng Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm cho em vân; ngoài ra, còn có những tấm gương dũng cảm, không sợ hiểm nguy và đấu tranh chống tội phạm nguy hiểm như: ông Ức Xuân Chiểu – Công an viên xã Phan Hòa đã dũng cảm truy bắt đối tượng nguy hiểm, trong năm 2012 được Bộ Công an tặng bằng khen, năm 2013 được Bí thư Tỉnh ủy gửi thư khen... Đặc biệt từ những chuyển biến về nhận thức trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đã làm sáng lên tinh thần vì cộng đồng, vì lợi ích chung, nhiều cá nhân đã tích cực tham gia thực hiện tốt các phong trào do ngành, địa phương phát động; trong đó, phong trào xây dựng nông thôn mới, tạo sức lan tỏa rộng rãi, nhiều cá nhân, hộ gia đình tự nguyện đóng góp tiền của, hiến đất ruộng, đất ở, đất vườn để xây dựng giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, xây dựng các công trình phục vụ vì lợi ích chung, như: Ông Lương Phát Bậu – thôn Lương Đông – thị trấn Lương Sơn đã tự nguyện hiến 450 mét vuông đất để mở đường vận chuyển hàng hóa, 220 mét vuông đất làm cầu treo Lương Đông..; phong trào hiến máu nhân đạo đã thu hút ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân tham gia, những giọt máu nghĩa tình không những mang lại sự sống cho nhiều người bệnh, mà còn mang lại niềm vui cho cộng đồng, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong những trái tim nồng ấm, nhiệt huyết, thể hiện tính nhân văn sâu sắc của người hiến tặng dành cho người bệnh, nhất là đối với những hoàn cảnh khó khăn , mắc bệnh hiểm nghèo, với mong muốn mang lại sức khỏe, niềm vui, sự sống cho con người “Mỗi giọt máu cho đi một cuộc đời ở lại”. Có những cá nhân không ngừng ngại khi tham gia hiến máu hàng chục lần, như: Ông Nguyễn Trung Nhân – Bí thư chi đoàn thôn Thái An- xã Hồng Thái đã có 22 lần hiến máu, trong đó có những lần hiến máu đột xuất cứu người tại Bệnh viện; Ông Nguyễn Đức Hiếu – thôn Xuân Quang – thị trấn Chợ Lầu đã có 24 lần hiến máu nhân đạo; ông Thổ Tiến Dô – xã Đoàn Phan Hòa, có 16 lần hiến máu nhân đạo...
Những tấm gương tiêu biểu, nghĩa cử cao đẹp trong các lĩnh vực còn rất nhiều, rất gần gũi trong đời thường, có ở mọi lúc mọi nơi, như Bác Hồ đã nói “Người tốt việc tốt nhiều lắm ở đâu cũng có. Ngành nào, giới nào, lứa tuổi nào cũng có” cần được trân trọng tôn vinh, phát huy nhân rộng, làm cho tình yêu thương được lan tỏa và kết nối cộng đồng để cuộc sống luôn tươi đẹp./.